Dân văn phòng hay bị tê tay

Rất nhiều nhân viên văn phòng sau khi rời cơ quan về đến nhà vừa ngã lưng xuống nằm thì bỗng dưng đau nhức khắp mình, đau tê ở vùng vai, gáy, sau đó lan xuống cánh tay, cẳng tay và các ngón tay. Triệu chứng này có thể lặp đi lặp lại trong nhiều ngày, thậm chí trong nhiều tháng. Nguyên nhân do đâu?

Nằm, ngồi sai tư thế

Chị VTT 37 tuổi là nhân viên văn phòng một công ty tại TP.HCM. Do điều kiện công việc phải làm việc trên máy vi tính nên chị T. thường xuyên ngồi ở bàn làm việc. Đến một hôm chị phát hiện việc dang tay lên xuống rất khó khăn. Vùng vai và cổ đau nhức dữ dội. Từ vai đến các ngón tay tê buốt, không cử động được. Cơn đau buốt thường xuất hiện về đêm, lúc trở mình và tỉnh giấc cơn đau càng dữ dội hơn. Chị T. đến bệnh viện để khám. Qua khai thác bệnh sử, các bác sĩ phát hiện chị bị đau nhức khớp vai do ngồi làm việc một chỗ, ít vận động. Khi ngủ trưa ở văn phòng lại nằm sai tư thế gây chèn ép dây thần kinh vai nên dẫn đến các triệu chứng trên.

Tương tự anh HVĐ, 39 tuổi, là nhân viên nhân sự của một công ty lớn ở TP.HCM. Bốn năm trước anh Đ. từng bị bệnh thoát vị đĩa đệm. Sau nhiều lần điều trị bệnh đã khỏi nhưng gần đây bệnh tình lại chuyển sang chiều hướng khác. Anh Đ. không còn bị đau và tê ở vùng lưng mà chuyển sang vùng vai và cánh tay. Cánh tay thường bị đau buốt, nhức nhối đột ngột, cơn đau có cảm giác buốt lên tận óc. Cơn tê buốt còn lan dần các đầu ngón tay nên việc vận động và cầm nắm bằng tay rất khó khăn. Quá lo sợ cho sức khỏe, anh Đ. đã tìm đến bác sĩ để được thăm khám. Kết quả X-quang cho thấy anh Đ. bị viêm dây thần kinh vai, rất có khả năng anh bị tổn thương trước đó. Các bác sĩ cho rằng có thể do đặc thù công việc, anh Đ. ít vận động và ngồi, nằm sai tư thế nên mắc chứng bệnh trên.

Dân văn phòng hay bị tê tay ảnh 1

Do đặc thù công việc, nhân viên văn phòng cần ngồi đúng tư thế và vận động thường xuyên để phòng ngừa bệnh tê tay. Ảnh minh họa: HTD

Tê tay - triệu chứng của nhiều loại bệnh

Hiện nay, rất nhiều nhân viên văn phòng bị triệu chứng tê tay đến khám tại các bệnh viện. Khi khai thác bệnh sử, các bác sĩ phát hiện đa số bệnh nhân có chung một “bệnh lý” là ngồi một chỗ và lười vận động.

Theo BS Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc BV Nhân dân 115, tê buốt tay là triệu chứng của rất nhiều loại bệnh, thông thường và thường gặp nhất là do bị chèn ép các dây thần kinh vai. Nguyên nhân gây chèn ép dây thần kinh vai cũng đa dạng như do viêm dây thần kinh vai, thoái hóa đĩa đệm khớp vai, vôi hóa khớp vai… “Chèn ép dây thần kinh vai không bỗng dưng mà có mà đôi khi bắt nguồn từ việc bệnh nhân thường ngồi làm việc hoặc lái xe sai tư thế trong thời gian dài, nằm ngủ, xem tivi gối đầu quá cao... Hoặc do bệnh nhân bị nhiễm lạnh (do ngồi trước quạt, máy lạnh quá lâu), để ánh nắng mặt trời chiếu thẳng vào vùng gáy, tắm rửa ban đêm,... gây viêm dây thần kinh vai cũng dẫn đến bị tê tay. Ngoài việc tê tay bệnh nhân còn bị đau âm ỉ hoặc dữ dội ở vùng cổ, gáy, cảm giác nhức nhối khó chịu. Cơn đau có thể lan lên mang tai, thái dương hoặc lan xuống vai, cánh tay. Một số trường hợp có thể kèm theo co cứng cơ, tê ở cánh tay, cẳng tay, ngón tay hoặc nặng hơn là yếu liệt cơ, teo cơ” - BS Phú cho biết.

PGS-TS-BS Võ Văn Nho, Giám đốc BV Chuyên khoa Ngoại thần kinh Quốc tế (TP.HCM), cũng cho biết hằng ngày bệnh viện tiếp nhận 40-50 bệnh nhân bị bệnh tê tay đến khám. Đa số họ là nhân viên văn phòng. Ngoài những bệnh nhân bị tê tay do chèn ép dây thần kinh còn có các bệnh nhân mắc các bệnh lý khác như: thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, vẹo cổ bẩm sinh, dị tật, viêm, chấn thương vùng cổ,… Một vài trường hợp còn bị tê tay do hội chứng ống cổ tay. “Đối với các bệnh nhân bị tê tay nhẹ đa phần được chỉ định điều trị nội khoa cộng với tập luyện thì có thể khỏi. Nhưng đối với các bệnh nhân bị đau và tê tay dữ dội, có nguy cơ bị teo cơ thì sẽ được chỉ định phẫu thuật” - BS Nho nói.

Đối với bệnh nhân bị tê tay không do bệnh lý có thể phòng ngừa được. Những người thường xuyên làm việc ở văn phòng hoặc lái xe nhiều phải ngồi đúng tư thế. Không nên ngồi quá lâu và tập trung mắt vào một chỗ. Sau 30-45 phút nên đứng lên và vận động cột sống cổ, vai và tay. Không nên bẻ cổ hoặc lắc cổ đột ngột sẽ có thể làm cho đĩa đệm bị thoát vị ra ngoài. Ngoài ra cần nằm ngủ đúng tư thế, không kê gối quá cao hoặc nằm co quắp lưng sẽ giảm được việc chèn ép các dây thần kinh.

Ngoài việc phòng ngừa thì duy trì thói quen tập thể dục như chạy bộ, bơi lội… cũng sẽ giúp ngăn ngừa rất tốt căn bệnh này. Đối với người đang bị thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ… thì không nên tập luyện các động tác mạnh. Nên nghỉ ngơi và thăm khám bác sĩ thường xuyên để theo dõi diễn tiến của bệnh và được tư vấn các bài tập phù hợp.

BS NGUYỄN ĐÌNH PHÚ, Phó Giám đốc BV Nhân dân 115

NAM TRÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm