Bác Hồ với việc xuất bản sách "Người tốt, việc tốt"

Nhằm làm cho công tác tuyên truyền, giáo dục gương người tốt, việc tốt ngày càng phát huy tác dụng sâu rộng trong nhân dân, tháng 6 năm 1968, Bác Hồ đã chỉ đạo việc xuất bản sách Người tốt, việc tốt để mỗi người đều có thể học tập và làm theo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu của Người cho một số đại biểu dự Đại hội những phụ nữ xuất sắc trong phong trào "Ba đảm đang" của Thủ đô Hà Nội, 2-12-1965.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu của Người cho một số đại biểu dự Đại hội những phụ nữ xuất sắc trong phong trào "Ba đảm đang" của Thủ đô Hà Nội, 2-12-1965.

Theo Bác, người tốt, việc tốt ở đâu cũng có, ngành giới nào, địa phương nào, lứa tuổi nào cũng có. Những việc làm của họ, dù nhỏ, nhưng giống như những giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng thành suối, thành sông và hợp thành biển cả... có một ý nghĩa lớn lao, thể hiện tinh thần trách nhiệm cũng như lòng nhân ái "thương người như thể thương thân", "mình vì mọi người" của nhân dân ta. Những việc làm đó cần được khen thưởng đúng mức để động viên, khuyến khích mọi người hăng hái làm những việc ích nước lợi nhà.

Khi trao đổi ý kiến về việc thưởng huy hiệu của mình, Bác nói: "Ðối với anh hùng, dũng sĩ, chiến sĩ thi đua được Ðảng và Nhà nước khen thưởng thì phải qua nhiều cấp, nhiều ngành cân nhắc, xét duyệt. Còn với người tốt làm những việc tốt thì việc khen thưởng có thể đơn giản hơn. Nếu Trung ương cho phép Bác làm, thì Bác nghe báo cáo, đọc báo và chỉ cần điều tra lại một chút cho đúng sự thật là Bác có thể thưởng huy hiệu"(2).

Trong nhiều năm Bác đã theo dõi những việc làm tốt hằng ngày của những người bình thường, người thật việc thật trong bộ đội, công nhân, nông dân, trí thức, phụ lão, phụ nữ, thiếu nhi; trong các ngành, các giới, các địa phương, ở miền ngược, miền xuôi và bà con kiều bào mới về nước. Những người đã làm công việc không do mình phụ trách, không vì quyền lợi của bản thân hay của người quen biết.

Gương các em bé dũng cảm cứu bạn, nhặt được của rơi trả lại người đánh mất, các cụ phụ lão tuổi đã cao nhưng vẫn tích cực trồng cây, những phụ nữ sản xuất giỏi, những chiến sĩ dũng cảm trong chiến đấu, những bác sĩ, kỹ sư luôn tận tụy với công việc, các cụ già Việt kiều sau bao năm xa quê hương, nay trở về Tổ quốc để cùng chia sẻ những khó khăn, cùng gánh vác công việc đánh Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội, v.v. Tất cả những việc làm đó đều nói lên tinh thần yêu nước, đạo đức trong sáng và thuần phong mỹ tục của nhân dân ta.

Bác cho rằng, cần phải biết tìm ra ưu điểm của mỗi người để khích lệ, động viên họ, như vậy tác dụng giáo dục sẽ cao hơn nhiều. Bác nói: "Khi nào mà phê bình một người có khuyết điểm thì nên tìm cho ra trong người đó họ đã làm những việc gì tốt, có ích cho xã hội. Ðó là tốt, mặc dù việc đó nhỏ"(3), vì trong mỗi người đều có thiện và ác, do đó cần làm cho phần tốt được nhân lên, phần xấu mất dần đi.

Càng có nhiều người làm việc tốt, thì những hành động cá nhân chủ nghĩa, như lười biếng, tham ô, lãng phí, quan liêu, bè phái, thiếu dân chủ, làm việc tản mạn không có kế hoạch... sẽ ngày càng ít đi. Ðây là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Ðảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới.

Ðầu tháng 6 năm 1968, Bác đã làm việc với một số cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương Ðảng về việc làm và xuất bản loại sách Người tốt, việc tốt. Trong những năm 1968-1969, Bác đề nghị Ban Bí thư Trung ương Ðảng chỉ thị cho toàn Ðảng noi gương người tốt để làm việc tốt. Các đồng chí Hà Huy Giáp, Lê Xuân Ðồng và một số đồng chí khác trong Ban Tuyên huấn Trung ương Ðảng phụ trách vấn đề này.

Bác rất quan tâm đến việc học tập và làm theo những tấm gương người tốt, việc tốt, nên đã dặn đồng chí Hà Huy Giáp là vào ngày đầu tháng, giờ đầu ngày đến Phủ Chủ tịch báo cáo với Bác, và "Nếu cuối tháng chú đi địa phương mà đầu tháng chưa về được thì ước chừng bao giờ về thì cho Văn phòng Bác hay để Bác bố trí lịch gặp... Khi trở về thì lên gặp Bác ngay, còn nếu mệt thì cũng cho Bác hay để hoãn lại"(4).

Gần 5.000 huy hiệu của Bác tặng thưởng cho gương người tốt làm những việc tốt là cơ sở để làm thành các tập sách Người tốt, việc tốt. Theo Bác các tập sách này chỉ để ghi lại những con người và sự việc đã làm, từ đó phổ biến sâu rộng trong nhân dân, do đó cách viết cần giản dị và đúng sự thật.

Trong ngôi Nhà sàn của Bác tại Phủ Chủ tịch, trên bàn làm việc, trong phòng họp và phòng ngủ của Người đều có các cuốn sách Người tốt, việc tốt. Những tờ báo còn mang bút tích của Bác đánh dấu, ghi rõ khen thưởng huy hiệu cho những người tốt làm việc tốt. Thực hiện ý kiến của Người, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đang trong giai đoạn quyết liệt thì những tập sách Người tốt, việc tốt "Vì nước vì dân", "Thế hệ anh hùng", "Dũng cảm đảm đang", "Việc nhỏ nghĩa lớn", "Hậu phương thi đua với tiền phương"... ra đời đã góp phần vào việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa.

Trong kháng chiến, phong trào người tốt, việc tốt đã góp phần quan trọng động viên toàn dân ta đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược và chuẩn bị con người cho việc xây dựng lại đất nước sau chiến tranh. Ngày nay các phong trào: Ðền ơn đáp nghĩa; Xây dựng nhà tình nghĩa; Phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Ánh hùng; ủng hộ các nạn nhân bị nhiễm chất độc màu da cam; ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt; Xây dựng Quỹ ủng hộ người nghèo; Thanh niên tình nguyện; Xây dựng gia đình văn hóa và Bảo vệ an ninh Tổ quốc... đang được nhân dân cả nước đồng tình và tích cực tham gia. Những phong trào này ngày càng phát huy những truyền thống tốt đẹp vốn có của dân tộc ta.

Bạn đọc cả nước rất hoan nghênh Báo Nhân Dân, Báo Quân đội Nhân dân và Báo Lao động đã phối hợp tổ chức cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý". Ðây là những bài viết về gương những người có việc làm tốt của nhân dân ta ở khắp mọi miền của Tổ quốc, những việc làm mang lại hiệu quả thiết thực, đóng góp cho sự nghiệp đổi mới đất nước (từ năm 1986 đến nay). Cuộc thi viết này chính là sự tiếp nối việc tuyên truyền giới thiệu những tấm gương người tốt, việc tốt trong toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta của Bác.

Trong giai đoạn hiện nay, việc ủng hộ và tham gia tích cực các hoạt động trên đây chính là chúng ta đang thực hiện lời Bác dạy: Noi gương người tốt để làm việc tốt, góp phần nhỏ bé của mình vào phong trào thi đua yêu nước của đồng bào cả nước.

-------------------------

1. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.12, tr.551.

2. Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.12, tr.548.

3. Hồi ký Hà Huy Giáp, tr.137. Lưu Kho Tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh, ký hiệu H25C5/11.

4. Hồi ký Hà Huy Giáp, Sđd, tr.145.

Lê Thị Liên (Bảo tàng Hồ Chí Minh)

Theo Nhân Dân

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm