Xưởng tái chế nhựa gần trường học

Người dân ấp Thái Hòa, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) phản ánh khu nhà xưởng tái chế nhựa ở đây gây ô nhiễm môi trường từ lâu nhưng chính quyền không xử lý triệt để. Đặc biệt, khu nhà xưởng này lại nằm gần Trường THCS Lê Đình Chinh nên hằng ngày thầy cô và các em học sinh phải hứng chịu mùi hôi, khét khó chịu, ảnh hưởng đến việc học hành.

Ngộp thở, choáng váng vì ô nhiễm

Từ quốc lộ 1A đi vào khu Trường THCS Lê Đình Chinh, chúng tôi đã thấy ngộp thở vì mùi nồng nặc từ hoạt động tái chế nhựa. Càng đi sâu vào con đường phía sau trường học thì mùi hôi, khét càng đậm đặc. Đến gần “khu liên hợp” tái chế nhựa, những ống khói từ các lò nấu nhựa, cao su tái chế tỏa ra nghi ngút. Cạnh đó là những đống rác nhựa ngổn ngang, dòng nước đen ngòm, hôi thối...

Ông Ba Hùng (ngụ ấp Thái Hòa) cho biết khu tái chế nhựa này đã tồn tại nhiều năm nay. Người dân nơi đây luôn sống trong bầu không khí bị ô nhiễm khí độc từ nhà xưởng bốc ra. “Ngày nào các xưởng nấu nhựa tái chế cũng thải ra mùi hăng nồng, khét lẹt, chịu không thấu. Khách đến nhà tôi chơi hít phải khí này liền bị nôn ói, nhức đầu, chóng mặt. Chúng tôi phản ánh miết nhưng chưa thấy giải quyết…” - ông Ba Hùng bức xúc.

Điều đáng nói, khu tái chế nhựa này chỉ cách trường học THCS Lê Đình Chinh khoảng hơn 100 m. Hàng ngàn học sinh hằng ngày phải tiếp xúc với môi trường không khí bị ô nhiễm nên các bậc phụ huynh hết sức bức xúc. Một bảo vệ của trường than thở: “Mùi hôi khó chịu lắm, ban ngày thì ít hơn, buổi tối họ đốt nhựa nhiều chịu không nổi, khói bay mù mịt”.

Ngoài những đống rác, chất thải tái chế còn chất thành từng đống lộ thiên gần khu nhà xưởng. Chất thải này được bỏ trong bao tải, có màu đen, được cho là than của nhựa cao su bị đốt, có mùi nồng khét, nhiều chỗ đã bị vùi lấp. Khi trời mưa, nước đen chảy loang ra khắp khu vực.

Xưởng tái chế nhựa đang hoạt động (ảnh trên) và bãi đổ xỉ than (ảnh dưới). Ảnh: VŨ HỘI

Xử lý nửa vời

Trả lời phóng viên, Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Trảng Bom Ngô Đức Vượng cho biết nhiều năm trước khu vực này là điểm nóng gây ô nhiễm trên địa bàn với gần chục xưởng tái chế nhựa. Tất cả nhà xưởng này đều hoạt động không phép. Qua kiểm tra, Phòng TN&MT kết hợp với địa phương đã xử phạt, yêu cầu các nhà xưởng không được hoạt động, phải di dời.

Khi PV đưa ra những hình ảnh xưởng tái chế vẫn hoạt động, nhả khói trắng, ông Vượng nói: “Trước kia chúng tôi đã làm rất quyết liệt, tất cả khu nhà xưởng đều đóng cửa, ngừng hoạt động, sau đó giao cho địa phương quản lý. Mấy ngày trước cán bộ của phòng cùng địa phương đi kiểm tra thì các xưởng tái chế này không còn hoạt động. Nếu đúng những xưởng tái chế này vẫn lén lút hoạt động thì chúng tôi sẽ cho kiểm tra để xử lý. Riêng về những chất thải đã qua tái chế mà chủ các xưởng đã đổ ra khu vực những bãi đất trống thì chưa xác định được có độc hại đến môi trường hay không (!?). Tuy nhiên, chúng tôi yêu cầu các chủ cơ sở phải mang đi xử lý theo đúng quy định”.

Ông Đỗ Xuân Khánh, Chủ tịch UBND xã Hố Nai 3, cũng khẳng định trong những lần tiếp xúc cử tri, người dân rất bức xúc về khu tái chế nhựa gây ô nhiễm này.

Ông Hồ Thanh Hải - cán bộ phụ trách môi trường xã Hố Nai 3 xác nhận tình trạng khu vực tái chế nhựa này gây ô nhiễm từ nhiều năm nay. Ông Hải cho biết mấy năm trước có hàng chục nhà xưởng tái chế nhựa và đốt cao su, địa phương cũng đã quyết liệt xử lý. Hiện giờ còn tồn tại ba cơ sở tái chế nhựa của ông Nguyễn Văn Hiền, Lý Hồng Quân và Lê Văn Phát cùng hai xưởng đốt cao su của ông Dương Văn Bình và Đỗ Văn Thanh. Hầu hết các xưởng này đều bị cơ quan chức năng xử phạt về vi phạm môi trường.

“Chúng tôi đã làm việc với Trường THCS Lê Đình Chinh và có ghi nhận về tình trạng bị ô nhiễm làm ảnh hưởng đến trường học. Mới đây địa phương có đi kiểm tra thì các khu tái chế này đã cam kết ngưng hoạt động và đang chờ di dời. Thời gian tới địa phương sẽ giám sát chặt chẽ, nếu chủ các xưởng tái chế nhựa vẫn cố tình hoạt động thì chúng tôi sẽ đề xuất với huyện để xử lý theo đúng quy định” - ông Hải cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm