Xuất khẩu lao động: Nôn nóng sẽ bị kẻ xấu lợi dụng

Thông qua chương trình xuất khẩu lao động (XKLĐ), nhiều người muốn thay đổi công việc, học hỏi kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội đổi đời. Tuy nhiên, không ít người vì nôn nóng, nhẹ dạ nên chưa tìm đến các đầu mối có đầy đủ chức năng XKLĐ để lo thủ tục XKLĐ. Vì thế, không ít trường hợp bị “đem con bỏ chợ” hoặc lừa tiền. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn các quy định, điều kiện trước khi XKLĐ, ngày 7-10, báo Pháp Luật TP.HCM đã tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến “Tư vấn XKLĐ sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Bồ Đào Nha và Israel”.

Mức lương hấp dẫn

Ông Trần Quốc Ninh, Giám đốc Công ty Dịch vụ XKLĐ và chuyên gia (Suleco), cho biết: “Ngoài Nhật Bản và Bồ Đào Nha, Suleco còn đưa lao động làm việc trong các ngành quản lý khách sạn, làm việc tại các resort ở Singapore và Dubai”.

Các chuyên gia khẳng định hai thị trường XKLĐ tốt nhất hiện nay là Nhật Bản và Hàn Quốc. Kế đến là Bồ Đào Nha và Israel. Thị trường Nhật Bản có điều kiện bảo hộ lao động và đối xử với người lao động rất tốt. Công việc cần tuyển chủ yếu là các ngành cơ khí chế tạo phụ tùng ôtô, chế biến thực phẩm, nông nghiệp. Mức lương dao động 700-800 USD/tháng tùy theo ngành nghề, làm thêm giờ có thu nhập bình quân khoảng 1.000 USD/tháng. Tuy nhiên, kỷ luật lao động và tác phong làm việc khá nghiêm ngặt, vì thế người lao động cần hiểu rõ để không bị bỡ ngỡ. Về thắc mắc: “Có phải nộp tiền thế chân hoặc chống trốn không? Người lao động có phải chi tiền vé máy bay không?”, ông Ninh cho biết: Đối với Nhật Bản, người lao động không phải ký quỹ hay đóng thế chấp dưới bất cứ hình thức nào. Hầu hết các nhà máy đều đài thọ tiền vé máy bay đi và về cho người lao động.

Xuất khẩu lao động: Nôn nóng sẽ bị kẻ xấu lợi dụng ảnh 1

Toàn cảnh buổi tư vấn xuất khẩu lao động do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức. Ảnh: H.VI

Còn “Muốn sang Bồ Đào Nha làm việc có phải học nghề gì trước không?”, ông Ninh nói: Bồ Đào Nha đang có nhu cầu về thợ hàn bậc cao 6G (chuyên hàn đường ống dầu khí). Mức lương cơ bản là 1.000 USD/tháng, làm việc 50 giờ/tuần. Chi phí ăn ở, các loại bảo hiểm và thuế đều do chủ sử dụng lao động đài thọ. Mức thu nhập thực tế của một người là 3.000 đến 4.000 USD (kể cả làm thêm giờ).

Làm sao tránh lừa đảo?

Vấn đề lừa đảo trong hoạt động XKLĐ được nhiều bạn đọc quan tâm. Bạn đọc tên Bình Hòa nói: “Có người quen hướng dẫn phải nộp 50 triệu đồng lo phí và tiền học tiếng Nhật mới đi được, điều đó có đúng không?”. Ông Trần Quốc Ninh đáp: “Để không phải tốn những khoản phí vô ích, đề nghị người lao động liên hệ trực tiếp với văn phòng các công ty XKLĐ có uy tín, tránh liên hệ môi giới và “cò” để được XKLĐ. Nếu liên hệ qua công ty có uy tín, trường hợp bạn không đạt phỏng vấn của nghiệp đoàn này, công ty sẽ giới thiệu bạn cho nghiệp đoàn khác.

Chưa hết, hai bạn đọc khác cho hay: “Theo tôi được biết, toàn bộ chi phí để sang Hàn Quốc làm việc tốn khoảng 1.000 USD nhưng thực tế nhiều gia đình phải tốn trên 10.000 USD cho “cò”, cơ quan môi giới…”. Ông Trần Hiếu Liêm, Phó phòng Lao động, Tiền lương-Tiền công, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP.HCM, khuyến cáo: “Chương trình đưa lao động đi làm việc ở Hàn Quốc được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Lao động Hàn Quốc ký kết. Việc tổ chức đưa người lao động Việt Nam sang Hàn Quốc được giao cho Trung tâm Lao động ngoài nước trực tiếp tổ chức thực hiện. Khi người lao động Việt Nam được phía Hàn Quốc tuyển chọn, người lao động phải chi 630 USD để mua vé máy bay, bồi dưỡng kiến thức, chi phí hồ sơ... Khi xuất cảnh, người lao động phải đem theo 500 USD để mua bảo hiểm rủi ro và bảo hiểm hồi hương. Tiền mua trang phục khoảng 280.000-300.000 đồng. Tiền tham gia Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước 100.000 đồng. Ngoài các khoản này, người lao động không phải đóng bất cứ chi phí nào khác”.

Theo ông Liêm, chỉ những người được chủ sử dụng lao động Hàn Quốc tuyển chọn và ký hợp đồng lao động thì mới làm thủ tục xuất cảnh. Tuy nhiên, do số lượng tuyển dụng có hạn nên kỳ thi tiếng Hàn có tính cạnh tranh rất cao và nhiều người lao động phải chờ đợi khá lâu. Thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự tuyển là một năm. Sau thời gian này, nếu chưa được người chủ sử dụng lao động tuyển chọn thì người lao động sẽ bị xóa tên khỏi danh sách dự tuyển.

Theo ông, để tránh bị lừa đảo, trong khi chờ đợi để được tuyển chọn, người lao động không nên nôn nóng để tránh bị kẻ xấu lợi dụng.

Một số vụ lừa đảo

- Năm 2008, Vũ Đình Thanh, cư trú tại Czech, thông qua Công ty Incomex Saigon, Viarasimex và Trung tâm XKLĐ Sơn La thu phí môi giới 5.000 USD/người. Thanh đã nhận của ba đơn vị trên 212.000 USD nhưng chỉ đưa ba người sang Czech, trong đó một người phải về nước do bố trí công việc không đúng hợp đồng.

- Dù không có chức năng xuất khẩu lao động nhưng Công ty TNHH Trung Sao do Nguyễn Bá Hoan (Bắc Ninh) làm giám đốc đã cấu kết với một số Việt kiều tạo dựng năm hợp đồng về việc đưa người sang Mỹ dưới hình thức du học tại Thái Lan, thực tập nghề tại Mỹ. Trong thời gian ngắn, Hoan và đồng bọn đã lừa đảo 225 người tại 22 tỉnh, TP với số tiền 1,2 triệu USD và gần 4 tỉ đồng.

PHONG ĐIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm