Xác nhận lơ mơ, người kết hôn gặp khó

Để đăng ký kết hôn, đương sự phải được cơ quan thẩm quyền xác nhận hiện tại không có vợ hoặc không có chồng. Việc xác nhận có thể bằng tờ giấy riêng rẽ hoặc trong tờ khai đăng ký kết hôn. Nhưng nhiều UBND xã lại xác nhận chưa đầy đủ hoặc không chính xác về việc này, gây khó cho người muốn kết hôn lẫn các cơ quan chức năng.

Không nêu căn cứ

Thông tư 01 ngày 2-6-2008 của Bộ Tư pháp hướng dẫn: Nội dung xác nhận tình trạng hôn nhân phải ghi rõ đương sự hiện tại chưa đăng ký kết hôn với ai (Ví dụ: Anh Nguyễn Văn A, hiện đang cư trú tại..., hiện tại chưa đăng ký kết hôn với ai); đối với người đã có vợ/chồng nhưng đã ly hôn hoặc người kia đã chết thì cũng phải ghi rõ điều đó (Ví dụ: Anh Nguyễn Văn A, hiện đang cư trú tại... đã đăng ký kết hôn nhưng đã ly hôn theo Bản án ly hôn số... ngày... tháng... năm... của TAND..., hiện tại chưa đăng ký kết hôn với ai).

Tuy nhiên, nhiều xã của tỉnh Đồng Tháp đã chứng như thế này: “Nguyễn Thị Thùy Dung, đang cư trú tại..., đăng ký kết hôn lần thứ hai là đúng sự thật”; “Nguyễn Thị Bé Lan... chưa đăng ký kết hôn lần hai tại địa phương. Nay đăng ký kết lần hai là đúng”; “Phạm Kim Nga... trước năm 2007 đã kết hôn, sau năm 2007 ly hôn, sống độc thân. Nay kết hôn lần thứ hai”. Các xác nhận này đều chưa thể hiện được đương sự đã ly hôn theo bản án nào, do TAND nào xét xử.

Không đúng sự thật

Không chỉ thiếu sót, nhiều xác nhận còn sai hoàn toàn. Như bà N. (tỉnh Đồng Tháp) kết hôn với một người có quốc tịch Trung Quốc (Đài Loan), đã ly hôn theo bản thuận tình ly hôn do Phòng Hộ chính huyện Miêu Lật (Đài Loan) cấp năm 2004 và được Sở Ngoại vụ TP.HCM hợp pháp hóa lãnh sự năm 2005. Đầu năm 2009, bà N. đến UBND xã xác nhận tình trạng hôn nhân của mình để chuẩn bị nộp hồ sơ đăng ký kết hôn với một người Đài Loan khác.

Lần thứ nhất, tờ khai đăng ký kết hôn của bà được xác nhận như sau: “Nguyễn Kim N..., đăng ký kết hôn lần thứ nhất là đúng sự thật” (?). Đến khi liên hệ lại với UBND xã để xin xác nhận lần hai theo yêu cầu của Sở Tư pháp tỉnh thì bà được xác nhận như sau: “Nguyễn Kim N. đăng ký kết hôn lần thứ II là đúng sự thật”. Do nội dung xác nhận lần hai vẫn chưa đạt yêu cầu nên hồ sơ của bà tiếp tục bị từ chối. Kết cục, bà N. phải cố gắng quay trở lại UBND xã để được xác nhận lần ba theo đúng quy định của Nghị định 158 ngày 27-12-2005 của Chính phủ và khoản 2 mục II Thông tư số 01 nêu trên. Đó là: “Nguyễn Kim N... đã đăng ký kết hôn nhưng đã ly hôn theo Bản thuận tình ly hôn..., được hợp pháp hóa lãnh sự ngày..., hiện tại chưa đăng ký kết hôn với ai”.

Hay như trường hợp của bà Trần Thị Tuyết A., trước đây đăng ký hộ khẩu thường trú tại tỉnh An Giang. Cuối năm 2007, sau khi ly hôn, bà A. chuyển hộ khẩu đến tỉnh Đồng Tháp. Đầu năm 2009, trước khi đăng ký kết hôn với một Việt kiều Canada, bà đã được UBND xã ở tỉnh Đồng Tháp xác nhận như sau: “Trần Thị Tuyết A..., từ trước đến nay sống tại địa phương chưa và không kết hôn với ai cũng như không chung sống như vợ chồng với bất kỳ ai. Hiện tại đang sống độc thân. Xin đăng ký kết hôn lần thứ nhất là đúng” (?).

Theo Thông tư 01 nêu trên, đối với những người đã qua nhiều nơi cư trú khác nhau mà UBND cấp xã nơi xác nhận tình trạng hôn nhân không rõ về tình trạng hôn nhân của họ ở những nơi đó thì đương sự phải viết bản cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình trong thời gian trước khi về cư trú tại địa phương và chịu trách nhiệm về việc cam đoan. Như vậy, nếu không rõ tình trạng hôn nhân của bà A. ở nơi cư trú cũ, xã phải yêu cầu bà A. làm bản cam đoan. Việc “nhắm mắt” xác nhận dễ làm rối cho tất cả các bên liên quan.

PHAN NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm