Vụ đào được hòn đá 30 tấn: ‘Mức phạt quá sức phi lý’

Vụ đào được hòn đá 30 tấn: ‘Mức phạt quá sức phi lý’ ảnh 1
Tảng đá khủng nặng 30 tấn

Nên xử phạt để ngăn ngừa khai thác tài nguyên cạn kiệt
Cũng có nhiều ý kiến ủng hộ việc xử phạt này. Các bạn cho rằng việc xử phạt nên thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, nghiêm minh để phòng ngừa, bởi vì quản lý tài nguyên là việc nên làm. Các nước khác trên thế giới cũng đều rất quan tâm đến việc quản lý khai thác khoáng sản. Việc lơi lỏng quản lý có thể làm nguồn tài nguyên bị cạn kiệt khi mọi người thi nhau khai thác vô tội vạ khoáng sản ở khắp nơi.
“Ở nước nào chẳng có luật cấm khai thác trái phép khoáng sản, không cấp phép mà ai cũng đào bới lung tung thì cạn kiệt tài nguyên hết. Phải xử lý thật nặng để răn đe những người sau tránh tái phạm, không thể ai cũng vì giả ngây không biết mà bỏ qua thì còn gì là luật pháp” bạn Lê Đức Minh nêu quan điểm.
“Đất thì không phải của dân, dân chỉ được sử dụng thôi nhé, không có quyền khai thác” bạn Minh Hiếu đồng quan điểm.
Bạn Tiên Sang còn viện dẫn pháp luật để bày tỏ ý kiến của mình: “Các bác ở đây nói chính quyền đòi thu sai thì về xem lại sổ đỏ nhà mình đi nhé. Sổ đỏ là giấy chứng nhận QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT, chứ không phải quyền sở hữu. Các bác cứ nói vậy thì nước ngoài đến mua một khu đất, nó khai thác tài nguyên đem về thì nước nhà như thế nào ???”
Mức phạt không tin được
Tuy nhiên, đại đa số các ý kiến bạn đọc gửi về đều tỏ rõ sự ngạc nhiên, không tin được khi nghe tới mức phạt “khủng” này. Có ý kiến cho rằng hiện “các cơ quan có thẩm quyền chưa lập hội đồng định giá, chưa xác định được tính chất, giá trị của viên đá đó đã vội đệ trình hình thức xử phạt là vô cùng thiếu sót” – ý kiến của bạn Long Trân; hay “Không thể xử phạt một công dân về việc nhặt, vận chuyển một viên đá nào đó khi chưa làm rõ các vấn đề pháp lý liên quan”, bạn H. Trung cũng đồng quan điểm.
Các bạn cũng bày tỏ sự “sửng sốt” với mức phạt trên trời rơi xuống đối với hai người nông dân kia và cho rằng nên có một cách tịch thu hợp tình hợp lý. Cũng nên xem xét tới gia cảnh của hai người nông dân này (Bởi lẽ hoàn cảnh kinh tế của hai người này đều khá khó khăn. Ông Hảo vừa có hai con bị đuối nước rất thương tâm) mà có một mức phạt phù hợp thực tế chứ không nên phạt theo kiểu “trên trời rơi xuống” như thế.
“Gì kỳ vậy, người ta tìm được của quý, lại ở trong vườn người ta nữa. Không chia phần cho người ta lại phạt là sao? Nếu dân không hiểu thì giải thích, chứ sao lại phạt nặng như thế?” bạn Vĩnh Hội ngạc nhiên.
“Chuyện hoang đường, đá trong vườn nhà người ta thì người ta có quyền sở hữu nó. Nếu không được thì cũng phải tịch thu hợp tình hợp lý chứ sao lại có kiểu phạt trên trời thế này”, một bạn đọc có nick Bão bày tỏ.
Bạn Thủy Bình ấm ức: “Cục đá đó là than hay vàng còn chưa có văn bản kiểm định nào mà đã hạ bút ký phạt”.
“Gia cảnh người người này quá nghèo khó lấy đâu ra số tiền tỉ đó để mà đóng phạt. Việc này còn có nhiều cách để xử lý, đâu cần phải ra một mức phạt phi lý đến bức bách người dân như thế. Họ có làm cả đời cũng không thể nộp xong được mức phạt trên trời như thế” bạn Khoa bức xúc.

Vụ đào được hòn đá 30 tấn: ‘Mức phạt quá sức phi lý’ ảnh 2
Khu vực đào được tảng đá khủng 30 tấn

Nên có cách tịch thu hợp tình hợp lý
Theo quy định của pháp luật hiện hành, vật được tìm thấy là di tích lịch sử, văn hóa thì thuộc Nhà nước, người tìm thấy vật đó sẽ được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật. Có bạn đọc đã khẳng định rằng việc pháp luật có quy định về việc khai thác, quản lý khoáng sản như vậy cũng là hợp lý, tuy nhiên tùy trường hợp mà nên cân nhắc cách xử lý cho phù hợp thực tế cuộc sống, hợp lý hợp tình để người dân không cảm thấy bị oan ức, mà tâm phục khẩu phục thực hiện theo.
Bạn đọc tên Toàn viết: “Không có cơ sở nào để phạt anh Thanh và anh Bảo cả. Nếu hai anh có giấy chứng nhận chủ quyền đất ở thì chính quyền địa phương nên hướng dẫn anh cách thực hiện cho đúng pháp luật về quyền sở hữu và phù hợp với đạo lý làm người. Nếu đưa hòn đá vào nhà bảo tàng hay khu văn hóa công cộng thì cũng phải thương lượng với hai anh. Đấy là cách xử sự văn minh và hợp đạo lý.”
Bạn Huỳnh Văn Chiến cũng cho rằng phạt vậy không hợp tình: “Nói cho có tình có lý phạt dân mới đúng, đào trong đất nhà mình rồi thấy đá một cách tình cờ mà dân chẳng biết loại gì, thấy đẹp thì người ta đào bán thôi”.
Bạn Nguyễn Hương Việt thì bức xúc la: “Sao lại có cái kiểu luật pháp gì vậy hả Trời?” Bạn cho rằng hai người nông dân này không biết giá trị thật của tảng đá, chỉ là vô tình đào được “tịch thu là là quá lắm rồi thật không hiểu nổi”.
Nhận được mức khủng đồng tình - hơn 50 “like” là ý kiến của bạn Hoàng khi bạn cho rằng việc đòi hỏi giấy tờ thụ tục hành chính trong trường hợp này là rất vô lý: “Sao cái gì cũng đòi hỏi giấy tờ và nguồn gốc hết vậy? đào được cục đá trong đất mình thì hỏi phải nhờ ai làm giấy tờ đây? cơ quan nào cấp giấy? đất của người ta đâu phải đất của nhà nước hoặc khu vực cấm khai thác đâu mà tịch thu rồi phạt tiền”.
Còn theo bạn Nguyễn Đức so sánh: “Bởi vì luật pháp về sở hữu tài sản không rõ ràng. Không biết phải nói làm sao. Trong khi ở nước ngoài, nếu người dân đào được cái gì dù đó là đồ cổ thì cũng là của họ. Họ tự quyền xử lý”.
Bạn có nick ngocngoc tức quá “lý sự”: Pháp luật Việt Nam thì dân đào và bán 1 hòn đá là khai thác khoáng sản trái phép thì phạt 550 triệu, khai thác khoáng sản trái phép có qui mô, tổ chức thì… chịu thua!”.
Bạn Tô Hà có một phân tích khá dài bảo vệ ý kiến: “Phải thống nhất định nghĩa như thế nào là “khai thác khoáng sản” thì mới có tiếp cái định nghĩa về “khai thác khoáng sản trái phép. Mục đích của hai người này là đào hồ để lấy nước tưới chứ không phải là để đi tìm khoáng sản, việc tìm thấy cục đá là vô tình. Nên ngay từ đầu quy cho hành vi này là “khai thác khoáng sản” đã là không đúng và vì vậy, nói họ “khai thác khoáng sản không phép” thì càng sai. Họ có khai thác khoáng sản đâu?"
Cũng theo bạn Tô Hà "Nếu việc phạt trên cơ sở lập luận này được thông qua thì từ đây về sau bất cứ ai đào cái gì (đào ao, đào giếng, hồ …) trong lòng đất đều phải xin giấy phép “khai thác khoáng sản” bởi vì nếu vô tình phát hiện một loại khoáng sản (hay đá quý nào đó) thì đều vi phạm vào tội khai thác khoáng sản không phép. Vì hành vi lấy khoáng sản (đá quý) ra khỏi lòng đất thì đã hoàn thành lỗi khai thác khoáng sản rồi. Không cần phải tiêu thụ. Cái lỗi sai của hai người này là khi phát hiện khoáng sản đã không báo cho cơ quan chức năng. Và nếu có điều luật thì phạt họ về lỗi này. Rất mong cơ quan công an nên tư duy thêm về việc này chút xíu”.
Như đã đưa tin, ngày 10-2, ông Nguyễn Chí Thanh (trú thôn Nam Định, xã Đắk Gằn) thuê máy múc đào hồ tưới cà phê trong khu rẫy thì phát hiện tảng đá. Biết đây là đá bán quý, cấm khai thác, buôn bán nên xã Đắk Gằn đã chỉ đạo công an xã đến lập biên bản, cắt cử người trông coi.
Tuy nhiên, ông Thanh vẫn tiếp tục đào tảng đá và thỏa thuận bán cho một người ở TP Buôn Ma Thuột với giá 60 triệu đồng. Ngày 11-2, khi tảng đá đang được vận chuyển sang Buôn Ma Thuột thì bị Công an tỉnh Đắk Nông phát hiện, tạm giữ để xử lý.
Sau khi làm việc với các bên liên quan, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã xác định ông Nguyễn Chí Thanh (chủ rẫy) và ông Trương Quốc Hảo (chủ máy múc) đã có hành vi khai thác khoáng sản trái phép (không có giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định). Căn cứ Nghị định 142/2013 (quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản), công an tỉnh đang hoàn tất hồ sơ đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông xử phạt hai người này theo điểm d khoản 3 Điều 37 Nghị định 142/2013 với mức phạt mỗi người 550 triệu đồng.
Trong khi đó, trước thông tin công an tỉnh đề xuất xử phạt như trên, ông Phạm Đức Châu (Chủ tịch UBND xã Đắk Gằn) đã khẳng định việc này là không khả thi, thiếu tính thực tế do hoàn cảnh kinh tế của hai người này đều khá khó khăn…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm