Việc làm phi chính thức: Linh hoạt, dễ tổn thương

Hội thảo do Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Viện Nghiên cứu phát triển Pháp (IRD) phối hợp với Tổng cục Thống kê, Bộ LĐ-TB&XH cùng một số tổ chức quốc tế khác đồng tổ chức.

Tại hội thảo, ba mục tiêu chính được đặt ra là thống nhất cách định nghĩa, đo lường khu vực và việc làm khu vực phi chính thức; giới thiệu kết quả nghiên cứu về khu vực kinh tế này; thảo luận việc làm thế nào để hoạch định tốt hơn các chính sách hỗ trợ khu vực phi chính thức.

Các nghiên cứu công bố tại hội thảo của Tổng cục Thống kê (GSO) và Viện Nghiên cứu phát triển (IRD) cho thấy khu vực kinh tế phi chính thức (các doanh nghiệp không đăng ký kinh doanh, hộ gia đình tự sản xuất…) cung cấp gần 1/4 tổng số việc làm, đóng góp đáng kể vào tổng sản phẩm trong nước (GDP). Việc làm phi chính thức bao gồm toàn bộ những người lao động không được bất kỳ một chương trình bảo hiểm xã hội nào bảo vệ và chiếm tới 82% tổng số việc làm trên cả nước.

Mặc dù khu vực kinh tế phi chính thức sẽ tiếp tục là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, việc làm tại khu vực này là bến đỗ hữu hiệu trong thời kỳ hậu khủng hoảng nhưng các nghiên cứu chỉ ra rằng khu vực kinh tế phi chính thức tại Việt Nam vẫn chưa được hưởng lợi từ những chính sách hỗ trợ đặc thù. Việc làm trong khu vực kinh tế phi chính thức có thể tùy chỉnh linh hoạt nhưng có thu nhập và đời sống rất bấp bênh.

Đại diện Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam cho rằng: “Việt Nam đã không ngừng bổ sung, hoàn thiện hệ thống luật pháp và chính sách hỗ trợ khu vực kinh tế phi chính thức cũng như bảo vệ quyền lợi cho lực lượng lao động làm việc tại khu vực này. Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Dạy nghề, các chương trình xóa đói giảm nghèo và việc làm quốc gia, các chính sách về tín dụng... luôn dành ưu tiên cho những lao động ở khu vực phi chính thức”.

BẢO PHƯỢNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm