Ứng phó với trộm, cướp trên đường

Nhiều bạn đọc có cùng suy nghĩ này sau vụ một tài xế dùng ô tô rượt đuổi kẻ trộm đã gây tai nạn liên hoàn vào chiều 25-2.

Cân nhắc được, mất!

Nếu là tôi thì tôi cũng sẽ rượt theo mấy tên trộm, cướp để giành lại tài sản của mình và để pháp luật trị tội chúng. Ngoài việc tự lượng sức mình, tôi sẽ nhờ nhiều người xung quanh trợ giúp. Chắc chắn điều đầu tiên tôi làm là la thật to “cướp, cướp” để người đi đường nắm được tình hình và tham gia vây bắt chúng. Kế nữa, tôi sẽ nhìn xung quanh để tiên liệu việc truy đuổi có dễ thực hiện không, có khả năng gây nguy hiểm cho chính mình và những người tham gia giao thông khác hay không…

Tôi cho rằng sự cân nhắc thiệt hơn trong những trường hợp như thế này là rất cần thiết vì TP.HCM có lượng người tham gia giao thông đông nhất cả nước, chỉ một chút liều mạng là có thể gây ra thảm họa. Ngoài ra, ở nhiều tuyến đường có nhiều người đi bộ (như ở khu phố Tây thuộc quận 1 chẳng hạn), cả người đi xe máy lẫn xe ô ô đều không thể hở chút là truy đuổi đối tượng.

Ứng phó với trộm, cướp trên đường ảnh 1

Một đối tượng bẻ kiếng chiếu hậu ô tô bị bắt giữ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM. Ảnh: HTD

Trong vụ ô tô gây tai nạn liên hoàn ở dốc cầu Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh, TP.HCM) chiều 25-2, đồng ý là mất kính chiếu hậu thì tiếc thật nhưng nếu so với thiệt hại đã xảy ra (một người chạy xích lô bị thương nặng, một xe máy và một ô tô bẹp dí) thì xem ra tài xế ô tô đã hành xử không đúng.

Từ vụ tai nạn đáng tiếc này, có lẽ kinh nghiệm đáng giá cần rút ra: Nếu nhắm thấy không thể truy bắt thì nạn nhân hãy đến ngay công an phường gần nhất để trình báo vụ việc. Những thông tin liên quan sẽ giúp ích cho các anh công an trong quá trình phá án.

NGUYỄN HỒNG THẮM (Chung cư 207 Bùi Viện, quận 1)

Tôi cũng còn khỏe nên nếu kịp thời phát hiện có trộm thì tôi cũng sẽ đuổi theo để bắt bằng được. Tuy nhiên, vụ tai nạn liên hoàn vừa rồi đã làm tôi giật mình. May là người chạy xe xích lô nghèo chỉ bị thương, may là người chạy xe ôm không ngồi trên xe lúc đó… Chẳng qua là do nóng vội chứ nếu biết lường đến hậu quả phát sinh thì tài xế ô tô đã không làm như vậy bởi mạng người luôn là vô giá.

Hành động bắt trộm là đáng hoan nghênh nhưng rõ ràng phải có cách xử lý sáng suốt để giữ an toàn. Nên chăng nếu lúc đó đường trống trải thì với lợi thế là xe lớn hơn tài xế có thể chọn phương án rượt đuổi để ép xe tên trộm và sau đó là tóm cổ nó. Ngược lại, nếu đường phố đông người thì tài xế có thể truy hô để người đi đường phụ giúp bắt trộm.

levantien…@yahoo.com.vn

Bình tĩnh nhận dạng kẻ gian

Khi bị trộm, cướp, điều trước tiên là nạn nhân phải làm thế nào để bảo vệ tính mạng của mình.

Với bọn cướp, hãy làm theo yêu cầu của chúng và tìm hướng thoát thân. Hãy nhìn thật kỹ hình dáng, mặt mũi, đặc điểm nổi bật của tên cướp, tìm cách ghi nhận biển số phương tiện mà chúng đang đi để cung cấp cho công an. Lúc này bạn đừng xem trọng số tài sản của mình mà hãy xem như “của đi thay người”. Nếu bạn thật sự được an toàn thì hãy truy hô, nhờ người can thiệp, đừng tự mình đuổi theo vì cách này không những gây nguy hiểm cho bạn mà còn làm ảnh hướng đến người xung quanh.

LÊ KHANH, chuyên gia tâm lý

Gọi ngay 113

Khi bị mất của thì ai cũng muốn đuổi theo lấy lại tài sản huống gì anh tài xế phát hiện tên trộm bẻ gương chiếu hậu xe ngay trước mắt mình. Tuy nhiên, khi chọn cách lái xe đuổi theo tên trộm thì anh ấy đã đẩy mình và những người đang lưu thông trên đường vào mối nguy mất an toàn giao thông.

Nếu gặp trường hợp tương tự như thế thì các tài xế không nên đuổi bắt trộm. Bởi vì xe ô tô lớn, kềnh càng khó xoay trở, còn xe tên trộm cắp nhỏ dễ luồn lách. Tâm lý phẫn nộ đối tượng cộng thêm chút “máu nóng” phải bắt nó để cho nó chừa khiến cuộc rượt đuổi càng căng thẳng và dễ gây hậu quả. Thay vì đuổi theo thì tài xế nên ghi nhớ biển số xe, đặc điểm nhận dạng rồi gọi ngay 113. Khi nhận được tin báo, lực lượng 113 sẽ yêu cầu các đội, trạm công an gần đó hỗ trợ truy bắt đối tượng… Trường hợp không bắt được thì công an cũng đã ghi nhận được sự việc để truy lùng đối tượng.

Đối với xe máy, nếu bị cướp giật thì nạn nhân cũng nên lựa chọn cách xử lý ổn nhất. Có thể vừa rượt theo tên cướp vừa tri hô đặc điểm của tên cướp, ví dụ như xe màu xanh, tóc vàng, nón màu đen… Thật ra, do tâm lý lo lắng nên nạn nhân có thể tri hô không chính xác nhưng đối với tên cướp lo chạy thoát thân sẽ để lộ mình và đã có nhiều trường hợp người đi đường chung tay bắt cướp. Nếu không dám bắt cướp thì người dân cũng sẽ hỗ trợ bằng cách gọi công an, lấy những vật dụng cản đường tên cướp…

Một chiến sĩ công an

Thấy nguy hiểm thì nên bắt “nguội”

Để giảm thiểu nguy hiểm cho người lưu thông trên đường, người đuổi bắt kẻ gian phải bình tĩnh xem xét, đánh giá đối tượng. Nếu thấy xe mình mạnh hơn xe đối tượng, đường phố vắng, ít nguy hiểm cho người khác thì có thể áp sát ép đầu xe đối tượng để bắt chúng. Nếu thấy xe mình mình yếu hơn xe đối tượng thì nên cố gắng đeo bám chúng, đợi đến khi đối tượng mất tập trung, mất cảnh giác thì ra tay cũng không muộn. Tôi cho rằng nếu bắt “nóng” đối tượng mà gây nguy hiểm cho người đi đường thì nên thay bằng bắt “nguội”.

TRẦN HOÀNG ANH, CLB Phòng, chống tội phạm phường Hiệp Thành, thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm