Trẻ dưới sáu tuổi: Cấp thẻ BHYT cùng với giấy khai sinh

“Do chưa được cấp thẻ BHYT hoặc thẻ không còn giá trị sử dụng nên chúng tôi phải đưa con đi khám, chữa bệnh bằng giấy chứng sinh, giấy khai sinh hoặc phải khám dịch vụ khá mất công, tốn kém” - nhiều phụ huynh có con dưới sáu tuổi phản ánh như thế với Pháp Luật TP.HCM.

Không rõ thủ tục

Ngồi chờ trước khoa Khám bệnh của BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), mẹ của bé Ánh Linh (ba tuổi, ngụ xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè) cho hay chị không biết con mình thuộc diện được khám, chữa bệnh miễn phí thông qua việc được cấp thẻ BHYT. Cứ mỗi lần cháu bệnh, gia đình lại đưa cháu đi khám bác sĩ tư. Lần này, do cháu ho kéo dài trên hai tháng nên chị phải đưa bé đến BV. Người bên cạnh là anh Sĩ Lâm (huyện Hóc Môn) nói: “Tôi có nghe loáng thoáng về việc trẻ nhỏ được cấp thẻ khám, chữa bệnh miễn phí nhưng không biết thủ tục để làm”.

Cũng có không ít trường hợp đã được cấp thẻ nhưng thẻ lại bị “vô hiệu hóa”. Anh Minh Đức chỉ vào đứa con hai tuổi đang bị sốt: “Trước đây, cháu đã được cấp thẻ tại tỉnh Bắc Giang nhưng sau đó gia đình chuyển đến tạm trú tại TP.HCM (quận 12) thì thẻ không còn sử dụng được nữa. Vậy nên tôi phải đưa cháu khám dịch vụ”.

Tương tự, khi từ Tây Ninh chuyển đến Đồng Nai rồi đến TP.HCM sinh sống, chị Thu Sương đã làm hai thẻ BHYT ở hai tỉnh khác nhau cho hai con gái sinh đôi ba tuổi. Nay các bé không thể dùng thẻ cũ để hưởng BHYT vì khác tuyến, chị cũng không biết mình có đổi thẻ khác được không.

Trẻ dưới sáu tuổi: Cấp thẻ BHYT cùng với giấy khai sinh ảnh 1

Nhiều trẻ đang chờ khám bệnh tại BV Nhi đồng 1, TP.HCM. Ảnh: THÁI HIẾU

Giao thẻ cùng lúc với giấy khai sinh

Theo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP.HCM, UBND phường, xã có trách nhiệm lập danh sách trẻ cần cấp thẻ rồi chuyển đến các cơ quan BHXH làm thẻ. Tuy nhiên, nhiều phường, xã chưa kịp thời bổ sung danh sách nên còn nhiều trẻ chưa có thẻ khám, chữa bệnh miễn phí. Ở nhiều nơi, chính quyền địa phương cũng chưa quan tâm số trẻ mới sinh ra để làm thủ tục cấp thẻ đúng quy định.

Ông Đỗ Quang Khánh, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM, cho biết: “Chúng tôi đã kiến nghị HĐND TP.HCM yêu cầu UBND các địa phương rà soát các trường hợp trẻ chưa có thẻ BHYT để cấp phát ngay; đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH để khi các cháu được cấp giấy khai sinh thì nhận luôn thẻ BHYT, tránh bỏ sót như hiện nay”.

Một cán bộ Phòng Chăm sóc trẻ em - Sở LĐ-TB&XH TP.HCM thông tin: “Hiện nhiều gia đình chưa quan tâm đến việc làm thẻ BHYT cho trẻ. Về nguyên tắc, những trẻ thay đổi nơi cư trú phải có giấy xác nhận đã trả thẻ BHYT thì mới được cấp thẻ BHYT tại nơi ở mới. Cho rằng quy định này gây phiền hà, bất tiện nên nhiều phụ huynh không thực hiện dẫn đến việc không được cấp thẻ mới. Hiện các Phòng LĐ-TB&XH quận, huyện đang khẩn trương kiểm tra, xem xét số trẻ chưa có thẻ BHYT để chuyển danh sách sang cơ quan BHXH cấp thẻ”.

Thủ tục cấp thẻ cho trẻ tạm trú

Đối với trẻ em diện tạm trú, phụ huynh phải xin giấy xác nhận của địa phương cũ là chưa được cấp thẻ hoặc đã trả thẻ BHYT (nhằm bảo đảm mỗi trẻ chỉ được cấp một thẻ, tránh gây lãng phí ngân sách nhà nước). Sau khi nhận được giấy xác nhận này, UBND cấp phường nơi cư trú mới sẽ cấp cho trẻ biên nhận để trẻ được tạm thời khám, chữa bệnh miễn phí trong thời gian chờ được cấp thẻ BHYT.

Ông ĐỖ QUANG KHÁNH, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM

Lợi ích của thẻ

Đối với trẻ dưới sáu tuổi có thẻ BHYT, nếu đi đúng tuyến ban đầu thì thủ tục khám, chữa bệnh miễn phí sẽ rất đơn giản, nhanh chóng do phía BV cũng có sự thuận tiện ngay từ đầu.

Ngược lại, đối với trẻ chưa có thẻ BHYT (hoặc mất chưa làm lại), thủ tục khám, chữa bệnh có phần rườm rà hơn. Muốn được miễn phí, thân nhân của trẻ bắt buộc phải xuất trình giấy khai sinh, giấy chứng sinh và hộ khẩu nơi cư trú để chứng minh trẻ thuộc đối tượng được hưởng BHYT. Về phía các BV và cơ quan chức năng thì gặp khó khăn trong việc quản lý thẻ, thanh quyết toán và quản lý quỹ của đối tượng này.

LÊ BÍCH LIÊN, Phó Giám đốc BV Nhi đồng I (TP.HCM)

THÁI HIẾU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm