Tìm đầu ra cho quy hoạch

Thử hỏi nếu mạnh ai nấy xây, chính quyền không dành sẵn đất cho giao thông, công viên, trường học, bệnh viện... thì tới đây các đô thị sẽ phát triển thế nào. Lý là vậy nhưng vì không có sẵn tiền đầu tư, chính quyền cứ quy hoạch rồi để đó. Rồi cũng vì ngại sẽ càng gặp khó khăn trong việc giải tỏa, bồi thường, chính quyền đã bắt dân phải “án binh bất động”, nhất là đối với các khu vực đã có quyết định thu hồi đất. Báo hại, cái “treo” này lại bị cái “treo” khác tiếp nối khiến người dân vốn đã vất vả lại còn... khổ sở hơn.

Dân kêu là đúng nhưng thay vì hướng đến các quy hoạch khả thi và sớm được triển khai trên thực tế, chính quyền lại cố gắng làm dịu lòng dân bằng các tuyên bố xóa hết các quy hoạch “treo”. Đồng ý rằng việc xóa “treo” không có nghĩa là hủy bỏ hết thảy mà có thể là thu hẹp, điều chỉnh hoặc đưa ra kế hoạch triển khai. Chẳng hạn, đối với những quy hoạch công viên cây xanh, nếu không giữ lại được ở chỗ cũ, nhiều quận, huyện sẽ dời sang nơi khác. Nếu hủy bỏ quy hoạch đường dự phóng này, địa phương sẽ xem xét, mở đường khác thay thế. Trừ các điều chỉnh theo hướng đỡ gây xáo trộn (như sẽ không tiếp tục “khoét lõm” khu dân cư hiện hữu để chen vào các công viên cây xanh...), liệu các cách xóa “treo” vừa nêu trên có làm dời chuyển quy hoạch “treo” từ chỗ này sang chỗ khác? Nếu đúng vậy, vụ việc chẳng có khác gì về bản chất và người dân sẽ tiếp tục kêu.

Giải pháp căn cơ vẫn là tìm đầu ra cho quy hoạch. Cụ thể, các địa phương phải tìm được nguồn lực đầu tư; huy động được sự đồng tình, ủng hộ, chung sức của người dân... để quy hoạch sớm được triển khai trên thực tế. Bấy giờ, quy hoạch sẽ đỡ bị “treo” và quan trọng hơn cả là quyền lợi của người dân mới thực sự không bị “treo”.

TRUNG TRỰC (Long An)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm