Thủy điện: Phải chăng lợi ít, hại nhiều?

Thông tin chỗ nọ tài sản, cây cối bị hư hỏng nặng do xả lũ, chỗ kia có người chết cũng do xả lũ… đăng dồn dập trên các báo khiến ai nấy đều lo ngại.

Các con sông ở miền Trung nước ta hầu hết đều ngắn, nhỏ và độ dốc cao. Vì vậy vào mùa mưa bão, nước ở thượng nguồn đổ về nhiều, chảy ra biển không kịp nên thường gây ngập lụt ở vùng hạ lưu. Hồi trước, khi rừng đầu nguồn chưa bị tàn phá, các con sông chưa bị thủy điện chặn dòng thì nước lũ tràn về từ từ, người dân sống ở hạ lưu ứng phó với lũ lụt dễ hơn bây giờ rất nhiều.

Những năm gần đây, khi vào mùa mưa bão, lũ lụt ngày càng dữ dội hơn, gây kinh hoàng cho người dân do nước lũ đổ về nhanh và mạnh quá trở tay không kịp. Có trường hợp mới đây do thủy điện sông Hinh xả lũ làm cho ba người dân bị kẹt ở cồn giữa dòng lũ vì nước lũ lên nhanh và chảy xiết. Họ phải đeo bám lên ngọn cây gần một ngày đêm. Sau đó, hai người liều mình bơi vào bờ rồi bị kiệt sức, người còn lại bị nước lũ cuốn trôi mất tích.

Thủy điện: Phải chăng lợi ít, hại nhiều? ảnh 1

Việc thi nhau xả lũ của các đập thủy điện ở miền Trung đã làm cho tình trạng lũ lụt nơi đây ngày càng dữ dội. (Ảnh chụp ở Quảng Bình ngày 17-10) Ảnh: HÀ LINH

Nạn lũ lụt ở miền Trung đã gây thiệt hại quá lớn về tính mạng và tài sản của người dân mà mỗi năm cứ lặp đi lặp lại. Thật chua xót khi những thảm họa ấy một phần lại do chính con người tạo ra: Đó là tệ nạn phá rừng và các đập thủy điện ngăn dòng chảy tự nhiên của các dòng sông.

Thật không thể hiểu nổi trên một con sông nhỏ ở miền Trung, người ta dám “ngắt khúc” nó để xây nhiều đập thủy điện, rồi khi mưa nhiều thì thi nhau xả lũ, tạo ra thảm cảnh tán gia bại sản trên diện rộng cho nhiều người. Bài Xả lũ 8.000 m3/s, Phú Yên chìm trong biển nướctrên báo Pháp Luật TP.HCM ngày 10-11 đã nói lên tình trạng nguy hiểm đó.

Đáng nói là vào mùa khô, các đập thủy điện lo tích trữ nước khiến cho vùng hạ lưu đất đai khô cằn, người dân gặp khó khăn trong canh tác nông nghiệp. Cá biệt, thủy điện Đa Nhim hoạt động từ năm 1964 có dung tích phòng lũ thấp, chỉ ở mức 15 triệu m3 nước và không có cửa xả đáy. Do đó, vào mùa khô, hạ lưu thủy điện này là một dòng sông chết, đất đai cằn cỗi, hạn hán thường xuyên. Như vậy, mặt trái của thủy điện là luôn luôn tạo ra chu kỳ thừa nước vào mùa mưa và thiếu nước vào mùa khô, gây hại trầm trọng đối với môi trường tự nhiên.

Không biết lợi ích của hàng trăm nhà máy thủy điện ở miền Trung và Tây Nguyên tính ra bằng tiền là bao nhiêu. Không rõ nguồn năng lượng điện tạo ra cho đất nước lớn cỡ nào mà sao những thiệt hại của nó đối với môi trường, tính mạng và tài sản của người dân thì quá lớn và không dứt. Rất hiếm khi người dân được bồi thường sòng phẳng nên mỗi khi có hiểm họa xảy ra, người bị nạn chỉ còn biết trông cậy vào sự đùm bọc, lá lành đùm lá rách của đồng bào mình.

Trước tình trạng lũ lụt ngày càng dữ dội ở miền Trung, Chính phủ cần nhanh chóng chấn chỉnh lại mạng lưới thủy điện dày đặc ở miền Trung và Tây Nguyên theo hướng thu hẹp số lượng càng nhiều càng tốt. Chính quyền cần mau chóng tìm nguồn năng lượng khác thay thế như nhiệt điện, phong điện, điện nguyên tử… cho dù nguồn năng lượng này có giá thành cao hơn thủy điện. Đồng thời cần thực hiện căn cơ đề án phủ xanh 5 triệu ha rừng, nhất là rừng đầu nguồn và rừng phòng hộ ven biển; có chính sách quản lý rừng tốt hơn và nghiêm trị nạn tàn phá rừng trái phép.

NGỌC DIỆP

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm