“Tháo ngòi nổ” ngưng việc tập thể

Trước tình hình các vụ ngưng việc tập thể gia tăng, ngày 20-7, ông Nguyễn Huy Cận, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.HCM, đã chủ trì buổi làm việc với LĐLĐ các quận, huyện, tổng công ty, các KCX-KCN… nhằm đánh giá tình hình, diễn biến và tìm giải pháp “tháo ngòi nổ” cho các cuộc ngưng việc tập thể trên địa bàn TP. Theo đó, LĐLĐ TP bố trí cán bộ về bảy cụm có nhiều KCX-KCN để cùng với công đoàn các quận, huyện, KCX-KCN làm dịu tình hình.

Công nhân khó sống với lương tối thiểu

Ông Trương Lâm Danh, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP, cho biết nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ tranh chấp lao động tập thể cơ bản là thu nhập thấp, không đảm bảo đời sống. Tuy nhiên, thực tế diễn biến qua ba giai đoạn. Cụ thể hai tháng đầu năm (tháng 1, 2), nguyên nhân chủ yếu do doanh nghiệp chậm trả lương, chậm công bố điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng, tiền thưởng, công nhân phản ứng cách tính lương mới không phù hợp. Từ tháng 2 đến tháng 6, các mặt hàng tiêu dùng tăng cao, cùng với đó là tiền nhà trọ, điện, nước cũng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống công nhân nên họ đề nghị tăng lương, phụ cấp. Từ cuối tháng 6 đến nay, nhiều doanh nghiệp xảy ra tranh chấp lao động đã điều chỉnh thu nhập, ngay lập tức người lao động các công ty khác cũng đề nghị tăng theo.

Ngoài ra, các vụ tranh chấp lao động tập thể còn liên quan đến việc thực thi pháp luật lao động của doanh nghiệp. Cụ thể, chính sách nâng lương của doanh nghiệp chủ yếu xoay quanh mức lương tối thiểu, không theo kịp lạm phát, đơn giá sản phẩm không phù hợp, thậm chí có nơi không công khai đơn giá. Đặc biệt, các doanh nghiệp ngành dệt may, giày da vi phạm giờ giấc làm việc, nghỉ ngơi, chế độ nghỉ phép năm. “Nhiều doanh nghiệp còn đánh đồng bậc lương của người mới với lao động có tay nghề lâu năm cùng một bậc lương, khiến công nhân phản ứng dữ dội” - ông Danh nhấn mạnh.

“Tháo ngòi nổ” ngưng việc tập thể ảnh 1

Phần lớn các vụ ngưng việc tập thể bắt nguồn từ chuyện lương, thưởng, thu nhập thấp, chi trả không hợp lý. Ảnh: P.ĐIỀN

Ông Danh cũng thông tin, UBND TP đã có chủ trương không thu thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập của công nhân từ nguồn tăng ca mà có.

Cán bộ công đoàn bám điểm nóng

50.000 đồng/ngày là chi phí để đảm bảo năng lượng tối thiểu cho một công nhân với 2.300 calo. Tuy nhiên, nếu áp dụng theo lương tối thiểu vào tháng 10 tới với mức cao nhất là 1,9 triệu đồng thì liệu công nhân TP có đủ sống?

(Khảo sát của LĐLĐ TP về mức sống tối thiểu của công nhân)

Ở địa bàn “nóng” của các cuộc ngưng việc tập thể có quy mô lớn, ông Nguyễn Văn Hạnh, Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Tân, cho biết từ đầu năm đến nay, trên địa bàn quận xảy ra 27 vụ ngưng việc tập thể, chủ yếu là đề nghị doanh nghiệp tăng lương. Ban đầu công nhân tại một công ty chuyên sản xuất thiết bị, dụng cụ thể thao yêu cầu tăng 500.000 đồng/tháng vào lương cơ bản, ngay lập tức 42 công ty khác đồng loạt ngưng việc tập thể để đề nghị tăng lương theo.

Để “tháo ngòi nổ” cho các cuộc ngưng việc tập thể, ông Hạnh đề xuất cần thành lập ban giải quyết những khó khăn cho người lao động, trong đó các quận, huyện nên tập trung giám sát chủ trương không tăng tiền nhà trọ, điện, nước để công nhân bớt khó khăn. Đồng thời, cần tăng cường các “món ăn” tinh thần cho công nhân tại các khu nhà trọ.

Ông Nguyễn Văn Khải, Chủ tịch Công đoàn Ban Quản lý các KCX-KCN TP.HCM (Hepza), nhận xét bộ phận nhân sự giúp việc cho các công ty có vấn đề, khi truyền đạt ý kiến của người lao động, tham mưu cho các ông chủ người nước ngoài không nhất quán dẫn đến mâu thuẫn kéo dài. “Công nhân đưa ra các yêu sách là hoàn toàn hợp lý, vấn đề là cách thực hiện của họ có hợp lý hay không mà thôi” - ông Khải bày tỏ.

Các cán bộ công đoàn phải chịu trách nhiệm về tình hình tranh chấp lao động tập thể tại các cụm KCX-KCN và địa bàn các quận, huyện do mình phụ trách. Cùng với đó, cán bộ công đoàn phối hợp với các lực lượng tại địa phương khéo léo xử lý các tình huống tranh chấp. Mặt khác, cần thăm hỏi, đối thoại với các công ty có tiềm ẩn xảy ra tranh chấp lao động để nắm tình hình hoạt động của công đoàn tại đây, đồng thời nắm tình hình thực hiện pháp luật lao động, thang bảng lương để có phương án đối thoại có lợi cho người lao động. Chúng tôi khẳng định LĐLĐ TP có đủ lực lượng để giải quyết các vấn đề tranh chấp lao động, tư vấn pháp luật lao động và băn khoăn của người lao động…

Ông NGUYỄN HUY CẬN, Chủ tịch LĐLĐ TP

Tính đến ngày 20-7, toàn TP có 143 vụ tranh chấp lao động tập thể với trên 153.500 lao động tham gia. Một số vụ ngưng việc tập thể kéo dài trên 10 ngày. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 83 vụ; doanh nghiệp trong nước là 49 vụ. Lĩnh vực dệt may, giày da là 60 vụ…

PHONG ĐIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm