Tăng lương: Chưa thấm vào đâu

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đã nhận định như vậy về đợt tăng lương sắp tới.

Tăng lương 10% không gây áp lực

- Ông đánh giá thế nào về tác động của việc tăng lương cơ bản thêm 100.000 đồng/tháng bắt đầu từ 1/5/211 tới đây?

 Tăng lương: Chưa thấm vào đâu ảnh 1

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: Mức tăng lương lần này sẽ không gây áp lực lớn đến lạm phát và tiêu dùng của người dân.
 
- Tăng lương là tốt, bất cứ ai làm công ăn lương đều chờ đợi tin này, kể cả nhà nước, tư nhân lẫn doanh nghiệp. Tăng lương luôn luôn là sự hỗ trợ tốt nhất với người làm công ăn lương, nhất là trong thời kỳ giá cả tăng vọt như hiện nay.

Tăng lương đã được dự báo trước, nên các dư âm phát tác ít nhiều rồi. Không loại trừ khả năng tháng 5, tháng 6/2011 vẫn sẽ có dư âm một chút, một số mặt hàng sẽ bị điều chỉnh giá do tâm lý tăng lương kéo theo tăng giá.

Năm nay, mới hơn những năm trước ở chỗ sẽ không tác động quá mạnh vì đầu năm đã bị sốc quá nhiều, 10% tăng lương không là gì so với 40% tăng giá xăng, 9,3% tăng tỷ giá và hơn 20% tăng các mặt hàng khác.

Cho nên cú hích 10% tăng lương là không lớn. Hơn nữa nó chỉ tác động đến một bộ phận làm công ăn lương, khoảng 6 – 7 triệu người, chứ không phải tác động đến toàn xã hội như tăng các nguyên liệu đầu vào.

Do vậy, các doanh nghiệp hay người bán không thể “té nước theo mưa” vì tăng lương được. Nếu trong vòng nửa năm không tăng gì, thì tăng lương sẽ ảnh hưởng lớn. Nhưng nửa năm vừa qua liên tiếp tăng rất “sốc”, nên áp lực tăng lương đến tăng giá sẽ ít hơn rất nhiều. Nói cách khác nhờ những cú “sốc” trước đó đã làm mờ đi hiệu ứng này.

Những đợt tăng giá trước thực tế đã tới giới hạn chịu đựng của người tiêu dùng. Người tiêu dùng sẽ không mua nữa nếu có sự tăng giá tiếp theo.

- Lần tăng lương lần này, liệu có tiếp tục gây sức ép lên tình hình lạm phát không?

- Ít nhiều còn tác động mang tính chất dư âm như những lần tăng lương trước đây. Tuy nhiên, lần này tác động cụ thể rất khó xác định. Giá thực phẩm đã tăng rất cao, 20%, 30%, thậm chí lên đến, 40%, nhiều mặt hàng tăng gấp 2 – 3 lần, nên tăng lương 10% không đáng kể. Chính vì thế, đợt tăng lương này không tác động mạnh đến tăng chỉ số CPI như các lần tăng khác.

Sợ tăng lương chỉ là cách “nói dỗi”

- Nhiều công chức sợ… tăng lương vì mỗi lần tăng lương là giá đã “chạy” trước rất lâu và khoảng cách cũng xa so với tăng lương. Ông có “sợ” tăng lương không?

- Đấy là câu nói mang tính chất “nói dỗi” thôi chứ tăng lương vẫn được hoan nghênh. Việc tăng giá thì không tăng lương cũng vẫn cứ xảy ra. Khi giá thế giới tăng thì nó vẫn tăng, nhà nước điều chỉnh giá một số mặt hàng khác thì nó vẫn tăng.

Tăng lương là giải pháp an sinh xã hội, là giải pháp cần thiết để vin vào đấy chống chọi với bão giá. Nhà nước cũng cần xem lại cách tăng lương để hạn chế được các hệ quả mặt trái và đưa tăng lương trở thành hiện tượng bình thường, chứ không còn là hiện tượng để tăng giá, là cái cớ để tăng giá.

Để làm được điều đó, tôi thấy tăng lương của tư nhân là tốt. Họ tăng bao nhiêu không ai biết, chỉ chủ doanh nghiệp và người được tăng biết. Vậy tại sao chúng ta cứ phải làm ầm ĩ lên trên báo chí?

Nên để Bộ và công đoàn Bộ tự quyết. Nhà nước chỉ nên áp đặt một mức lương tổng, sau đó biên chế bao nhiêu, mức lương bao nhiêu sẽ do Bộ tự quyết. Như vậy các quá trình tăng lương sẽ diễn ra khác nhau. Cũng là một hướng đi để giảm bớt áp lực tăng giá.

- Ông đánh giá thế nào về mức tăng lương 10%?

Mức tăng này nằm trong lộ trình chung của Chính phủ về thực hiện tiền lương, chứ không phải do lạm phát tăng.

Mức tăng lương bao giờ cũng chậm và thấp so với kỳ vọng. Điều này là do lực lượng tăng lương rất lớn, chỉ cần một động thái tăng lương dù phần trăm thấp cũng tạo ra tổng lương mới lớn. Vấn đề là nguồn tiền lấy ở đâu ra. Nên mức tăng không đạt yêu cầu cũng là yếu tố khách quan.

Thứ nhất là do nguồn tiền, thứ hai là tâm lý của Chính phủ nếu tăng lương quá lớn sẽ mất cạnh tranh về thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài. Hiện nay lợi dụng mức lương thấp để thu hút đầu tư. Nhưng đã đến lúc cần phải điều chỉnh vấn đề này, vì hiện nay các nhà đầu tư tìm đến môi trường đầu tư minh bạch và chất lượng nhân công tốt, chứ lương thấp và ưu đãi thuế không còn là lợi thế lớn nữa. Việt Nam đang chuẩn bị tái cấu trúc theo hướng công nghiệp hóa cao cấp hơn, thì dòng đầu tư cần phải hướng theo chuẩn đó.

Đừng vì sỹ diện mà mua xe đẹp!

- Với tư cách là một chuyên gia kinh tế, ông có lời gợi ý nào về kế hoạch chi tiêu cho người tiêu dùng không?

Câu đầu tiên không cần khuyên, ai cũng biết là xem xét lại cơ cấu chi tiêu, tiết giảm những khoản không cần thiết, điều chỉnh những khoản chi tiêu đắt tiền.

Năng động hơn để làm nhiều việc khác có nhiều tiền bổ sung.

Đồng thời, cố gắng chủ động trước những kế hoạch thu chi thời gian tới vì sẽ còn biến động, tránh những cú sốc rồi mới cuống cuồng lên. Rõ ràng tái cơ cấu chi tiêu và tăng nguồn thu là rất quan trọng.

Đặc biệt là không nên chạy theo sự “sỹ diện” như đi xe đẹp quá mức cần thiết, hay có hoạt động mua sắm các món đồ đắt tiền để thể hiện đẳng cấp, nên đi theo nhu cầu mang tính chất khoa học như: ăn uống thì không nên ăn quá nhiều thịt, tiêu dùng hướng đến những mặt hàng thiết yếu, tiện ích.

Còn ai cũng thích cái đẹp hơn, tốt hơn nhưng trong điều kiện hiện nay rõ ràng làm như vậy sẽ như một sự chạy đua. Ví dụ cần gì mua ô tô triệu đô, ô tô trăm nghìn đô đã là lý tưởng lắm rồi. Xe máy 15 triệu đã là lý tưởng lắm rồi, cần gì đến xe máy trăm triệu.

Nếu ai còn bị tư tưởng như vậy thì cả đời sẽ phải chạy theo những giá trị bị áp đặt. Còn bản thân tiện ích tiêu dùng và công dụng của nó thì cũng chỉ đến thế thôi.

Trả giá 3 lần, bỏ đi 3 bước, không gọi lại mới mua!

- Giá cả mặc sức tăng, nhiều khi không phải do chi phí sản xuất tăng mà do trung gian đẩy giá lên. Vậy phải chăng người tiêu dùng Việt Nam đã quá dễ dãi?

Cái này là quyền của người tiêu dùng. Họ có quyền mặc cả sát sao hơn và tìm đến những người bán hàng bán rẻ hơn. Ở Việt Nam có khi từ đầu chợ đến cuối chợ giá đã khác xa nhau rồi.

Nếu mua theo kiểu nhà giàu, đứng chống xe, hỏi một câu rồi trả tiền, hoặc “sỹ diện” không thèm trả giá thì chắc chắn tâm lý người bán sẽ “té nước theo mua”. Mặc cả và mua chỗ bán rẻ sẽ giảm thiểu được cái giá ảo.

Người tiêu dùng nên sẵn sàng quay lưng, từ chối thẳng thừng với giá đắt, thì tự nhiên sẽ tạo áp lực với người bán. Khâu trung gian ăn lãi rất nhiều, vài lần chứ không phải vài chục phần trăm. Những người mua phải thành người tiêu dùng thông thái, trong cả lựa chọn lẫn mặc cả về giá.

Bà vợ tôi dặn là mua cái gì cũng phải trả giá 3 lần, bỏ đi 3 bước, mặt lạnh te, không gọi lại mới quay lại mua.

- Xin cám ơn ông.

 Phương An thực hiện (VTC News)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm