Xóa tệ nạn, phải giải bài toán “siêu đô thị”

Đây là vấn đề mà các đô thị lớn trên thế giới đã và đang phải trả giá rất đắt.

Tình hình tệ nạn xã hội tại các quận vùng ven được các chuyên gia quan tâm tại buổi hội thảo về tệ nạn xã hội trên địa bàn TP.HCM sáng 16-7. Các chuyên gia cho rằng cần phải giải bài toán “siêu đô thị” thì mới giải quyết tận gốc tệ nạn xã hội gia tăng. Hội thảo do Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM tổ chức.

Vùng ven tổn thương vì đô thị hóa

Nghiên cứu tại xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP.HCM, ThS Hồ Ngọc Trí (ĐH KHXH&NV TP.HCM) đã đưa ra những kết quả bất ngờ: Có đến 57 trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV! Kết quả khảo sát cho thấy trong 39 gia đình có người nhiễm HIV của xã thì có đến 25 trường hợp cả cha và mẹ đều nhiễm HIV. Đa số các trường hợp nhiễm HIV tại xã này là do sử dụng ma túy. Kết quả phỏng vấn người dân cho thấy mặt trái của quá trình đô thị hóa tại một xã nông thôn đã bị tổn thương trước những biến đổi xã hội. Vào thời điểm 1995-2000, khi ma túy xâm nhập vào cộng đồng này, nhiều người dân không có việc làm ổn định, thu nhập thấp, trình độ học vấn hạn chế; có những thanh thiếu niên bỏ học giữa chừng, không có công ăn việc làm và đã tìm đến ma túy.

Cũng với đặc điểm địa bàn rộng, tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều thanh niên thiếu việc làm… đã khiến tình hình mua bán ma túy, mại dâm ở quận 12 trở nên phức tạp. “Người dân tại chỗ từ vùng nông thôn lên thành thị dễ bị xung đột trong môi trường mới, nhiều băng nhóm tội phạm lưu động thường sử dụng địa bàn quận để gây án” - Công an quận 12 cho biết. Phương thức gây án thường là do quen biết từ quan hệ nam nữ, đối tượng đưa nạn nhân vào khách sạn quan hệ rồi giết, cướp tài sản; thanh thiếu niên ăn chơi lêu lổng, bàn nhau giết người, cướp tài sản nạn nhân ở những nơi vắng, tối…

Xóa tệ nạn, phải giải bài toán “siêu đô thị” ảnh 1

Hầu như tất cả tệ nạn xã hội và vấn nạn đô thị ở TP.HCM đều có mối liên hệ trực tiếp đến tình trạng quá tải dân số. (Ảnh chụp trên đường Phạm Hùng, quận 8). Ảnh: HTD

Đại diện UBND quận Bình Tân cho biết tình trạng phạm tội ở lứa tuổi thanh thiếu niên đang gia tăng. Nhiều thanh niên phạm tội do đời sống kinh tế khó khăn, thiếu việc làm, không có thu nhập, bỏ học trong khi nhu cầu về đời sống vật chất tinh thần ngày càng cao, không đủ bản lĩnh để phân biệt tốt - xấu. “Tình trạng thiếu việc làm, nhất là đối với thanh niên trên cả nước đổ về đây tìm việc mà không có tay nghề sẽ dễ phát sinh tội phạm… Một số loại tội phạm có chiều hướng gia tăng như trộm cắp xe máy, cướp giật” - đại diện UBND quận Bình Tân cho biết.

Hệ quả của “siêu đô thị”

Trước thực trạng tệ nạn xã hội, tội phạm phức tạp như hiện nay, TS Nguyễn Hữu Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế miền Nam, cho rằng những “đơn thuốc” như “tăng cường - đẩy mạnh - tích cực - quyết liệt” đối với vấn đề này đã bị lờn. “TP.HCM đã gần 10 triệu dân (gần trở thành siêu đô thị), quá tải dân số. Hầu như tất cả tệ nạn xã hội và vấn nạn đô thị ở TP.HCM đều có mối liên hệ trực tiếp đến tình trạng quá tải dân số. Thực tế cho thấy trên phạm vi toàn cầu, tệ nạn xã hội luôn tỉ lệ thuận với dân số đô thị. Đây là vấn đề mà các đô thị lớn trên thế giới đã và đang phải trả giá rất đắt” - TS Nguyên chia sẻ. Theo ông, ma túy, mại dâm và các loại tội phạm đều cần những nơi có tính “vô danh” như các đô thị lớn để ẩn nấp. Nơi đó, nhà ở sát vách nhưng hầu như người ta không quen biết nhau, không có quan hệ hàng xóm, là môi trường dễ che giấu hành vi.

TS Nguyên cho rằng giải pháp cho vấn đề này phải là “giải siêu đô thị”, phải có những “đô thị vệ tinh” gồm nhiều thành phố vừa và nhỏ về quy mô dân số, liên kết với nhau trong phát triển kinh tế, văn hóa nhưng độc lập với nhau về quản lý xã hội đô thị. “TP.HCM đi sau về đô thị hóa so với thế giới, đáng lẽ phải tránh được những cái giá quá đắt mà các siêu đô thị khác phải trả. Nếu đưa ra những chỉ tiêu quá cao về giảm tệ nạn xã hội mà chỉ dựa vào những biện pháp hành chính, luật pháp và bằng ý chí “tăng cường - đẩy mạnh - tích cực - quyết liệt” thì kết quả đạt được dù có trong một thời gian nào đó cũng sẽ không bền vững” - TS Nguyên phân tích.

Đồng tình với quan điểm trên, TS Phạm Đức Trọng, nguyên Trưởng khoa Xã hội học, Trường ĐH KHXH&NV, cho rằng các nhà nghiên cứu, quản lý xã hội cần đi tìm câu hỏi đúng cho vấn đề chứ không phải trả lời đúng cho câu hỏi sai. Chẳng hạn không thể triển khai các biện pháp thực tế để trả lời cho câu hỏi Làm thế nào để bài trừ mại dâm? Nếu cứ loanh quanh với câu hỏi này thì tìm bài giải không ra vì không thể xóa được mại dâm, suốt ngày chỉ đuổi bắt. Câu hỏi đặt ra và cần trả lời trong trường hợp này là Mại dâm có từ bao giờ và tìm cách hạn chế nó ra sao?

Theo báo cáo của quận Bình Tân, trong 110 tội phạm cướp tài sản thì có 10 tội phạm dưới 18 tuổi (trên 9%), tội phạm từ 18 đến 30 tuổi chiếm trên 89.

Một trong những nguyên nhân gây “chết về mặt cảm xúc” ở những người trẻ phạm tội là những thông tin mô tả chi tiết tội phạm bằng những lời lẽ đậm đặc trên báo chí. Mặt khác, khi kinh tế suy thoái, cha mẹ dành nhiều thời gian hơn cho việc kiếm tiền chi tiêu cho gia đình khiến việc làm gương, gần gũi với con ít đi.

Bà NGUYỄN THỊ HƯƠNG, Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM

ĐÔNG YÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm