Trầm cảm vì quá... sướng

Trầm cảm vì quá... sướng ảnh 1
Quả thực, trong cuộc sống hiện tại, chị Thanh (Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội) không phải lo lắng bất cứ điều gì. Chồng chị là người giỏi kiếm tiền nên cuộc sống gia đình khá sung túc. Chị có hai đứa con, một trai, một gái, đều đang học cấp hai, ngoan ngoãn, thông minh. Mấy năm gần đây, chị nghe lời chồng đã bỏ hẳn việc làm kế toán cho một doanh nghiệp, ở nhà chăm sóc gia đình. Tuy vậy, mọi việc trong nhà đều đã có osin làm hết nên chị cũng chẳng phải mó tay vào. "Em cứ thoải mái mà làm đẹp, vui chơi rồi đưa đón con là được rồi, không phải lo lắng gì hết", chồng chị hay bảo với vợ như vậy.

Tuy nhiên, đi gội đầu, làm móng, massage... mãi rồi cũng chán. Chị gọi điện muốn tụ tập đám bạn hay đồng nghiệp để tán gẫu nhưng mọi người đều đang trong giờ làm việc hoặc tất bật với việc nhà nên chẳng mấy khi chị tìm được người hưởng ứng.

Cứ như vậy, thời gian gần đây, chị Thanh luôn cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ. Chị chẳng còn hào hứng với việc mua sắm, cũng không thấy vui khi nhìn các con chơi đùa. Chị cũng chẳng dám tâm sự với ai về những phiền muộn của mình vì sợ mọi người lại cho rằng chị "sướng mà không biết hưởng". Gọi điện thổ lộ với một chuyên gia tâm lý, chị được khuyên nên đi khám về rối nhiễu tâm trí. Và chính chị cũng ngạc nhiên khi bác sĩ kết luận mình bị trầm cảm.

Cùng hoàn cảnh với chị Thanh, chị Ngọc (Quảng Ninh) sau một thời gian xin nghỉ không lương ở nhà chăm con luôn cảm thấy stress. Tâm sự trên một diễn đàn trên mạng, chị Ngọc chia sẻ, khi cậu con trai được 4 tháng, chị đi làm lại theo đúng lịch. Suốt mấy tháng liền sau đó, chị luôn ước giá như có thêm thời gian ở nhà chăm sóc để con cứng cáp hơn thì tốt biết mấy. Chị xót ruột khi giao con cho bà nội và thấy em bé lười ăn. Và khi con được 9 tháng, chị quyết định sẽ xin nghỉ vài tháng để tập trung chăm sóc cho con vượt lên.

"Lúc nghỉ mình chỉ nghĩ đơn giản là thời điểm đó gia đình mình không phải lo về kinh tế, nên mình có thể ưu tiên cho việc chăm con, mà không ngờ rằng, đó là một bước ngoặt lớn và phải chuẩn bị tâm lý để thích nghi với nó", chị Ngọc nói.

Chị kể, từ khi chị nghỉ việc, bà nội cũng về quê luôn, một mình chị tối mặt với việc nhà, việc chăm sóc con. Vì công việc kinh doanh chồng chị cũng đi sớm về muộn nên chẳng giúp được vợ việc gì. Mấy tháng sau, dù con trai có tăng cân tốt hơn, nhưng chị Ngọc lại cảm thấy chán nản, mệt mỏi. Chị nhớ và tiếc khoảng thời gian còn đi làm. Là "dân" xây dựng, thường xuyên đi giám sát công trình, giờ mỗi ngày chỉ loanh quanh trong nhà, ra chợ khiến chị cảm thấy vô cùng tù túng.

"Cả tháng nay em luôn bị nhức đầu dữ dội, nhiều khi em còn chả thiết nấu nướng gì cho con, chán cả chồng. Em muốn đi làm lại nhưng chồng em không đồng ý. Anh ấy bảo nếu em mệt vì quá nhiều việc thì thuê osin về giúp, chứ không cho em 'chạy nhảy' như trước nữa. Nếu mà cứ thế này chắc em chết mất, em không cần osin làm việc nhà, em muốn được đi làm", chị Ngọc giãi bày trên trang diễn đàn.

Tiến sĩ Đinh Đăng Hòe, nguyên trưởng phòng điều trị ngoại trú , Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai (hiện làm việc tại Bệnh viện Hồng Ngọc) cho biết, khi khám cho những phụ nữ có các triệu chứng như mất ngủ, lo âu, đau đầu, hay buồn phiền, hồi hộp, đau mỏi xương khớp... câu ông hay hỏi đầu tiên là "chị làm nghề gì?" và câu trả lời ông thường được nghe nhất là "ở nhà nội trợ".

"Họ đều mắc chứng trầm cảm, lo âu và thường tỏ ra rất ngạc nhiên khi biết điều này", bác sĩ Hòe nói.

Ông cho biết, con người có một nhu cầu rất căn bản là được giao tiếp. Với phụ nữ, nhu cầu này càng lớn và rất cần thiết. Khi sống trong môi trường không được thỏa mãn nhu cầu này, người ta sẽ rất dễ rơi vào trạng thái buồn chán, bi quan, thậm chí, tiêu cực hơn, một số người bị trầm cảm còn nghĩ đến cái chết.

Bác sĩ cho biết, trước đây, trên thế giới, người ta từng làm một thí nghiệm về khả năng chịu đựng của con người trong hoàn cảnh cô lập, trong đó một số người đã tình nguyện ở trong những không gian khép kín, có đầy đủ tiện nghi để ăn, ngủ, vệ sinh cá nhân nhưng không có tiếng động, không được tiếp xúc với ai. Kết quả là, phần lớn những người tình nguyện đều chỉ chịu được hoàn cảnh này trong khoảng 2-3 ngày.

"Tất nhiên, những bà nội trợ vẫn tiếp xúc với những người xung quanh, nhưng môi trường của họ bị hạn chế hơn nhiều so với khi còn đi làm, và cuộc sống quẩn quanh có thể khiến họ stress, nhất là nếu không được sự chia sẻ, cảm thông và lắng nghe của những người thân", bác sĩ Hòe giải thích.

Ông cho biết, cuộc sống càng văn minh, chất lượng sống càng cao người ta càng muốn được bình đẳng giữa nam và nữ, muốn được khẳng định bản thân, được xã hội đánh giá cao. Trong đó, đi làm là một trong những cách giúp phụ nữ đạt được những mục đích này. Nhiều chị em, nhất là những người từng giao tiếp rộng, có kiến thức... khi phải bỏ công việc để chỉ loanh quanh ở nhà, sau một thời gian đã rơi vào trạng thái trầm uất khi tự cảm thấy mình dần lạc hậu với thời cuộc, hay mặc cảm bị coi thường, lép vế trong gia đình.

Trường hợp chị Thường (Thịnh Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội) là một điển hình. Cách đây mấy năm chị từng làm việc trong một tổ chức phi chính phủ, thường xuyên tham gia vào các dự án phát triển cộng đồng. Nhưng sau ca mổ vì chấn thương tai nạn giao thông, chị ở nhà nghỉ ngơi và sau đó, khi đã lành bệnh, chị cũng không đi làm lại nữa vì nghe lời gia đình chồng, ở nhà chăm sóc con cái và giữ gìn sức khỏe.

Niềm vui có nhiều thời gian cho gia đình của chị chẳng kéo dài được lâu, chỉ vài tháng sau chị đã luôn có cảm giác mình là người vô dụng, tẻ nhạt. Chị vẫn thường xuyên đọc báo, xem TV để biết tin tức nhưng vẫn cảm thấy thiếu thốn cái gì đó. Mặc dù chồng chẳng thể hiện sự coi thường vợ, nhưng chị lại mang cảm giác như vai trò của mình trong gia đình mờ nhạt đi, tiếng nói của chị trong các quyết định quan trọng cũng chẳng còn sức nặng nữa.

Tiến sĩ Đinh Đăng Hòe cho biết, con người không chỉ cần thư giãn, nghỉ ngơi mà còn có nhu cầu được làm việc. Qua công việc, họ được giao tiếp, được sử dụng kiến thức mình từng tích lũy, được khẳng định năng lực của mình và còn giúp họ độc lập hơn về kinh tế. Đó là những yếu tố giúp phụ nữ tự tin hơn về chính mình.

"Tất nhiên, cũng có những phụ nữ tuy không đi làm nhưng vẫn hài lòng với cuộc sống và tự tin về chính mình. Đó là những người biết yêu bản thân, biết lập kế hoạch và làm chủ cuộc sống. Họ sẽ biết tìm niềm vui trong đời sống thường ngày, trong việc nội trợ, con cái và ý thức được giá trị của mình khi làm những công việc đó", bác sĩ cho biết.

Theo ông, đối với những chị em bị stress, trầm cảm do ở nhà nội trợ, việc điều trị có thể không cần đến thuốc. Ông thường hướng dẫn họ làm 5 việc: Thứ nhất là nên đi làm lại, bất kể công việc gì họ thấy phù hợp với điều kiện của mình. Thứ hai là cần "buôn dưa lê" thật nhiều để tâm lý luôn thoải mái. Việc thứ ba quan trọng không kém là cần vận động cơ thể, nên tập thể dục hay tham gia các hoạt động phải tiêu hao năng lượng. Điều thứ 4, nói thì dễ nhưng không phải ai cũng thực hiện được, là đừng lo lắng vì cả về bệnh của mình, càng lo bệnh càng nặng thêm. Và một điều nữa là nên điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý, tăng cường ăn rau quả, thực phẩm tươi.

Theo Vương Linh (VNE)

* Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm