Trai thương vợ nắng quái chiều hôm…

Các biểu hiện thường thấy là hay hỏi “anh có yêu em không?” (mà các đức ông chồng ít khi hỏi ngược lại), hay dỗi hờn khi chồng “quên” thực hiện các việc mà trước ngày cưới vẫn làm (tặng hoa, nhớ ngày sinh nhật, ân cần chăm sóc…) hoặc ghen tuông khi “có cảm giác” chồng đang để ý người khác… Vì các cảm giác đó lâu ngày được “mặc định” rằng chồng hết thương mình nên các bà cũng lơ là chồng (cho bõ ghét) hoặc hay cáu gắt vô cớ… Những điều đó làm quan hệ vợ chồng trở nên lạnh và căng thẳng hơn.

Cũng phải nói ngay rằng, tình cảm có tính “bão hòa”, tức là khi đến một ngưỡng nào đó, nó có thể chững lại, đi xuống, thậm chí cạn dần. Tình cảm vợ chồng cũng không bất biến. Ngày yêu nhau, cả hai đều cố bộc lộ cái tốt, cái đẹp trước mặt nhau, sau khi lấy nhau, đa số “không cần thiết” giữ “bộ mặt” ấy nữa. Có người “lộ nguyên hình” nhưng phần nhiều là “sống thực” với mình hơn. Vì vậy, có khi bị vỡ mộng nếu người trong cuộc không biết chấp nhận sự thật. Sau khi lấy nhau, áp lực cuộc sống, con cái, các ứng xử họ hàng… khiến người ta không còn nhiều thời gian và tâm trí để lãng mạn như ngày đầu nữa. Thành thử những cách biểu hiện mang tính hình thức, xã giao dần không còn. Tôi nghĩ, đa số các ông thấy đó là bình thường, nhưng nhiều bà vợ lại cho rằng mình không còn được thương yêu, chiều chuộng nữa.

Tôi tin rằng, đa số đàn ông sau khi lấy vợ vẫn giữ được tình yêu thương với vợ, thậm chí còn thương hơn trước. Bởi sự chung đụng, gần gũi, gắn bó dù dễ phát sinh va chạm, nhưng cũng dễ làm người ta chia sẻ, thông cảm nhau hơn. Chồng đi làm mệt, vợ mang ly nước chanh dịu dàng mời, thử có ông chồng nào không cảm thấy hạnh phúc? Rồi nghĩa vụ đạo lý và pháp lý cũng là sợi dây ràng buộc không hề nhỏ, làm cho hai người có trách nhiệm gắn bó, yêu thương nhau chứ không phải chịu đựng nhau. Gặp ông nhạc thương con rể như con ruột thì người đàn ông nào không quý trọng, từ đó sẽ càng thương yêu vợ hơn. Nhất là con cái, không đơn thuần là sự ràng buộc nữa mà là niềm hạnh phúc lớn lao của gần như tất cả mọi người đàn ông. Nếu lần nào vui miệng hỏi con: “Con thích ở với ba hay với mẹ?” thì tôi tin là đa số trẻ sẽ đáp: “Con thích ở với ba mẹ”, thử hỏi có ông chồng nào không trân trọng mong muốn chính đáng và thiêng liêng đó của con, để rồi từ đó phải cố vun vén cho gia đình mình chứ?

Cũng cần đề cập đến những biểu hiện “say nắng”, thậm chí “lạc đường” của một số ông chồng. Tôi không bào chữa nhưng điều đó không nên đánh giá quá trầm trọng. Tâm lý tìm cái mới có cả đàn ông và phụ nữ, nhưng dường như bản năng trong mỗi người đàn ông vẫn còn khá mạnh nên nhu cầu chinh phục thường dễ bộc lộ. Tôi tin rằng với những người vợ yêu chồng và biết cách yêu chồng thì hãy tin rằng, sau cơn “say nắng”, anh ấy sẽ trở lại trạng thái bình thường; đừng nên thấy chồng “đang say” mà lại đẩy ra đường thì các anh dễ “lạc đường” lắm!

Vậy đó, đàn ông yêu vợ thâm trầm, kín đáo nhưng cũng mãnh liệt. “Gái thương chồng đương đông buổi chợ, trai thương vợ nắng quái chiều hôm”. Nắng cuối ngày tuy có vẻ nhợt nhạt, nhưng cũng rất chói chang. Hãy hiểu đúng và biết trân trọng nó!
 

Theo Ngô Đồng Vũ (PNO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm