Thẩm phán buồn

Sau những nỗ lực bất thành, thẩm phán đành đặt bút “chấm hết” một gia đình nhưng lòng trĩu nặng nỗi buồn...

Thẩm phán buồn ảnh 1
Câu chuyện thứ nhất

Hạnh phúc muộn màng đến với anh Hồ Hải và chị Bích Tiên khi anh đã hơn bốn mươi và chị cũng xấp xỉ tứ tuần. Một năm sau, niềm hạnh phúc của họ được nhân lên gấp bội khi cậu con trai kháu khỉnh giống hệt ba chào đời. Ai cũng trầm trồ khen chị tốt số, gần bốn mươi mà vẫn “bói” được ông chồng hiền lành, hết lòng thương yêu vợ con. Niềm tự hào, mãn nguyện rạng ngời trong ánh mắt, nụ cười của chị Tiên.

Vậy nên với bạn bè, tin anh chị nộp đơn ly hôn nghe cứ như chuyện “cá tháng tư”, nhưng... đó lại là sự thật. Tiếc cho một hạnh phúc gia đình muộn màng vừa chớm nở đã sớm tan vỡ. Không đành lòng nhìn đứa bé ngây thơ phải sống cảnh chia lìa, các cán bộ tòa án đã gắng sức để níu giữ hạnh phúc của gia đình bé nhỏ ấy. Nhưng mọi nỗ lực đều thất bại.

Bỏ ngoài tai sự phân tích thiệt hơn về những khó khăn anh có thể phải đối mặt ở nước ngoài khi đã ở tuổi 50; về hạnh phúc anh vừa tìm được và đứa con chỉ mới hơn hai tuổi đã phải thiếu cha... Anh quả quyết: “Hơn bốn mươi tuổi tôi mới lấy vợ chỉ vì cố chờ một cơ hội được định cư ở nước ngoài. Tôi đã mỏi mòn chờ đợi suốt hơnhai mươi năm, chờ đợi hết cả quãng đời tuổi trẻ của mình... Còn gia đình, chỉ mới có cách đây vài năm... Bây giờ tôi không thể để vuột mất cơ hội này!”.

Nghe kiểu lý luận của chồng, chị tự ái: “Tôi không muốn giữ một người chồng chỉ biết đứng núi này, trông núi nọ... Một người đàn ông không biết giữa hạnh phúc gia đình và ý muốn cá nhân, cái nào quý hơn, quan trọng hơn thì tôi cũng không luyến tiếc. Cứ để anh ấy đi nước ngoài cho thỏa chí tang bồng, còn hơn tôi phải mang tiếng là người “cản mũi kỳ đà...”.

Thế còn con, anh chị có nghĩ đến tương lai và cảm xúc của con?” – thẩm phán đặt câu hỏi. Anh trả lời không ngần ngại: “Tôi cam đoan vẫn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ làm cha đối với con dù đã ly hôn. Khi lớn, nếu cháu muốn tôi sẽ bảo lãnh cháu sang định cư với tôi!”.

Thoáng bối rối, nhưng cuối cùng chị vẫn cương quyết: “Chúng tôi đã thuận tình và đồng ý ly hôn. Giữ làm gì một người chồng vọng ngoại, chẳng có chút hồn vía nào dành cho vợ con...”.

Ngày lên nhận quyết định chỉ có chị và con trai. Dường như bé đã cảm nhận được điều gì đó bất ổn trong gia đình nên mặt buồn xo, không cười nói, đùa nghịch như những lần trước. Nhìn bóng dáng lầm lũi của hai mẹ con rời cổng tòa án, lòng vị thẩm phán trĩu nặng nỗi buồn: “Giá như anh đủ sáng suốt để nhận ra đâu là hạnh phúc thật sự của cuộc đời; giá như anh bớt ích kỷ chỉ biết nghĩ cho riêng mình... Giá như chị mạnh mẽ, kiên quyết hơn để giữ anh lại với gia đình... giá như chị bớt một chút tự ái... hạnh phúc của một gia đình có đáng tan vỡ chỉ vì ước mơ xuất ngoại?”.

Câu chuyện thứ hai

Đặt lá đơn trên bàn vị thẩm phán, cô gái trẻ dứt khoát: “Cho vợ chồng em ly hôn. Tụi em đồng ý hết rồi, không cần hòa giải”.

Không chỉ bất ngờ vì thái độ dứt khoát của cô gái trẻ, vị thẩm phán còn bất ngờ hơn bởi lý do ly hôn... lãng xẹt.

Tốt nghiệp đại học, cùng được một công ty tuyển dụng nên Thanh và Hùng trở nên gắn bó, thân thiết với nhau. Yêu nhau hơn hai năm, bạn bè “xúi” mãi cả hai mới quyết định “góp gạo thổi cơm chung”. Cuộc sống hôn nhân không thơ mộng như Thanh nghĩ. Khác với anh chàng Hùng hào hoa, ga-lăng khi yêu, lúc này Thanh mới phát hiện Hùng là người đàn ông nóng nảy, cộc cằn. Đi làm về, người giúp việc chưa kịp nấu cơm, Hùng gầm gừ trách vợ không biết sắp xếp công việc hợp lý cho người giúp việc nhà; đi du lịch không như ý, Hùng cằn nhằn Thanh mấy ngày vì chọn tour không hấp dẫn, ăn uống quá tệ. Thanh tâm sự với vị thẩm phán trong tâm trạng bức xúc: “Từ nhỏ đến lớn, ba má còn không nạt nộ em kiểu đó, chồng là gì mà ghê vậy? Đi làm cũng vậy, ở công ty ai cũng tôn trọng em, chỉ có chồng là coi vợ chẳng đáng đồng xu!”. Vị thẩm phán hỏi lại: “Có lần nào lựa lúc hai vợ chồng vui vẻ để nói cho chồng biết tâm trạng của mình khi anh nổi nóng, nạt nộ vợ chưa?”. Thanh không suy nghĩ: “Trời, ảnh phải tự biết chớ. Em đâu phải là ôsin đâu mà muốn nói gì thì nói. Nhịn vừa thôi chớ nhịn riết... nhục lắm, em chịu không nổi...”.

Theo Thanh, ngoài chuyện “coi thường” vợ, Hùng chẳng có lỗi lầm gì khác, không bồ bịch, không rượu chè và rất thương con. Vị thẩm phán cảm thấy nhẹ lòng và tin chắc chỉ sau một lần hòa giải, hai vợ chồng trẻ sẽ hiểu nhau hơn. Lá đơn ly hôn có lẽ chỉ là phút nông nổi của tuổi trẻ, bởi họ còn một sợi dây ràng buộc khác: bé gái xinh như thiên thần vừa thôi nôi và chuyện nóng nảy của chồng thì chẳng phải là gì ghê gớm trong đời sống vợ chồng.

Nhưng... ngoài dự đoán, việc hòa giải hoàn toàn thất bại. Anh chồng chỉ đến tòa một lần. Mặc ai nói gì anh cũng chỉ một câu: “Cô ấy đã muốn ly hôn thì tôi chấp nhận. Đã tự ý viết đơn, nộp đơn lên tòa rồi thì tòa cứ theo đơn mà thực hiện. Tôi không cần hòa giải”.

Thanh cũng kiên quyết: “Đừng hòa giải làm gì cho mất thời gian, chúng tôi đã thuận tình và ký vào đơn rồi”. Cả hai vợ chồng đều bối rối khi nghe thẩm phán nhắc đến đứa con còn quá nhỏ... nhưng ngay cả báu vật tình yêu ấy cũng không đủ sức làm thay đổi quyết định của họ...

Nỗi buồn thẩm phán

Nhiều thẩm phán chia sẻ: ngày càng có nhiều cuộc ly hôn, trong đó không ít chỉ vì lý do tự ái cá nhân, đặc biệt là ở những gia đình trẻ. Cái tôi của mỗi người quá lớn, chẳng ai nhường ai.

Thẩm phán Minh Hương – Phó chánh án Tòa án Q.10, TP.HCM, tâm sự:“Dẫu chỉ thấy một tia hy vọng nhỏ nhoi, chúng tôi cũng tìm mọi cách để hòa giải. Những cuộc hòa giải bất thành cứ khiến chúng tôi day dứt nỗi buồn... Có những cuộc ly hôn khiến chúng tôi thẫn thờ, nuối tiếc suốt một thời gian dài sau đó...

Nhưng chúng tôi không còn cách nào khác khi cả vợ lẫn chồng đều kiên quyết, dửng dưng, thậm chí tỏ thái độ bực bội trước nỗ lực hòa giải của chúng tôi...”.

Luật sư Nguyễn Thị Bích Thủy - Chủ tịch Hội luật gia Q.Bình Thạnh, người từng ngồi ghế thẩm phán cho nhiều vụ ly hôn, tiếc nuối: “Ở nhiều vụ, đặt bút ký quyết định ly hôn, tôi cứ thấy lòng mình trĩu nặng. Sao họ ly hôn dễ đến vậy? Cha mẹ chia lìa, thiệt thòi lớn nhất thuộc về những đứa trẻ, nhưng khi quyết định ly hôn, nhiều cặp vợ chồng chẳng mảy may chạnh lòng vì điều đó. Họ chỉ cần thỏa mãn cái tôi của mình. Giới trẻ ngày nay có lẽ còn quá mơ hồ và quan niệm đơn giản về cuộc sốnghôn nhân. Yêu thì lấy, hợp thì chung sống, không hợp thì sẵn sàng dứt bỏ. Dường như đôi lứa không còn sự chịu đựng, nhẫn nại để vun đắp cho hạnh phúc gia đình.

Tìm được hạnh phúc đã khó, giữ được hạnh phúc lại càng khó hơn. Nên chăng cần tổ chức những lớp tập huấn cho những bạn trẻ sắp cưới về cách ứng xử trong đời sống vợ chồng, cách gìn giữ gia đình hạnh phúc hoặc những tình huống có thể xảy ra trong thời kỳ hôn nhân...”.

Theo Thảo Vân ( Phunuonline)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm