Phát hoảng vì con làm trò Mr. Bean

Phát hoảng vì con làm trò Mr. Bean ảnh 1Mr. Bean tự nhiên mở đồ trong siêu thị ra thử. Ảnh chụp màn hình
Trong lúc bị mẹ cho một trận đòn, cậu trai thừa nhận làm như vậy là do bắt chước ông Mr. Bean ở trong phim.

Không quậy đồ dùng trong nhà, song lúc theo mẹ đi siêu thị, bé Hải nhà ở quận 1 lại mở hàng hoạt bàn chải đánh răng ra chải, lén cho bánh kẹo và nhiều vật dụng cho vào túi, khi bị nhân viên siêu thị phát hiện, bé Hải mới mếu máo nói: “Cháu thấy trong phim ông Bean làm như vậy nên bắt chước làm theo”.

Không thể giải thích, chị Hòa, mẹ bé Hải đành phải bồi thường thiệt hại cho siêu thị và mang cậu con trai hơn 5 tuổi về nhà “cho một trận”. Tuy nhiên thằng bé kêu oan rằng “con không ăn cắp mà chỉ làm theo ông Bean trong tivi”.

Cũng tại siêu thị, bé Minh 6 tuổi lén lút lôi từ trong người ta một củ khoai tây rồi dùng dao đang bày trên quầy gọt vỏ, đến khi bị đứt tay chảy máu, mẹ phát hiện thì Minh mới giải thích “ông Bean đã làm thế”.

Mẹ bé cho hay, một lần khác, cũng làm theo phim hài Mr. Bean, Minh đã cho tay vào túi một người đang chờ tính tiền tại quầy ở siêu thị để móc tiền. Tôi và bố nó giải thích mãi mà người kia vẫn không tin. Họ cho rằng chúng tôi đã xui con làm thế. Đến khi thấy nó khóc dữ quá và vợ chồng tôi đã dùng hết lời lý giải, người ta mới tạm tha”, mẹ Minh kể.

Anh Hưng nhà ở quận 3 tâm sự, hành động Mr. Bean của con trai đã khiến anh mấy lần mất mặt giữa nơi công cộng. “Hôm đó trong lúc xếp hàng vào rạp chiếu phim, cô gái đứng trước bỗng quay lại thét “đồ dê xòm” rồi tát tôi một cái. Nghi ngờ thủ phạm, về nhà tra hỏi, thằng bé mới khai thật đã dùng tay bóp mông cô giống như Mr. Bean”, anh Hưng nói.

“Nạn nhân” Hưng cho hay, nhiều lần ở nhà, anh thấy con mình có những hành động tương tự. “Sau khi bé thú tội “làm giống Mr. Bean”, tôi đã cấm không cho nó xem phim này, nhưng thằng bé vẫn cứ lén chọn kênh để xem lúc bố mẹ không có mặt”.

Cùng mỗi khổ mang tên Mr. Bean, chị Tuyết ở quận 4, anh Tâm ở quận Bình Thạnh và không ít phụ huynh đã phải mang con đến bác sĩ tâm lý để trị bệnh hít mũi, trợn mặt, mặt ngơ ngơ như tâm thần các cậu nhỏ.

“Đưa đi dự tiệc, mình vừa ngó lơ, nó đã ngang nhiên lấy thức ăn của người khác hoặc cho cả ly nước ngọt vào trong áo rồi la ó như chốn không người. Anh bồi đi qua thì nó đưa ghế ra ngáng chân. Vợ chồng tôi thực sự phát hoảng”, chị Tuyết than.

Theo các chuyên gia tâm lý, khi trẻ chưa đủ trí khôn để phân biệt đâu là hành động ngớ ngẩn cố tình gây cười, thì loại phim như Mr. Bean hoàn toàn có hại. Việc đánh đập khi thấy trẻ có hành động như phim là không nên mà thay vào đó, phụ huynh nên giải thích cho trẻ hiểu hoặc chọn lọc chương trình phim dành cho trẻ.

Các bác sĩ đơn vị tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM cũng cho rằng, ngoài việc giúp trẻ biết thêm nhiều kiến thức, phim ảnh còn có một tác dụng phụ là khiến trẻ học theo những hành vi xấu trong đó vì vậy cần hướng dẫn trẻ xem phim đúng cách.

Ở trẻ dưới 5 tuổi, chỉ nên cho trẻ xem những bộ phim hoạt hình trong sáng, có ý nghĩa tích cực, không nên cho trẻ xem phim hoạt hình có nhiều bạo lực hoặc những hành động ngớ ngẩn có thể khiến trẻ làm theo.

Phụ huynh cũng nên hạn chế thời gian xem phim, nếu trẻ đã đi học thì chỉ nên cho trẻ xem phim hoạt hình vào cuối tuần và không nên cho trẻ xem phim liên tục quá 30 phút. Nếu có điều kiện, người lớn nên xem phim cùng với trẻ để giải đáp những thắc mắc của chúng, đồng thời lựa chọn những bộ phim có nội dung phù hợp.

Trong trường hợp trẻ quá nghiện đến mức nắm rõ tất cả lịch phát sóng các kênh trên tivi thì phụ huynh nên dùng một trò chơi khác nhằm phân tán để chúng không nhớ đến việc xem phim. Với những trẻ đã lớn tuổi và bắt đầu có ý thức, phụ huynh phải dạy cho chúng biết rõ, phim chỉ là phim, nhằm tránh việc bắt chước các hành động có hại có thể gây hỏa hoạn hoặc thương tích.

Theo Thiên Chương ( VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm