“Ốc đảo” giữa gia đình

Mẹ em là trưởng phòng kinh doanh một công ty nước ngoài. Rất hiếm hoi mẹ về nhà trước 8 giờ tối. Đã về muộn, mẹ còn mang theo cả đống tài liệu để giải quyết tại nhà. Anh Hai cũng có nhiều bạn bè, công việc và những mối quan tâm riêng. Vì thế, rất ít khi có một bữa cơm gia đình đông đủ các thành viên.


Suốt ngày ở trường, tối về thì ru rú trong phòng, Nga cảm thấy mình thành “bà cụ non” lúc nào chẳng hay. Nga thấy mình khó tươi cười, hay ngờ vực mọi điều, dễ cáu tức với bạn bè. Nhưng buồn nhất là những bức xúc, lo toan chuyện học hành, trường lớp, chuyện tình cảm… Nga không biết chia sẻ cùng ai. Nga cảm thấy sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình “rời rạc như cơm nguội”. Mỗi khi đến lớp, nghe các bạn kể cảm giác được ngã vào lòng bố mẹ sau mỗi chuyến đi xa, nghe kể không khí bữa ăn tối gia đình mà em chỉ biết ngậm ngùi.

Chị Bích (Q.3, TPHCM) bộc bạch: lúc nào chị cũng có tâm trạng cô đơn, lạc lõng. Chị gặp anh thời sinh viên, yêu nhau và nên vợ chồng. Anh mở công ty xuất khẩu đồ mỹ nghệ. Sau thời gian ăn nên làm ra, anh bảo chị ở nhà tập trung chăm lo cho con. Chị nghe lời chồng, ở nhà nội trợ. Có điều, khi kinh tế khá hơn cũng là lúc chị thấy anh ngày càng xa cách, lạnh lùng. Hai đứa con của chị cũng đã khôn lớn. Chúng đi học chính khóa, ngoại khóa kín thời gian. Một mình ở nhà, chị mở tivi, bật máy nhạc cho… có tiếng người! Nhiều khi, chị thấy mình như “một Ôsin cao cấp” không hơn không kém.

Cảm giác cô đơn, thiếu sự quan tâm, chia sẻ cũng là một trong những lý do khiến vợ chồng dễ có “người thứ ba”. Anh Thanh Mừng (Q.Thủ Đức, TPHCM) và chị Lý kết hôn mới được ba năm, nhưng do công việc quá bận rộn, chị gần như không quan tâm đến chồng con. Do vậy, chỉ vài cử chỉ quan tâm của cô nhân viên mới cũng đủ làm anh xao lòng. Từ việc trân trọng những tình cảm đó, anh thấy mình yêu cô gái này lúc nào không hay. Chuyện vỡ lở, anh nộp đơn xin ly dị và tự thú mọi chuyện thì vợ anh mới vỡ lẽ. Nhưng sự việc đã đi quá xa…

Trong gia đình, bố mẹ, con cái nên dành thời gian để nói chuyện, tâm sự với nhau. Đây vừa là chìa khóa, vừa là vấn nạn lớn nhất của hạnh phúc gia đình. Nhà nghiên cứu văn hóa TS Nguyễn Hữu Duyên thường đề cao giá trị của gia đình nhiều thế hệ. Ông mong muốn các gia đình khôi phục lại mô hình “tam đại đồng đường”. “Nhiều bố mẹ đi làm cả ngày. Tối lại về muộn. Trẻ không có ai thân quen để tâm sự. Mô hình gia đình truyền thống người Việt thường có ông bà cùng ở chung. Ông bà sẽ là người “bù đắp” tuyệt vời cho “khoảng trống” bố mẹ” - TS Duyên nói.

Nhà xã hội học quá cố ThS Nguyễn Thị Oanh thì nghĩ đến một khía cạnh khác. Bà từng chia sẻ với giới trẻ: “Các bạn học sinh-sinh viên ngày nay cần tích cực tham gia những hình thức tập hợp mới như câu lạc bộ, nhóm, hội... Các tổ chức này, hiện Việt Nam đã có nhưng chưa đa dạng và chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của mọi người. Dù vậy, vẫn là nơi rất cần thiết để các bạn trẻ sinh hoạt, sẻ chia”.

“Sống trong xã hội hiện đại, nhu cầu về vật chất của con người ngày càng tăng, để đáp ứng những nhu cầu đó, con người phải làm việc tất bật hơn. Thiếu thời gian để cảm nhận, trải nghiệm sự sống, không có thì giờ dành cho người thân; trong khi đó, nhu cầu của trái tim, của hơi ấm con người, nhu cầu cần nghe những lời ngọt ngào, cần sự hiện diện bên nhau, cần lời động viên... là nhu cầu muôn thuở của con người. Khi nó không được đáp ứng, người ta thấy trống rỗng, dễ sa ngã và lạnh lùng với nhau” - TS tâm lý học Trần Thị Giồng cho hay.

Theo ThS Đặng Quốc Minh Dương (Phụ Nữ TPHCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm