Nửa kia đâu phải của mình!

Cô giáo Ngọc Hoa (quận 8 - TPHCM) luôn là cây cười mang đến niềm vui cho đồng nghiệp. Chị sống vui và rất tự hào về sự nghiêm túc, luôn nghĩ đến chồng con của mình. Thế nhưng, gần nửa năm nay, chị bỗng thay đổi hẳn, tính tình ít nói cười và luôn trầm tư.
 
Tổ ấm dậy sóng
 
Lúc trước, anh Dân - chồng chị Hoa, cũng là giáo viên, dạy môn kỹ thuật. Do lương không đủ lo cho gia đình, anh đành bỏ nghề, xin vào làm tại một khách sạn. Anh Dân đẹp trai, lịch lãm, luôn đón trước ý và rất chiều khách nên nhanh được lên lương, có thu nhập cao. Nhờ thế, cuộc sống gia đình khá lên trông thấy. Điều đáng nói là không lâu sau… anh Dân đã qua lại với một cô gái làm chung. Lúc đầu, anh còn giấu vợ nhưng rồi đã thừa nhận… “không thể sống thiếu cô ấy”! Còn cô gái ấy, lại trâng tráo, dám đến nhà anh Dân chơi!
 
Hai con của chị thường hỏi chị về ba và “cô kia”, chị phải bảo là bạn đồng nghiệp của ba để các con không bị sốc. Thật ra, anh Dân đã quá lậm, từ về khuya lắt khuya lơ đến vắng nhà một đêm, hai đêm rồi thỉnh thoảng mới ghé nhà. Anh còn thường kiếm cớ đánh chửi vợ. Không muốn mất thể diện, chị Hoa cố nín nhịn. Được thể, anh Dân ra mặt xem thường và bảo rằng: “Cứ giữ thẻ của tôi mà xài. Đừng làm phiền tôi nữa!”. Uất quá, chị Hoa mắng cô bồ nhí kia thì chồng cho mấy tát tai như trời giáng. Ít hôm sau, cô nhân tình ấy còn đường đột nói: “Em yêu anh ấy nhiều hơn chị yêu chồng nên em không thể làm khác được”. Người vợ nào chẳng sốc trước câu nói ấy!

Như con thiêu thân

Kết cuộc là gia đình chị Hoa đổ vỡ, ly tán. Nếu nói đó là do người đàn ông không kiềm chế cũng không hẳn đúng. Như anh Hòa Tân, 53 tuổi (ở phường Đakao, quận 1 - TPHCM) - một trưởng phòng tài năng, một người chồng, người cha gương mẫu - đã chia sẻ: “Nhiều cô quá quắt lắm… Biết người ta có vợ con rồi mà vẫn cứ nhào vô”.

Anh Tân từng bị P., một nữ đồng nghiệp trẻ, tấn công tới tấp. Cô thường mua sẵn đồ ăn sáng cho anh dù anh luôn từ chối. Khi cả phòng cùng đi ăn cơm trưa, P. hay gắp thức ăn cho anh và nửa đùa nửa thật: “Tối qua nhớ trưởng phòng quá, chẳng ngủ được”. Khi anh chị em trong phòng “tám” về tình yêu, P. chớp cơ hội bật đèn xanh:“Khi yêu rồi, dù người ta vợ con đùm đề, tôi cũng lấy”. Còn khi mọi người bàn đến bộ phim Mỹ nói về những bà mẹ đơn thân, P. quả quyết: “Dù không danh phận, vẫn sẵn sàng có con với người yêu. Chỉ cần… giống tốt, đẹp trai, thông minh”, rồi liếc mắt nhìn anh Tân bồi thêm: “Em muốn xin tinh trùng để thụ tinh nhân tạo, không biết người vừa giỏi vừa đẹp trai nhất phòng có sẵn lòng không?”...

Khi P. du lịch nước ngoài về, mọi người chỉ được ít bánh kẹo hoặc cái bấm móng tay, chỉ có anh Tân lúc thì sợi dây nịt Gucci, khi thì chiếc áo Lacoste… Vốn sống nghiêm túc, anh Tân bỏ nhỏ với P. nhưng… nói khéo không xong mà từ chối thẳng cũng không được, anh đành chuyển công tác. May mà vợ anh rất hiểu biết, dù chồng có một vị trí thấp hơn, thu nhập ít hơn nhưng chị vẫn vui vẻ chấp nhận và chi tiêu tiết kiệm hơn…
Biết vượt lên sự ích kỷ của bản thân và sống như những câu thơ của thi hào Nga Puskin: “Không lấy nửa của ai làm nửa của riêng mình” thì đời sẽ hạnh phúc hơn.
 

 

Tiến sĩ tâm lý giáo dục Lê Vinh Quốc, Trường Đại học Sư phạm TPHCM: Hãy vượt qua tình cảm ngang trái

Chớ vin vào tình yêu mà vượt qua đạo đức và luật pháp. Người thứ ba cần nhận rõ đó là tình yêu thật sự hay chỉ là ngộ nhận khởi đầu từ sự ngưỡng mộ người đàn ông thành đạt. Dù đó là tình yêu thực sự, hãy cố vượt qua tình cảm ngang trái.
 
Gìn giữ, bảo vệ gia đình là nhiệm vụ của vợ và chồng. Người chồng cũng cần sáng suốt nhận ra cái gọi là tình yêu của người thứ ba để có hành xử thích hợp. Người vợ nên ý tứ, luôn tạo hòa khí trong gia đình để chồng yêu thương, luôn muốn trở về với tổ ấm. Nếu người chồng thiếu kiềm chế, không làm chủ được bản thân mà gia đình bất hòa, họ sẽ dễ dàng dứt bỏ tất cả.

Theo NLĐ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm