Nỗi nhớ “người dưng”

Cụng một chén đãi bôi, Thiện mào đầu câu chuyện: “Mẹ cái Tí có còn nhớ mặt ông Thoan không nhỉ?”. “Dạ. Còn”. Thiện chậm rãi kể:

“Ông Thoan là người hiền lành, tốt bụng có khuôn mặt tròn tròn, trăng trắng, lúc nào cũng mủm mỉm cười muốn trò chuyện với mọi người. Dạo tôi còn là một đứa trẻ, ông Thoan thường dắt tay tôi đi chơi chợ huyện sắm sanh đủ thứ đồ dùng. Ông thường xưng là cha với tôi, hiền hậu và dễ mến như một người cha với người con đẻ của mình. Tôi sinh ra đã không biết cha mẹ mình là ai, được ông đưa ra từ trại trẻ mồ côi về và nhận làm con nuôi.

Ngần ấy năm trời sống với ông Thoan chưa lần nào tôi bị ông nặng lời ra đòn vọt. Ông thương quý tôi như máu mủ ruột già, làm gì cũng hỏi han ý kiến. Không những thương mà ông còn tôn trọng tôi, luôn coi tôi là người trong nhà. Người ta bảo trẻ mồ côi được nhận về nuôi đã là cái phúc, được làm con nuôi của ông Thoan lại là phúc lớn ở đời. Cho tới bây giờ ngẫm lại càng thấy đúng...”.

Ực một ngụm rượu, Thiện ngửa cổ cười sằng sặc. Thân nhìn chồng như vậy thì phát hoảng, ngỡ chồng đang say bèn lén bỏ một cái đùi gà vào cái bát vẫn trống không của chồng từ đầu bữa: “Anh ăn đi kẻo mệt. Uống rượu chay là dễ ốm lắm”.

“À, ốm” - Thiện giơ chân, khoát tay diễn tả tiếp câu chuyện: “Lại nhớ có lần tôi ốm, ông Thoan không ăn, không ngủ mất mấy ngày. Ông đi hỏi han, dò la tìm lương y tốt đón về thăm khám cho tôi. Mời một thầy chưa đỡ, ông Thoan mời một lúc vài thầy tới vấn an sức khỏe. Nhà có bao nhiêu gạo, ông Thoan đem hết ra biếu thầy thuốc. Có bao nhiêu tiền ông cũng đem ra trả công cho các lương y giỏi. Đến ngày thứ 13, bệnh tình tôi thuyên giảm và đã bắt đầu uống được chút nước canh, ông Thoan chẳng ngại khó khăn sớm hôm tự tay nấu cháo cho tôi, lại nhờ người đi chợ mua gà đen về nấu cao cho tôi ăn.

Nhờ mấy bài thuốc của các vị lương y và sự chăm sóc chu đáo của ông Thoan mà đến ngày thứ 20, tôi đã ngồi dậy nói chuyện được. Tới lúc đó, ông Thoan mới ôm tôi vào lòng nói như khóc: “Nhờ Trời con đã tỉnh lại rồi. Con có biết không, con vừa qua một trận sốt cao, nguy hiểm đến tính mạng. Rất may mà gặp thầy gặp thuốc không thì mắc chứng bại liệt rồi...”. Tôi nghe mà nước mắt tuôn trào.

Dừng một lát, Thiện với tay nhấp một ngụm nước chè: “Mẹ cái Tí có biết vì sao tôi và mẹ nó nên duyên vợ chồng không? Sau khi cứu mạng tôi, sức khỏe ông Thoan dần xuống dốc. Lúc này ông đã bước vào tuổi 60. Phải tìm cách kiếm cho tôi một người thường xuyên săn sóc và giúp đỡ tôi sau này. Suy đi tính lại, ông Thoan chỉ ưng mẹ nó nết na, thảo hiền có tiếng ở làng này. Nhưng hỏi được mẹ nó không phải là chuyện dễ bởi mẹ nó con nhà danh giá, nhà gái lại thách cưới, hỏi cao.

Trước khi tới nhà dạm hỏi, ông còn bắt tôi đứng trước mặt ông trả lời những câu hỏi hóc búa do nhà gái đưa ra như trả lời ban giám khảo. Biết bố vợ tương lai của tôi là người khó tính, ông Thoan bắt tôi phải học từng lời ăn tiếng nói, từng tiếng thưa gửi cho lễ phép với người lớn tuổi. Ông Thoan còn bắt tôi học thuộc làu làu từng động tác, cử chỉ khi ra mắt nhà Thân. Ông ra sức rèn giũa tôi đến nỗi chính ông cũng không nhận ra “sản phẩm” của mình. Phải thừa nhận là trong chuyện tình duyên của tôi có bàn tay chăm bẵm, uốn nắn của ông Thoan nhiều đến nỗi cận kề ngày bê tráp đến hỏi nhà gái thì ông Thoan lăn đùng ra ốm. Dù rất mệt nhưng nghĩ đến hôm sau là một ngày trọng đại của cuộc đời tôi, ông Thoan lại gượng dậy uống thuốc để lấy sức trong ngày tôi ra mắt họ nhà gái.

Thật may công việc trót lọt khiến tôi và cả ông Thoan thở phào. Ông Thoan quỵ xuống ốm một trận to. Tôi ngày đêm túc trực bên giường bệnh nhưng cứ đêm xuống là ông Thoan lại giục tôi đi ngủ sớm để gìn giữ sức khỏe chuẩn bị cho ngày đại hỷ. Những ngày ông Thoan bị bệnh, tôi luôn ở bên ông. Ông thường dạy tôi về đạo lý, ăn ở có nghĩa có tình. Ông xưng hô cha con thân mật với tôi. Ông bảo cuộc đời ông trải qua sướng khổ đã nhiều, nhưng điều ông ân hận nhất là không có một đứa con ruột nối dõi tông đường. Bệnh tật đã lấy đi niềm hạnh phúc được làm cha của ông. Nhưng có lẽ chính vì thế mà ông mới có tôi ở trên đời. Ngẫm lại những việc làm đầy ân nghĩa của ông, tự nhiên tôi thấy mình mang nhiều trách nhiệm. Gánh nghĩa tình và ân huệ của ông Thoan cả đời tôi không trả nổi, huống chi là mâm lễ khiêm tốn này...”.

Dừng lời đôi lát, Thiện nhỏ nhẹ với Thân: “Mẹ cái Tí đốt 3 nén hương cho tôi dâng sớ. Ngày hôm nay con xin dâng mâm lễ vật cúng tế tổ tiên sống khôn chết thiêng phù hộ độ trì...”. Nghe trong lời khấn có tiếng sụt sùi nức nở thương tiếc một phận người. Cái lẽ ở đời ăn quả nhớ người trồng cây đang chảy dần và ngấm vào máu thịt vợ chồng Thiện - Thân như một lời nhắc nhở.

Theo PNVN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm