Nỗi đau "con nuôi"

Lấy chồng hơn 5 năm nhưng không có con vì chồng vô sinh, chị Yến ở quận 9, TP HCM, buồn bã đến suy sụp tinh thần. Khao khát tiếng trẻ con cho vui nhà vui cửa, anh Phúc chồng chị đã gợi ý để vợ ngủ với người bạn đồng nghiệp. Nhưng yêu chồng và không muốn mất hạnh phúc gia đình nên chị Yến không đồng ý. Cuối cùng vợ chồng thống nhất xin một đứa con nuôi tại trung tâm từ thiện.

Ngày mới nhận nuôi bé Nhật Minh mới vài tuần tuổi, vợ chồng chị Yến vô cùng sung sướng. Họ tự hứa với nhau đối xử với bé như con ruột, không bao giờ hé lộ bí mật về nguồn gốc của bé.

Vui mừng khi được làm mẹ, chị Yến đếm từng ngày Nhật Minh lớn lên trong tình thương yêu đùm bọc của cả dòng họ. Chị kể: “Khi cháu bập bẹ tập nói, trong nhà lúc nào cũng tíu tít tiếng gọi 'ba', 'mẹ' làm vợ chồng tôi vui lắm. Cả ngày nô đùa với con mà không thiết đi làm, chúng tôi dành tất cả sự yêu thương cho đứa con trai và cùng nhau chăm sóc cho cháu từng li từng tí”.

14 năm hạnh phúc trôi qua tưởng chừng êm ả, một ngày đi đón con trên đường đi học về, chị Yến giật mình khi nghe đứa con học lớp 8 gặng hỏi: “Tại sao người ta nói con chẳng có điểm nào giống cha mẹ hết?”. Bị sốc trước câu hỏi ngây thơ với ánh nhìn của đứa trẻ đang chờ đợi mẹ một câu trả lời, chị Yến hoang mang chỉ im lặng rồi đánh trống lảng hỏi con về việc học và gợi ý mua đồ chơi.

Chị nói: “Tôi không dám trả lời thẳng thắn vì cháu còn quá nhỏ để hiểu và thông cảm cho chúng tôi. Tuy nhiên những thắc mắc của con lại làm cho tôi thực sự hoang mang”.

Kể từ hôm ấy, bé Nhật Minh có thái độ xa lạ, lầm lỳ, ít nói với cha mẹ. Nghĩ là con đang tuổi dậy thì nên có những thay đổi tâm sinh lý khó hiểu, vợ chồng chị Yến chỉ cố gắng động viên nhau giáo dục con. Tuy nhiên trước sự quan tâm của cha mẹ, Nhật Minh lại như một con ốc sên tự giam mình vào phòng và không chịu nói dù cho cha mẹ đến bên hỏi han.

Một chiều cuối tuần, khi chị chuẩn bị đi đón con thì chị Yến đã thấy Nhật Minh về tới cổng. Nhìn thấy con, người mẹ ngạc nhiên chưa kịp hỏi han thì thì cậu quý tử lên tiếng: “Con đã biết sự thật rồi. Tại sao bố mẹ nói dối con. Dù sao thì con cũng không phải là con đẻ của mẹ, nên con sẽ không ở nhà này nữa”. Sau đó, Nhật Minh chạy thẳng vào nhà, dọn đồ đạc, sách vở và đòi đi khỏi nhà với lý do bấy lâu nay bị cha mẹ lừa dối.

Chết điếng trước những lời nói đầy tính người lớn của đứa con bé bỏng, chị Yến biết không thể che giấu sự thật mãi được. Người mẹ trẻ khóc nghẹn ngào chỉ biết chạy theo kéo con lại rồi giải thích câu chuyện từ đầu đến cuối với con rồi cả hai cùng khóc. Mặc dù Nhật Minh đồng ý không đi nữa, nhưng phải rất lâu sau đó, mối quan hệ trong gia đình chị Yến mới được cải thiện.

Còn chị Tuyết, quận Gò Vấp sau khi nhận nuôi bé Mai từ một bà mẹ trẻ lầm lỡ, đã dành hết thời gian để chăm sóc cô con gái nhỏ xinh xắn. Chị tâm sự: “Càng lớn, bé Mai càng có nét giống tôi nên đi đâu mọi người cũng khen. Điều đó làm vợ chồng tôi rất an tâm vì nghĩ sau này con bé sẽ không có gì nghi ngờ về nguồn gốc xuất thân của mình”.

Lớn lên trong sự bảo bọc, nâng niu của cha mẹ, cô bé Mai ngày nào đỏ hỏn giờ đây đã trở thành một thiết nữ xinh xắn và học giỏi nên được mọi người rất mực quý mến. Đối với vợ chồng chị Tuyết thì bé Mai như một món quà quý giá nhất mà thượng đế trao tặng.

Việc đứa con gái cưng bước chân vào trường đại học là niềm hạnh phúc và hãnh diện lớn lao của vợ chồng chị. Tuy nhiên, cũng kể từ đó Mai không còn cởi mở tâm sự với cha mẹ như trước, thời gian cô bé ở nhà cũng không nhiều, thậm chí Mai thường xin mẹ ở lại nhà bạn thân với lý do cùng làm bài tiểu luận. Ban đầu chị Tuyết nghĩ rằng để cho con có thời gian học nhóm và vui chơi, thư giãn cùng bạn bè. Thế nhưng sau đó Mai đòi rời nhà đi ở trọ làm vợ chồng chị Tuyết ngỡ ngàng.

Chị Tuyết tâm sự “Tôi thực sự sốc vì từ nhà đến trường có vài cây số mà cháu xin đi ở trọ với lý do tiện cho việc học. Mặc dù không muốn xa con, nhưng thấy cháu ngày càng học hành sa sút lại hay cáu gắt nên tôi đồng ý vì nghĩ ở nhà với cha mẹ mãi làm cháu thấy bí bách”.

Từ khi ở trọ, Mai lơ là dần sự quan tâm đến cha mẹ, số lần về thăm nhà thưa thớt dần với đủ lý do khác nhau làm chị Tuyết rất buồn. Chị đổ bệnh vì quá lo lắng cho con. Mãi đến khi bệnh tình chị Tuyết trở nặng, Mai mới chịu vào bệnh viện thăm mẹ.

Tại bệnh viên, Mai thú nhận với mẹ: “Con xin mẹ ra ở trọ với bạn không phải vì tiện cho việc học hành của con, cũng không phải vì con muốn tự lập mà vì con biết mình chỉ là đứa con được cha mẹ nhặt về nuôi”. Tuy nhiên khi nghe chị Yến giải thích cặn kẽ và trước tình yêu thương của cha mẹ nuôi dành cho mình, Mai đã xin lỗi cha mẹ và tình nguyện ở lại bệnh viện để chăm sóc mẹ.

Chia sẻ với VnExpress.net, bà Đoàn Bắc Việt Trân, Chuyên viên tư vấn tâm lý tổng đài 1088 nhận định: “Một đứa con được cha mẹ nhận về nuôi mà không được biết về xuất thân thật sự của mình sẽ bị sống trong tình trạng 'tồn tại một bí mật quan trọng'. Bí mật này tạo ra ranh giới vô hình giữa những người biết sự thật và đứa trẻ. Khi bí mật bị tiết lộ, dù thế nào, vẫn có khả năng gây tổn thương các mối quan hệ sẵn có”.

Cha mẹ thường che giấu sự thật về nguồn gốc đứa con nuôi như một bí mật 'khủng khiếp' bất khả lộ. Tuy nhiên trước những lời đồn thổi, bàn tán của người khác sẽ làm trẻ thắc mắc nhiều hơn. Như cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, đứa trẻ khi phát hiện mình là con nuôi sẽ bị cảm giác hụt hẫng.

Về tâm lý, bà Trần nhận thấy, ý nghĩa quan trọng của cuộc đời một cá nhân là làm điều tốt nhất cho những người sinh ra mình như sự đền đáp công ơn sinh thành. Bên cạnh đó, việc biết rõ gia đình, gia tộc còn giúp cá nhân cảm thấy có niềm tin về nguồn gốc, biết mình thuộc về đâu để phấn đấu. Vì thế khi biết cha mẹ nuôi dưỡng mình không phải là những đấng sinh thành, ý nghĩ lạc lõng sẽ xuất hiện trong tâm trí trẻ.

Cũng theo bà Trân, dù mối quan hệ trước đó giữa cha mẹ nuôi và đứa trẻ có tốt cách mấy, nhưng khi biết mình là con nuôi, cảm xúc đầu tiên của đứa trẻ là hụt hẫng, thất vọng, đau khổ. Có thể có nhiều cách hành động dựa trên chuỗi cảm xúc ấy, như lời nói oán trách, chống đối, bỏ đi hoặc tự cô lập, tự dằn vặt.

Đứng trước những tình huống này, cha mẹ cần cảm thông với những hành động nông nổi ấy của trẻ. "Nó không trực tiếp nhắm vào cha mẹ nuôi mà thực ra, trong vô thức, đứa trẻ đang hốt hoảng, sợ hãi, muốn chối bỏ quá khứ, chối bỏ ngay cả sự tồn tại đau khổ của mình. Trẻ đau khổ vì cho rằng mình bất hạnh bị cha mẹ ruột bỏ rơi”, bà Trân cho biết.

Cũng theo bà Trân, cha mẹ nuôi cần có sự bình tĩnh, tránh phản ứng mạnh lại đối với trẻ. Cần cho trẻ thấy được sự an toàn nhằm bù đắp lại cảm giác bị bỏ rơi, đánh mất lòng tin sau cú sốc tinh thần. “Mọi sự giải thích về xuất thân của con đều phải đảm bảo cảm giác an toàn cho trẻ. Cần có thời gian và sự chăm sóc của gia đình để trẻ vơi bớt đau khổ mà chấp nhận sự thật rồi trẻ mới có thể tiếp nhận những lời giải thích cụ thể hơn từ người lớn”.

Bà Trân cũng khẳng định: “Chính tình yêu của gia đình sẽ là phương thuốc tốt nhất giúp chữa lành nỗi đau nơi trẻ. Đặc biệt, khi trẻ có nguyện vọng tìm lại cha mẹ ruột, gia đình hãy thể hiện tình thương với con bằng cách giúp trẻ thực hiện mong ước bằng sự động viên và những việc làm cụ thể”.

Vì thế, khi nhận con nuôi, cha mẹ nên chủ động gợi mở từ từ cho trẻ biết thông tin về cuộc đời quá khứ của nó. Điều này đồng nghĩa với việc trả cho con sự minh bạch về nguồn gốc, xóa đi ranh giới ngăn cách cũng như sự bất an khi cha mẹ phải gắng gượng giữ bí mật.

Theo Thiện An (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm