Nơi các quý ông "kể tội" vợ

Anh Hưng là một trong những trường hợp đã gọi đến đường dây tư vấn về bạo lực gia đình dành riêng cho nam giới của Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (0437759330).

Vợ làm giáo viên một trường mầm non ở quê, còn anh Hưng lên thành phố làm thợ mộc nên thường xuyên phải xa gia đình. Họ có một cô con gái gần 2 tuổi. Thời gian gần đây về nhà, anh thấy vợ tự dưng thay đổi rất nhiều, quan hệ giữa hai vợ chồng không còn được mặn mà như trước. Anh luôn thấy ánh nhìn sợ hãi của vợ khi dõi theo nhất cử nhất động của mình.

Theo anh, nguyên nhân chỉ vì anh đã tát vợ hai cái rất mạnh. Nhưng dù anh đã xin lỗi, chị vẫn tỏ ra sợ hãi đến mức thu mình lại. Nhiều lúc vì muốn xoa dịu vợ mà anh dùng vũ lực ép vợ "quan hệ", chị không phản đối gì nhưng co rúm người lại, rồi để mặc chồng muốn làm gì thì làm.

"Dỗ ngon dỗ ngọt cũng có, dùng đến cả vũ lực thế mà vợ vẫn cứ như một tảng băng lạnh. Thậm chí, tôi còn xin nghỉ tạm thời để có thời gian bên vợ, thế nhưng dường như chỉ càng làm mọi chuyện tồi tệ hơn. Tôi thực sự thấy bế tắc, có khi nào cô ấy bị điên không, liệu nó có ảnh hưởng đến việc dạy dỗ con không?", anh Hưng thắc mắc.

Anh Nguyễn Văn Kiều, chuyên viên tư vấn, người trực tiếp nghe câu chuyện này cho biết, người chồng tự nhận mình là người nóng tính, không vừa ý cái gì là “thượng cẳng chân hạ cẳng tay”. Tuy nhiên, trong suốt thời gian tư vấn, anh không hề thừa nhận mình có đánh vợ, cho rằng "đánh vợ là điều xấu xa, đây là tôi nóng tôi đánh" hay "chỉ là đánh nhẹ, đánh yêu".

"Bản thân người chồng không hề nhận thức được rằng, chính cách hành xử bằng tay chân của mình khi nóng giận đã khiến vợ sợ hãi. Lúc này, cách tốt nhất là anh vẫn nên tiếp tục đi làm, để cho vợ có thời gian bình tâm lại. Tuy nhiên, anh cũng cần học cách kiềm chế cảm xúc, đồng thời phải thể hiện sự quan tâm với vợ nhiều hơn, tặng quà, hỏi thăm vợ thường xuyên...", anh Kiều nói.

Cũng theo anh, đường dây tư vấn bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 19/4, trung bình mỗi ngày 2-3 cuộc tư vấn. Những cuộc gọi thường là về mâu thuẫn với vợ, có người kêu vợ hay nói nhiều, đi nhậu về vợ lại la, cằn nhằn, có người bị vợ nhắn tin kiểm tra, thăm dò...

Phần lớn nam giới khi gọi điện đến đều có một đặc điểm là "kể tội vợ". Theo quan niệm của cánh mày râu, những gì làm sai họ đã nhận lỗi thì người vợ không được quyền nói lại nhiều, theo kiểu "Tôi sai, tôi đã sửa rồi cô không được nói nữa". Vợ càng chửi, càng nói nhiều, người chồng càng phản ứng. Lúc này, họ tự xem mình là nạn nhân chứ không hiểu rằng đây là sự trừng phạt mà họ phải nhận, anh Kiều cho biết.

Như trường hợp ông Thuấn, 50 tuổi, ở Đồng Nai có đi chơi gái một lần, bị vợ phát hiện. Từ đấy, cứ mỗi lần xem tivi, đọc báo thấy chuyện ngoại tình là vợ lại nhắc lại chuyện đấy, nhiếc móc, đay nghiến.

"Chỉ vì cái lỗi đó mà tôi bị bà ấy tổng xỉ vả, chửi rủa suốt một năm, nào là ‘người đàn ông tệ bạc’, ‘già rồi mà còn xí xởn’, ‘biết thế này tôi ly dị cho nhẹ nợ’... Giải thích bao nhiêu lần mà bà ấy không chịu nghe, đã bảo là không nói nữa rồi thế mà. Vợ gì mà ghê gớm quá", ông Thuấn cho biết.

Anh Nguyễn Đức Nam, phụ trách đường dây tư vấn cũng cho biết, nam giới là đối tượng làm việc rất khó vì họ luôn coi mình là trụ cột trong gia đình, tỏ ra là người mạnh mẽ. Bên cạnh đó, họ cũng rất bảo thủ, độc đoán hay đổ lỗi cho người khác, tự xem mình là nạn nhân ngay cả họ đã nhiều lần đánh vợ. Trong đó, điều khó khăn hơn cả là không anh chồng nào lại thừa nhận mình dùng vũ lực với vợ.

Anh Nam cũng chia sẻ, mới đây trong một lần tổ chức nhóm sinh hoạt cộng đồng tại Hòa Bình với hơn 20 nam giới từ 30-50 tuổi, khi chuyên gia tư vấn hỏi "Có ai từng đánh vợ chưa?" thì gần như 100% đều nói rằng không bao giờ dùng bạo lực. Tuy nhiên, khi đưa ra tình huống cụ thể, chẳng hạn đi uống rượu say về, vợ nói nhiều, chửi "Hốc cho lắm vào rồi về làm khổ vợ con" thì có đến 80% người thừa nhận "Nếu là tôi trong trường hợp này tôi sẽ đấm".

Theo anh, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình vẫn diễn ra phổ biến là do người chồng không biết cách giải quyết mẫu thuẫn với vợ ngoài cách dùng bạo lực. Cũng vì thế, mục đích của đường dây tư vấn là lắng nghe những chia sẻ của nam giới, phân tích cho họ hiểu và từ đó giúp họ giải quyết các vấn đề gia đình không cần bạo lực.

Theo Nam Phương (VNE)

* Tên nhân vật đã được thay đổi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm