Một nhà năm người hiến xác

“Muốn gặp bà Huệ hả? Sáng bà đi lặt rau nhút mướn, chiều bán vé số. Trưa cô tranh thủ ghé nhà may ra gặp được” - người hàng xóm nói khi biết tôi tìm đến nhà bà Ngô Thị Huệ, nhà có năm người tình nguyện hiến xác.

Cùng cực

Dưới chân cầu Nhị Thiên Đường (quận 8), cả năm người trong gia đình bà Huệ chen chúc nhau trên căn gác trọ bằng gỗ chưa đầy 8 m2. Bà Huệ sinh ra và lớn lên trên con kênh Tàu Hủ ở gần đó. Nhà được đóng bằng vài cây cọc tràm lợp lá dừa nước lấn sông. Chồng bà đi lính cho chế độ cũ đóng quân tại sân bay Đà Nẵng từ năm 1966. Hai vợ chồng có được bốn người con. Năm 1987, người con thứ ba là lao động chính trong nhà đi bộ đội rồi hy sinh ở chiến trường Campuchia. Chính quyền địa phương đã cấp đất, cấp nhà tình nghĩa cho bà tại đường Bùi Minh Trực.

Vài năm sau ngày người con đi bộ đội, mọi người trong gia đình lần lượt đổ bệnh triền miên. Chồng bà bệnh thận. Người con đầu thần kinh không ổn định. Người con thứ hai bị động kinh, mù mắt. Người con út thỉnh thoảng lên cơn động kinh, mắt ngày càng mờ dần. Nợ nần vì thế ngày càng dày lên, bán nhà trả nợ là lựa chọn cuối cùng. “Đó là kỷ niệm cuối cùng của con trai tôi. Nó hy sinh đến nay chưa tìm được xác. Nhờ nó mà tôi được cấp căn nhà, có nơi thờ cúng để con còn biết đường biết ngõ mà tìm về. Vậy mà tôi cũng không giữ được…” - bà Huệ quệt nước mắt kể.

Một nhà năm người hiến xác ảnh 1

Bà Huệ bên cạnh người con út bị động kinh với đôi mắt mờ dần. Ảnh: TM

Bán nhà, thuê nhà trọ từ năm 2003 đến nay. Các BV quận 8, Nguyễn Tri Phương, Tâm thần, Bình Dân… in dấu chân nhà bà đi chữa bệnh thường xuyên. Hai vợ chồng bà người thì chạy xe ôm, người đi bán vé số. “Chồng bả chạy xe ôm nhưng xe cũng phải mướn mỗi ngày 15.000 đồng, mướn riết mấy năm nay rồi. Mới tháng rồi đây họ thấy thương tình cho mượn chạy, không phải mướn nữa” - chị Ba, người ở gần phòng trọ bà Huệ, kể. Về phần bà Huệ, mỗi ngày bà chỉ đi bán vé số được vài giờ vì bị sưng khớp. Thời gian còn lại trong ngày ai mướn gì bà làm đó, từ chăm sóc người bệnh, lặt rau nhút đến viết thuê kinh Phật… việc gì bà cũng làm để có thêm tiền chữa bệnh cho các con.

Căn nhà trọ không có gì đáng giá ngoài chiếc tivi cũ kỹ. Bà nói mình nghèo tận đáy xã hội không ai nghèo hơn nhưng không chấp nhận cái dốt. Tài sản trong nhà cái gì quý giá đều đã ra đi, riêng tivi bà phải giữ lại để theo dõi thông tin thời sự hằng ngày.

Trả ơn

Ngày 23-6, Hội Chữ thập đỏ quận 8 đã tôn vinh 90 người đăng ký hiến thi hài, 54 hộ gia đình có nhiều người tham gia hiến máu. Ngay buổi phát động đã có hơn 160 người đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến thi hài.

Chị Trần Ngọc Hải Hà, con út của bà Huệ, nói trong nước mắt: “Thương mẹ lắm nhưng tôi không làm gì được. Năm trước, mẹ dẫn hai chị em tôi đến bác sĩ để xin người ta lấy hai mắt mẹ gắn cho hai con nhưng bác sĩ bảo mắt của hai chị em tôi hết đường chữa rồi”. Đêm tháng 5 năm ngoái, chồng bà phải cấp cứu vì cơn đau thận lại tái diễn. Khi bác sĩ cho biết chồng bà phải mổ thận ngay trong đêm, đôi chân bà run rẩy mang sổ nhận tiền tuất liệt sĩ đi cầm khắp nơi nhưng chẳng nơi nào chịu nhận. Bà đành về vay nóng 10 triệu đồng để mổ thận cho chồng. Số tiền ấy đến nay vẫn chưa trả xong. Những ngày ấy, chồng nằm BV Bình Dân, con thì một người nằm BV Tâm thần, một người nằm BV Nguyễn Tri Phương. Một mình không đủ sức lo cho cả nhà, bà đã nghĩ đến chuyện mua thuốc độc cho cả nhà uống chung một lần cho nhẹ người.

Chuyện nhà bà hầu như cán bộ địa phương đều biết và đưa vào diện nhận trợ cấp thường xuyên. Hôm cả nhà bà đi bệnh viện, trụ trì chùa Linh Bửu ở gần đó đã quyết định lo cơm miễn phí cho cả nhà bà đến cuối đời.

“Tôi nợ ơn đời nhiều quá, biết trả gì đây. Nếu không có chùa lo cơm thì chắc tôi cũng phải bán gan, bán thận để nuôi cả nhà rồi. Nghe tivi nhiều, tôi thấy người ta nói vận động xin tiền 5, 10 triệu đồng thì dễ chứ vận động hiến xác thì ít có ai chịu cho. Thôi thì tôi hiến xác vậy. Nói thật là cái thân này muốn làm một việc gì đó có ích cho đời chứ nếu chỉ tính lo chuyện hậu sự thì tôi tin chính quyền sẽ lo được cho tôi vì tôi là mẹ liệt sĩ mà” - bà nhớ lại. Sau khi đón chồng ở bệnh viện về, bà Huệ quyết định làm đơn xin hiến xác.

Làm đơn xong, bà viết di chúc cho người cháu: “Sau này dì qua đời, cháu HL (con của em gái bà Huệ - PV) gọi đến số điện thoại của Hội Chữ thập đỏ quận 8 để giao xác. Nếu không gặp cán bộ ở đó thì gọi cho ĐH Y Dược. Nếu con không làm được việc này thì con báo cho dì Hai rau nhút (nơi bà lặt rau nhút thuê - PV) làm giùm”.

Đêm đó, bà không ngủ được. Chồng bà thấy vợ thao thức hết nằm lại ngồi nên hỏi chuyện, bà quệt nước mắt nói: “Tôi hiến xác rồi. Sau này chết không nằm gần ông được đâu”. Đang trong cơn đau thận, chồng bà gồng mình vịn cửa sổ ráng không cho bà nhìn thấy cơn đau cả thể xác lẫn tâm hồn. Hai vợ chồng ngồi bàn có khả năng ông bị nhiễm chất độc da cam ở sân bay Đà Nẵng những ngày đóng quân ở đây nên đã để lại những căn bệnh nan y cho con. Vì vậy, xác ông sau khi chết đi có thể giúp cho khoa học. Ông nói: “Bà tính vậy cũng được. Cho tôi theo bà luôn”. Thêm một lá đơn hiến xác.

Ngày hôm sau, bà hỏi chuyện hai con. Hai con đồng ý hiến xác cùng cha mẹ.

Hơn một tháng sau, em trai của bà đến chơi. Đêm không ngủ được, hai chị em ngồi tâm sự: “Hiến xác là sao hả chị?”. “Là mày tự nguyện cho thân xác để người ta nghiên cứu hoặc để cho ai đó kéo dài sự sống…”. Sau vài ngày suy nghĩ, người em quyết định theo chị. Mới đây, người con trai cả cũng kêu mẹ xin giùm cái đơn...

Hằng tháng, nhà bà Huệ được nhận 1.120.000 đồng tiền tuất liệt sĩ, 720.000 đồng tiền trợ cấp theo dạng bảo trợ xã hội cho hai người con. Hội Chữ thập đỏ chúng tôi hỗ trợ thêm 200.000 đồng. Số tiền ấy cũng chẳng thấm vào đâu để lo chi tiêu, chữa bệnh cho cả nhà. Thượng tọa Thích Thiện Tài- trụ trì chùa Linh Bửu nằm trong Ban vận động từ thiện của hội đã giúp cơm. Tuy vậy, cảnh nhà bà kể ra là muốn ứa nước mắt.

Ông NGUYỄN QUỐC MINH, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ quận 8 

THANH MẬN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm