Mê "ngoài đường" thì đừng cưới vợ!

Theo dõi diễn đàn “Ngoài đường có gì vui?”, tôi không bàn về đạo đức, bổn phận, trách nhiệm... mà chỉ xin chia sẻ một vài dự cảm: với cái đà bỏ nhà ra phố này, hội “bị vợ bỏ” của tôi sắp có thêm nhiều thành viên mới. Đó là những “ông chồng đường phố” như các nhân vật trong bài và một số tác giả tham gia diễn đàn.

Hưởng thụ cho riêng mình không có gì xấu. Nhưng, nếu xài phung phí ở tuổi trẻ thì ngân hàng niềm vui sẽ khánh kiệt khi ta bước vào tuổi già. Thường, vào tuổi về hưu, hạnh phúc của đàn ông lẫn đàn bà đều là vui vầy với gia đình, con cháu. Tôi đã qua tuổi 40 thật sung sức. Trên sàn nhảy, trong những buổi dạ tiệc, tôi cứ tưởng mình là ngoại lệ của quy luật sinh lão bệnh tử. Đến khi vợ bỏ, tôi tỏ tình với một cô gái 25 tuổi, bán quán bar, lời từ chối khiếm nhã của cô ta nhắc tôi rằng tuổi thanh xuân của tôi đã hết. Cô từng hết lời khen tôi đẹp trai, hào hoa, sành điệu, chịu chơi. Vậy mà khi tôi có nhã ý tặng cô tất cả những thứ ấy, cô lại không buồn nhận. Bây giờ, ra đường, nghe khen, tôi càng sợ. Người ngoài đường khen bao nhiêu, ở nhà vợ con tôi phiền trách bấy nhiêu. Tôi đã hiểu vì sao vợ tôi ít khen tôi đến vậy, vì cô ấy chân thành và vì tôi quá ít ưu điểm.

Tuổi 55, trắng tay, tôi đang căng hết công lực để làm kiếm tiền gửi tiết kiệm, sau này còn vào nhà dưỡng lão. Vợ tôi bỏ rồi, chắc gì con cái chẳng bỏ tôi. Lại càng không chắc những người từng cụng ly, từng nhảy nhót, ve vuốt một thời tuổi trẻ sẽ tiếp tục bên tôi lúc tôi già yếu, hết tiền. Nếu biết mình quá ham vui thế này, trước kia tôi đừng vội kết hôn. Xác định sống độc thân, tôi sẽ tự tích lũy cho tuổi già tốt hơn. Còn kết hôn, đàn ông chúng ta cứ ỷ lại “sau này vợ con nuôi” nên rất bị động khi sa cơ thất thế. Các bà vợ thời @ ngộ lắm, họ không được như bà tôi, mẹ tôi. Họ rất sòng phẳng, tính toán và không chịu hy sinh. Nếu tôi không lo cho họ, họ cũng hành xử tương tự với tôi. Họ cứng rắn và thông minh hơn tôi (và cánh đàn ông) vẫn nghĩ.

Ngày xưa, có thâm ý gì mà ông bà ta dùng từ “nhà” như một cách xưng hô giữa vợ chồng?. Ví dụ: “Nhà tôi hôm nay đi lên tỉnh”. Sao không dùng chữ “ngoài đường” hoặc chữ nào khác để nói thay mối quan hệ chồng vợ mà lại dùng chữ “nhà”? Phải chăng, ông bà cho rằng đã kết hôn thì phải “bỏ cuộc chơi”, dồn công sức vun đắp cho “nhà”?

Theo Duy An (Q.4, TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm