Cuối năm vừa ăn cưới vừa lo

Nữ nhân viên văn phòng ở quận 3, TP HCM, than với bạn chưa đến 10 ngày qua, vợ chồng chị nhận đến 6 tấm thiệp báo tin vui. Thiệp nào cũng mời cả hai vợ chồng và điểm tổ chức là các nhà hàng sang trọng.

"Chỉ tính sơ thôi, từ tháng 11 đến nay, vợ chồng đã phải đi gần 10 tiệc cưới. Chưa hết đâu, vì kế hoạch đám cưới trước Tết đã được nhiều người quen khác báo miệng nhưng chưa gửi thiệp. Kiểu này chắc số tiền dành dụm tiêu Tết không còn nữa", chị Hoa nói.

Cuối năm vừa ăn cưới vừa lo ảnh 1
Tiệc cưới cuối năm trở thành nỗi lo của nhiều người. Ảnh minh họa: Thiên Chương
Cùng cảnh "hoa mắt" với tiệc cưới cuối năm, ngày đầu tuần đi làm về, việc đầu tiên anh Hải lôi từ cặp xòe ra trước mặt vợ hai cái thiệp màu đỏ. Thay vì mua vịt quay và sầu riêng về cho cả nhà ăn như đã hứa với cậu con trai, anh nhân viên văn phòng nhà ở Tân Bình chỉ mang về một rẻo thịt lớn quay bé tẻo teo và mấy cái bánh mì. Sầu riêng được thay bằng mấy quả cam nhỏ, với lập luận đánh lừa con trẻ "ăn sầu riêng nóng, uống cam cho nó mát". Lạc quan tếu trên trang cá nhân của mình, người đàn ông ngoài 40 viết thêm: "Miệng cười chúc mừng mà lòng thì héo hắt. Nói ra thì thấy kỳ bởi đời có vay có trả, người ta từng đi đám cưới mình thì giờ mình đi lại, nhưng thiệp cứ ùn ùn đến như thế này thì tiêu. Tết nghèo là cái chắc". "Bội thực tiệc cưới, teo tóp hầu bao" không chỉ được chia sẻ trên blog, facebook mà còn là đề tài được giới công nhân, nhân viên văn phòng - những người có thu nhập không cao nhưng bạn bè thì nhiều, chia sẻ bất cứ lúc nào gặp nhau. Nhất là khi ai đó khoe vừa nhận thêm một thiệp cưới. Sáng 7/12, khi một nhân viên văn phòng đưa tấm thiệp mời cưới lên "khoe", con ngõ nhỏ trên đường Nguyễn Trãi quận 5 cạnh văn phòng một cơ quan hành chính phường rộn rã hẳn. "Nữa hả, chúc mừng nha", một người nói. "Lại nhịn ăn sáng 2 tuần đúng không", người khác thêm vào. Theo nhiều người Sài Gòn, một trong những nguyên nhân khiến chuyện ăn cưới trở thành nỗi lo vì tiền mừng cưới giờ đây không là 100.000 đồng hay 200.000 đồng như mấy năm trước, mà phải hơn. "Vừa tổ chức cưới xong nên tôi biết, một bàn tiệc cho 10 người giá bình dân, chưa kể tiền nước uống cũng đã ngoài 2 triệu đồng. Đó là chưa kể các nhà hàng sang trọng hơn mỗi bàn đến 5-7 triệu đồng. Nếu đi tiền mừng như trước thật khó coi", Tuyết, nhà ở quận 12 nói. Với tiền mừng cưới ít nhất phải 300.000 đồng trở lên như hiện nay, nhiều người cho rằng nếu "được" mời 10 thiệp hồng thì tiền thưởng lương tháng 13 không đủ. Yến - Khoa - Huân, nhóm công nhân làm việc tại khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, cho biết, chỉ cần đi vài đám cưới là không còn tiền xe về quê ăn tết. "Trong thế bí, chúng em chỉ dự những đám thật thân thiết, còn những người ít gặp mặt, đành phải gửi 100.000", một bạn nói. Thừa nhận rất khó lòng từ chối khi đã được mời cưới, song nhiều người cho rằng, không ít lần họ ngạc nhiên bởi được có người không quá thân cũng gửi thiệp mời tiệc. "Mới gặp được một lần, thậm chí tôi còn chưa biết cô ấy làm việc ở đâu, vậy mà đùng cái mời đám cưới. Không đi không được, mà đi thì cũng ngại", anh Hòa nhà ở Phú Nhuận nói. Cùng tâm trạng với anh Hòa, chị Thủy ở quận 5 cũng phân bua cảnh bị rải thiệp. "Thật lạ khi chả thân thiết gì, xa nhau gần chục năm rồi không qua lại vậy mà người ta vẫn mời cả hai vợ chồng tôi", chị Thủy nói. Hiểu tình cảnh "méo mặt" khi liên tục được mời cưới, vợ chồng An - Hạnh cưới nhau hồi tháng 9 cho biết, để khách mời không bị ngán, tốt nhất cô dâu chú rể không nên tổ chức tiệc vào tháng cao điểm. "Lễ cưới có thể thực hiện đúng ngày, nhưng tiệc thì do mình lựa chọn nên có thể linh động. Tốt nhất nên tránh tháng cuối năm vì lúc này mọi người còn phải chuẩn bị tiền tiêu tết. Niềm vui sẽ không trọn vẹn khi trong tiệc cưới của mình mà lại nghe đâu đó vài tiếng than", An nói.
Theo Thiên Chương (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm