Cứ như vầy hoài thì liệu có ổn không?

Công việc cuối năm nhiều nên chủ nhật vẫn phải làm, buổi chiều tôi đã gọi điện dặn anh ăn cơm trước, cơm canh có sẵn, cha con cứ hâm nóng lại mà ăn, đừng chờ vì xong việc mẹ còn phải đi siêu thị mua đồ ăn cho cả tuần. Vậy mà cha nạnh con, con chờ cha, cuối cùng thà nhịn đói chứ không đi dọn cơm.

Nếu như mọi ngày thì có lẽ tôi cũng lụi cụi đi hâm đồ ăn, dọn cơm rồi kêu cha con xuống ăn, nhưng lần này, tôi nhất quyết không làm. Tôi bới chén cơm ăn tạm rồi lo sắp xếp đồ đạc vô tủ lạnh. “Xong chưa em? Sao lâu vậy?”. Có tiếng anh vọng xuống. Tôi làm thinh.

20 năm chồng vợ, anh đã quen với việc vợ nấu cơm, dọn sẵn lên bàn rồi gọi: “Anh ơi, xuống ăn cơm”. Con trai anh học theo cha, cứ dán mắt vào máy tính, chờ mẹ gọi. Nhiều hôm có việc, dặn ăn trước nhưng về tới nhà, mạnh cha cha nhăn, mạnh con con càu nhàu “đói muốn chết!”.

Những năm đầu mới cưới, tôi thất nghiệp, anh bảo cứ ở nhà đẻ con cho anh, mọi việc có anh lo. Thấy mình rảnh rỗi, tôi vui vẻ làm mọi thứ và xem đấy cũng là một công việc như đi ra ngoài kiếm tiền. Nhưng dần dần, tôi chợt nhận ra, nếu chỉ suốt ngày giam mình trong 4 bức tường, rồi cơm nước, chợ búa, giặt đồ, lau nhà, thông cống… thì cuộc đời mình cũng tù mù như vậy. Thế là sinh xong đứa thứ hai, tôi nhất quyết đi làm.

Bỏ việc gần 5 năm, đến khi đi làm lại thì bị lụt nghề, tôi lại phải bắt đầu từ con số không. Với người khác thì có lẽ không vất vả như vậy, nhưng với tôi thì “trần ai lai khổ” bởi cái chuyện đi làm là ngoài ý anh nên chẳng bao giờ anh phụ giúp bất cứ chuyện gì. Buổi tối anh đi chơi thì tôi phải gởi con về nhà nội ngoại để đi học thêm; buổi trưa chiều, anh cứ về tới nhà là có cơm canh chờ sẵn, không cần biết vợ có mấy tay, mấy chân mới có thể làm hết từng ấy việc.

Khi nghe tôi than mệt, anh hay bảo: “Em cứ ở nhà, anh sẽ trả lương cho em gấp đôi”. Nhưng tôi nhất quyết rồi, có trả gấp năm, gấp mười tôi cũng không chịu bởi tôi muốn hòa nhập với xã hội chứ không muốn thu mình như con cuốn chiếu. Anh nghe vậy thì bực bội: “Mặc xác em”.
Sự khinh miệt của chồng khiến tôi càng quyết tâm. Tôi chẳng nề hà chuyện lớn, chuyện nhỏ ở công ty; sếp giao việc gì tôi cũng cố hết sức để làm. Lại thêm tôi rất yêu thích công việc kế toán của mình nên làm rất chu đáo, cẩn thận… Đó chính là nguyên nhân khiến tôi cứ liên tục được đề bạt. Nhưng điều đó tôi chẳng thể chia sẻ với ai bởi anh đâu có quan tâm?

Một hôm, có người bạn cũ tới chơi, trong lúc nói chuyện, anh bạn hỏi tôi làm gì, tôi bảo làm giám đốc tài chính của công ty. Chồng tôi trợ tròn mắt khi nghe như vậy. Có thể mọi người không tin nhưng từ khi tôi đi làm, anh chưa bao giờ hỏi han công việc, tiền lương của tôi. Có lẽ, anh nghĩ, mọi thứ trong nhà đã có anh lo, tôi đi làm chỉ là để thỏa mãn ý thích “được ra ngoài xã hội” của mình.

Sau bữa đó, anh vờ như tiện thể hỏi thăm: “Bên công ty anh khó khăn nên giảm lương nhân viên quá trời; bên em có vậy không?”. Tôi lắc đầu: “Bên em không cắt mà còn tăng thêm vì công ty đẩy mạnh bộ phận kinh doanh, mở rộng thị trường trong nước…”. Anh nghe tôi nói một cách chăm chú rồi đột ngột hỏi: “Vậy chớ lương em giờ được mấy triệu?”. Tôi thật thà: “Tổng cộng mọi thứ, chắc được chừng 40 triệu”. Anh trố mắt: “40 triệu một năm hả?”. Tôi lắc đầu: “Không, 40 triệu một tháng”.

Tôi cứ tưởng khi biết như vậy thì anh sẽ “nể nang” vợ hơn; không ngờ từ bữa đó, tôi làm cái gì anh cũng cạnh khóe, mát mẻ: “Biết em giỏi rồi, biết em làm nhiều tiền mà…”. Tôi nghĩ, chắc là anh tự ái vì lương mình bây giờ không bằng một phần tư của vợ nên hết sức giữ ý. Việc ở công ty bù đầu bù cổ nhưng nhà cửa, cơm nước tôi không dám lơ là vì sợ anh bảo mình làm ra tiền rồi lên mặt làm phách. Tôi chỉ dám thuê người giúp việc lau nhà và ủi quần áo mỗi tối, còn tất cả chuyện khác từ đi chợ, nấu cơm, giặt quần áo và những thứ công việc không tên khác tôi đều phải tự tay làm lấy.

Anh không chia sẻ mà đương nhiên xem đấy là “thiên chức” của đàn bà. Chính vì cái “thiên chức” ấy mà mới ngoài bốn mươi, tôi đã không còn chút cảm hứng nào trong chuyện vợ chồng. Đặt lưng xuống giường, tôi chỉ muốn ngủ…ngủ…

… “Ủa, sao em không làm cơm?”- chờ mãi không thấy vợ gọi, anh mò xuống bếp. Tôi trừng mắt: “Có tay, có chân thì tự làm lấy mà ăn; không ai rảnh đâu mà hầu hạ”. Anh cũng trợn tròn mắt: “Em sao vậy?”. Tôi quát lên: “Trăng sao gì! Tôi đâu phải ô shin! Từ nay, không có cơm nước gì nữa; ai đói thì tự nấu mà ăn, có đồ sẵn trong tủ lạnh”…

Anh lẳng lặng lấy thức ăn hâm lại rồi gọi con xuống ăn. Lúc đó đồng hồ đã chỉ 11 giờ đêm…

Chẳng biết anh nghĩ gì mà tối đó ôm gối ra phòng khách ngủ. Tôi thật sự thấy rất khỏe trong người vì không bị quấy rầy…
Nhưng mà cứ như vầy hoài thì liệu có ổn không?
Theo Hoài Nam (NLĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm