Cả giận, mất khôn

Chị Tr. và anh H. ngụ quận Phú Nhuận - TPHCM, sau khi kết hôn vào năm 2002 được cha mẹ chồng cho nhà đất và tạo vốn mở công ty kinh doanh địa ốc. Anh H. làm giám đốc, chị Tr. ở nhà nội trợ nuôi con và cũng là thành viên trong công ty, giữ chức danh phó giám đốc. Cuộc sống vợ chồng thời gian đầu yên ấm và họ đã có hai con, công ty cũng ăn nên làm ra. Mãn nguyện về tài năng của chồng và điều kiện kinh tế gia đình, mọi chuyện kinh doanh chị Tr. đều giao phó cho chồng.

Quyết dứt tình, “quên” án phí cao

Năm 2009, anh H. lập thêm chi nhánh tại Bình Dương và thời gian dành cho công việc làm ăn ngày càng nhiều, không ít đêm anh H. ở lại Bình Dương. Cho đến một ngày có người báo cho chị Tr. biết anh “phải” ngoại tình với cô kế toán. Chị Tr. gửi con cho ông bà ngoại, đến Bình Dương “trường kỳ mai phục” và đã bắt quả tang hai người chung sống như vợ chồng. Đau đớn vì bị phản bội, chị Tr. về làm ầm ĩ với gia đình chồng, kể hết sự việc cho nhân viên trong công ty và các đối tác làm ăn của chồng.

Mặc dù anh H. đã xin được tha thứ và gia đình hai bên cũng khuyên ngăn, xin cho anh H. cơ hội để khắc phục lỗi lầm, chị Tr. quyết định đơn phương ly hôn. Chị bồng bế hai con ra ngoài thuê nhà ở, cắt đứt mọi liên lạc với chồng.

Tại tòa, anh H. xin thẩm phán cho cơ hội và thời gian để các bên suy nghĩ lại, vì con mà hàn gắn, đoàn tụ vợ chồng, tuy nhiên chị Tr. vẫn không đổi ý. Quyết tâm ly hôn của chị còn thể hiện ở chỗ chị đã chấp nhận đóng tiền tạm ứng án phí để nhờ tòa án chia tài sản chung của vợ chồng. Theo hướng dẫn của tòa, chị Tr. đã tranh chấp tài sản của cá nhân và cả tài sản của công ty mà chị là thành viên góp vốn. Tổng số tiền tạm ứng án phí đã đóng cho hai vụ án (ly hôn và kinh tế) lên đến cả trăm triệu đồng.

Trước tình cảnh này, anh H. cho rằng dù lỗi bắt đầu từ anh nhưng do vợ càng lúc càng quá đáng nên anh cũng không hợp tác trong việc chia tài sản. Vụ kiện căng thẳng đến mức thẩm phán phải làm việc với từng bên và phân tích cho các bên thấy ngọn ngành: Nếu đưa ra xét xử, các bên phải đóng án phí rất lớn, chưa kể trước đó cũng phải nộp chi phí kiểm toán hoạt động của công ty; phần tài sản chung phải chia đôi theo luật định, việc tranh chấp kéo dài chỉ làm cho các bên tốn nhiều thời gian, công sức, tiền của.

Sau nhiều lần tác động, cùng với kinh nghiệm hòa giải của thẩm phán, anh H. và chị Tr. đã chịu ngồi lại với nhau, thỏa thuận được về việc ly hôn, nuôi con và chia tài sản. Chị Tr. rút đơn khởi kiện về chia tài sản công ty, rút yêu cầu chia tài sản của vợ chồng, tuy nhiên toàn bộ tiền tạm ứng án phí đã bị sung công quỹ.

Tiếc đứt ruột vì cố tình vắng mặt

Tương tự hoàn cảnh của chị Tr., chị N. ở quận Tân Phú - TPHCM sau ly hôn cũng có những thắc mắc về án phí và các chi phí phát sinh từ vụ kiện nên đã tìm đến luật sư tư vấn.

Chị kể: “Sau khi phát hiện chồng ngoại tình, tôi chủ động sống ly thân. Cách đây một năm, ông xã tôi có về gặp tôi bàn giải quyết việc ly hôn và tự thỏa thuận chia tài sản. Anh ấy thuê cả luật sư để động viên, thuyết phục tôi tự giải quyết việc chia tài sản nhằm có lợi cho cả hai bên. Tuy nhiên, lúc đó tôi rất nóng giận, đã xé đơn và không quan tâm gì đến việc chia con, chia của… Tôi nói với anh ấy muốn ly hôn thì cứ đơn phương làm đơn, tôi sẽ hầu tòa, tài sản và con cái cứ giải quyết theo pháp luật.

Vì tôi bất hợp tác nên anh ấy đã nhờ luật sư làm các thủ tục ly hôn đơn phương và yêu cầu tòa án giải quyết chia đôi khối tài sản chung. Nhiều lần hòa giải tôi cố tình vắng mặt, cuối cùng tòa đưa vụ án ra xét xử. Khi tòa tuyên án tôi mới biết mình được chia phân nửa giá trị căn nhà là 3,5 tỉ đồng nhưng phải đóng tiền án phí 102 triệu đồng. Tôi nhờ luật sư xem tòa tính như vậy có đúng không và có thể kháng cáo được không”.

Khi xem bản án, luật sư khẳng định tòa án đã tính đúng theo quy định của Pháp lệnh về án phí, lệ phí tòa án hiện hành. Theo luật sư, nếu các bên yêu cầu cơ quan thi hành án thi hành việc chia tài sản thì còn phải nộp 3% phí thi hành. Nghe thế, chị T. mới thấy tiếc… đứt ruột!

Theo PNO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm