Bất ngờ bị chồng kêu ký đơn ly hôn

Điều đầu tiên mà bạn nên làm là… bình tĩnh, điều mà khó có người vợ nào còn yêu chồng có thể làm tốt được vào đúng lúc đó, nhưng hãy cố. Và nếu được, bạn hãy giữ vẻ mặt bình thản nhất mà bạn có thể có được. Đừng khóc, vì nước mắt sẽ không giải quyết được gì nếu như bạn và chồng bạn quá hiểu nhau trước đó.

Không hỏi han, chất vấn lôi thôi

Kế đến, việc cần thiết mà bạn nên làm là cầm và đọc qua cái đơn ly hôn để nắm rõ được sự việc, mà chủ yếu là lý do mà chồng bạn nêu ra để ly hôn. Ngay lúc đó bạn không nên hỏi chồng những câu đại loại như “Cái gì đây anh?”, “Tại sao anh lại làm như vậy?”, “Anh chán em hay sao?”… Bởi vì một khi muốn ly dị và viết hẳn cái đơn đưa cho bạn thì chắc chắn chồng bạn đã có thời gian chuẩn bị tâm lý, kể cả những “lý do lý trấu” để giải thích hành động “dứt tình” của mình. Nếu còn muốn níu kéo cuộc hôn nhân thì bạn phải hạn chế gây xích mích với chồng, mà cứ hỏi han, chất vấn lôi thôi thì rất dễ kéo cả hai vào một cuộc cãi vả không cần thiết.

Kêu chồng “đình chiến”

Khi đã nắm được lý do mà chồng bạn đưa ra để ly hôn (trong đơn xin ly hôn thường người ta không viết đầy đủ hoặc chính xác lắm mà chỉ ghi chung chung như đời sống chung không hòa hợp, mâu thuẫn về quan niệm sống, mâu thuẫn về cách xài tiền… và rất ít khi nêu ra lý do rằng họ đã có “người thứ ba”), bạn nên bắt đầu có kế hoạch “đình chiến”. Bạn hãy nói với chồng rằng bạn cần có thời gian suy nghĩ và đặt ra cái hẹn trả lời với chồng bạn, có thể là một tuần, một tháng hoặc vài tháng. Nên nhớ hôn nhân là sự việc trọng đại của cuộc đời, bạn không nên hấp tấp hẹn với chồng bạn thời gian trả lời quá ngắn trong vài ngày, bởi vì như thế bạn sẽ không có đủ thời gian để chuẩn bị và nếu không trả lời đúng hẹn thì lại đâm ra… lỡ hẹn.

Trong thời gian “đình chiến”, bạn nên đối xử với chồng “tương kính như tân”. Không trách móc, không phàn nàn, không kỳ thị và vẫn giữ tình cảm yêu thương như trước. Ngoài ra, bạn cũng nên tôn trọng chồng nếu anh ấy muốn có chút không gian riêng để mà nghỉ ngơi hay suy nghĩ.

Kiếm “quân sư”

Trước vấn đề lớn lao như ly hôn, người vợ phải hiểu là cả gia đình mình (bao gồm chồng bạn, bạn và các con) sẽ bị ảnh hưởng rất lớn từ việc đó nếu nó thành sự thực. Kể cả khi người vợ hoàn toàn có đủ lực về kinh tế để lo cho các con và bản thân người vợ có thể đối mặt với cuộc sống đơn thân trong tương lai thì viễn cảnh “gà mái nuôi con” cũng chưa chắc đã êm ả.

Bạn hãy tìm gặp một chuyên gia pháp lý (có thể là luật sư, bạn bè hiểu về luật, đọc sách luật…) để nắm được hoàn cảnh pháp lý của mình. Về nguyên tắc, theo Điều 85 Luật Hôn nhân và gia đình, vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu tòa án giải quyết việc ly hôn. Trong trường hợp vợ có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn.

Như vậy, nếu người vợ mới sinh con và con chưa đủ 12 tháng tuổi thì người chồng không có quyền đơn phương xin ly hôn. Điều hạn chế này không ràng buộc đối với người vợ. Người vợ có quyền xin ly hôn bất cứ lúc nào, kể cả khi cô ấy đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi lẫn khi con đã đủ 12 tháng tuổi trở lên.

Mặt khác, người vợ nên nhớ là một khi cả hai cùng ký vào đơn xin ly hôn nghĩa là cả hai cùng muốn ly hôn (trường hợp này sẽ dễ dàng được tòa án giải quyết cho ly hôn hơn là một bên nộp đơn xin ly hôn còn bên kia thì vẫn muốn duy trì hôn nhân). Khi đó dù người vợ đang mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi thì người chồng vẫn có quyền nộp đơn ra tòa xin ly hôn. Lúc đó nếu ra tòa mà người vợ vẫn muốn tiếp tục chung sống với chồng thì phải giải thích cho tòa hiểu về việc vì sao lại đồng ý ký tên vào đơn xin ly hôn, rất rối. Vì vậy, nếu bạn chưa thực sự muốn ly hôn thì đừng nên vội ký vào đơn ly hôn mà chồng bạn đưa cho bạn ký. 

Một vấn đề nữa là con chung. Nếu vợ chồng chỉ có một đứa con và đứa con đó dưới 36 tháng tuổi thì Luật Hôn nhân và gia đình quy định đương nhiên giao mẹ nuôi (trong điều kiện bình thường và người mẹ không bị bất kỳ hạn chế nào về quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con). Nếu con đủ 9 tuổi trở lên thì khi quyết định giao cha hay mẹ nuôi, tòa sẽ tham khảo ý kiến của bé. Nhưng nếu có hai con chung trở lên và trong đó có một bé trên ba tuổi thì người vợ sẽ phải đối mặt với cảnh “tan đàn xẻ nghé” vì tòa có thể chia con ra, giao chồng nuôi một đứa.

Tự xét lại mình

Rất nhiều trường hợp người chồng muốn ly hôn khi đã có người tình mới do "chán cơm, thèm phở". Vì thế, khi nhận được đơn ly hôn của chồng, người vợ nên tự xét lại mình xem có phải vì mình sinh con, ít chăm lo nhan sắc nên diện mạo “lụi xụi” làm chồng chán hay không. Nếu có, bạn hãy mau chóng thay đổi mình, chăm chút cho bên ngoài hơn.

Còn nếu biết chắc chồng mình đã có nhân tình mới và cuộc hôn nhân đã “hết thuốc chữa”, có hai cách để người vợ lựa chọn. Một là “chấp nhận thương đau” đồng ý ký tên vào đơn ly hôn và chia tay êm đẹp. Hai là… năn nỉ chồng tiếp tục chung sống với mình để cùng chăm lo cho con, dù chỉ là trên danh nghĩa thôi, còn cuộc sống riêng tư của anh ta với nhân tình thì mình “biết nhưng coi như không thấy”.

TIỂU NGỌC

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

(PLO)- Chủ nuôi chó, mèo phải đáp ứng điều kiện nuôi để chính quyền dễ quản lý, giảm tình trạng một nhà nuôi số lượng lớn làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.