Bắt dâu, bắt rể: vì con hay vì mình?

Không ở rể, bất thành hôn nhân?

Ngày yêu nhau khi còn là sinh viên trường trung cấp Cảnh sát, Lan và Sơn (tên các nhân vật trong bài đều được thay đổi) đã gặp sự phản ứng từ phía gia đình Lan. Lan là con gái út của một cán bộ công an cao cấp ở Hậu Giang, muốn con học xong là về quê ngay để công tác gần gia đình. Nên ngay từ lần thứ hai về nhà người yêu, Sơn đã bị “cảnh báo”: không về miền Tây là không cho cưới! Đến khi ra trường, Lan về công tác trong cùng cơ quan cha, còn Sơn ở lại thành phố nhận công tác. Biết người yêu không muốn lệ thuộc nhà vợ, Lan bàn với Sơn “trá hàng”, hứa đại là sẽ về quê vợ công tác, hy vọng vài năm sau cha mình sẽ đổi ý.

Đám cưới được tổ chức, nhưng ba năm trôi qua Lan và Sơn vẫn sống cảnh vợ chồng ngâu, vài tháng gặp nhau một lần, vì Sơn nhất quyết không “dựa hơi” nhà vợ, còn gia đình Lan liên tục hối thúc! Lan đâm ra buồn bã, bế tắc. Cô chưa dám có con vì chưa biết tình hình sẽ đi về đâu.

Bắt dâu, bắt rể: vì con hay vì mình? ảnh 1
Minh Vân lấy chồng là bạn cùng lớp đại học. Chồng Vân là con trai duy nhất trong nhà, nên Vân phải về làm dâu. Nhà chồng ở quận 12, trong khi Vân là cán bộ khoa học ở một sở ngay trung tâm thành phố. Mỗi ngày gần 40 cây số đi về trong kẹt xe, bụi bặm, về nhà còn phải lau nhà quét dọn cơm nước, Vân kiệt sức, không dám có con. Thấy con dâu cưới đã hai năm chưa có “động tĩnh” gì, mẹ chồng Vân lên tiếng xa gần. Mẹ chồng người Bắc, Vân là con gái miền Trung, quan điểm và sinh hoạt có nhiều khác biệt, cộng thêm chuyện con cái, mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu có lúc “căng như dây đàn”. Lại thêm chồng Vân quen nghe lời mẹ, nên nhiều lúc Vân thấy mình hụt hơi. “Con tôi sao tôi không có quyền?”Bà Nhung ở Vũng Tàu, một mình nuôi con gái, cố gắng lo cho con du học ở Thuỵ Sĩ, không ngờ, con bà sau mấy năm học ở nước ngoài không chịu về Việt Nam. Khóc hết nước mắt, cuối cùng, cô con gái đồng ý về nước làm việc với điều kiện: không ở chung với mẹ! Nói là làm, khi về nước, con gái bà Nhung thuê một căn hộ ở riêng. Khi con gái có người yêu, bà Nhung tích góp xây một biệt thự hoành tráng, nghĩ rằng con gái lấy chồng xong sẽ về sum họp chung trong cơ ngơi này. Không ngờ, cưới xong, hai vợ chồng vẫn nhất quyết không về ở với mẹ. Lý giải, cô nói: “Mình quen sống ở nước ngoài, ăn món Tây, nói chuyện kiểu Tây, mẹ thì “rặt” Việt Nam, suốt ngày nghe nhạc tiền chiến, ăn cơm cá kho, để ý từng chuyện cư xử nói năng, đi thưa về trình. Mình khó chịu một đằng, chồng mình khó xử hơn. Thôi nhà ai nấy ở, cho đỡ phiền!” Vì vậy, một tuần bà Nhung chỉ được gặp con gái và cháu vào thứ bảy hoặc chủ nhật. Bà bức xúc: “Con tôi mang nặng đẻ đau ra mà sao tôi không có quyền gì với nó?” Vợ chồng bác Bình (quận Tân Bình) năm nay đã ngoài 70. Ba con gái lớn đã lập gia đình, ra riêng. Đến khi cưới được vợ cho con trai út, bác đã hao tâm tổn sức rất nhiều. Cô dâu này của bác thoả mãn các điều kiện khắt khe: có học thức, xinh xắn khoẻ mạnh, tính tình lễ phép, gia đình nề nếp, lại quê ở tỉnh nên về làm dâu cũng là đương nhiên. Tuy nhiên, càng ở thì lại càng rối. Bác Bình than thở: “Tôi nuôi con trai từ nhỏ, cơm bưng nước rót tận miệng, quần áo phẳng lì, tối còn giăng màn sẵn, chỉ chui vô là ngủ. Tưởng cưới dâu thì đỡ cực hơn, ai dè thành ra phải chăm hai đứa! Con dâu tôi cũng chịu làm, nhưng hổng có cái gì ra cái gì hết! Lau nhà thì chỗ ướt chỗ khô, nấu cơm bữa sống bữa khét, cả nhà tôi ăn ngon ở sạch đã quen, nên không khỏi khó chịu. Để con dâu làm thì mình phải làm lại, nhiều khi còn cực hơn, nhưng mình chăm cả con dâu thì quá kỳ! Nhiều lúc cũng muốn cho chúng nó ra riêng quách, nhưng vợ chồng già tuổi cao, lại có mụn con trai, mình không thúc nó sinh em bé, không chăm sóc con cháu mình, giao cho con dâu không biết ra sao, thà mình chịu khó cực một chút!” Trong khi đó, con dâu bác Bình, chị Yến Tuyết, ngày nào cũng đòi ở riêng, nhưng cũng chỉ dám nói với... chồng!
Theo Ngô Phương Thảo ( SGTT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm