Sửa quy định để phạt nghiêm hơn!

Sửa quy định để phạt nghiêm hơn! ảnh 1

Trong nhiều hành vi thì Nghị định 34 đã có nâng lên so với Nghị định 146/2007. Ảnh minh họa: AT

Có đến 288 người chết do tai nạn giao thông trong sáu ngày tết Tân Mão. Thông tin không vui này càng cho thấy việc Bộ Giao thông vận tải chuẩn bị trình Chính phủ chỉnh sửa, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2010/NĐ-CP (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ) được báo Pháp Luật TP.HCM đăng tải trước tết là rất cần thiết.

Về tiền phạt, trong nhiều hành vi thì Nghị định 34 đã có nâng lên so với Nghị định 146/2007. Chẳng hạn, phạt 600.000-800.000 đồng đối với ôtô vượt đèn đỏ (quy định cũ chỉ phạt 200.000-400.000 đồng); phạt 100.000-200.000 đồng đối với người điều khiển xe máy chở trẻ em trên sáu tuổi không đội mũ bảo hiểm v.v… Thế nhưng đối với hình thức xử phạt bổ sung thì Nghị định 34 lại có phần nương tay hơn. Như biện pháp giam xe (tạm giữ phương tiện) - luôn làm nhiều người ngán ngại gấp nhiều lần so với việc phải nộp tiền phạt - đã được giảm thiểu hoặc quy định chung chung, khó áp dụng. Các quái xế đua xe (ngoại trừ trường hợp tái phạm hay chống người thi hành công vụ) không còn bị giam xe như lúc trước; người chạy xe bốc đầu, buông cả hai tay, nằm trên yên xe, dùng tay vào số, dùng chân điều khiển xe, lạng lách hoặc đánh võng trên đường từ chỗ bị tước bằng lái trong 90 ngày giờ được giảm xuống 60 ngày nên đâm ra không sợ. Nếu Nghị định 146 quy định nhiều thời hạn giam xe ngắn, dài khác nhau đối với một số loại vi phạm cụ thể thì Nghị định 34 chỉ quy định một thời hạn giam xe (10 ngày) đối với một số loại vi phạm nghiêm trọng. Đáng nói là đối với hành vi vượt đèn đỏ vốn diễn ra nhan nhản, từ chỗ có thể bị giam xe 30 ngày theo Nghị định 146 thì giờ người vi phạm chỉ phải nộp phạt theo khoản 1 Điều 54 Nghị định 34.

Theo đánh giá của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông đường bộ dịp tết chủ yếu do sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Tức đa phần là các nguyên nhân chủ quan từ phía người điều khiển xe. Nếu mức phạt dành cho người vi phạm luật giao thông không được kịp thời điều chỉnh để tăng sức răn đe thì chắc chắn số người chết liên quan tiếp tục là những con số lớn và tai nạn giao thông sẽ tiếp tục là một thảm họa của đất nước.

Hiểm nguy chực chờ từ sự thiếu ý thức

Chi tiết “một trong các chiếc xe ở hướng ngược lại không chịu lùi để nhường đường…” trong bài “Tai nạn cầu Ghềnh: Nhân viên gác chắn sai sót!” (Pháp Luật TP.HCM ngày 8-2) làm tôi nhớ đến một tình huống mà chính mình là người trong cuộc. Trước tết, khi về quê ở miền Tây để tảo mộ, chiếc xe du lịch chở tôi có đi qua một chiếc cầu không đủ rộng để hai ôtô ngược chiều thong thả đi qua cùng lúc. Ấy thế, khi xe của tôi đã chạy lên nửa cầu thì phía chiều ngược lại, một ôtô khác vẫn tiếp tục chạy lên. Mặc dù tài xế xe tôi có ra dấu để tài xế xe bạn lùi lại nhường đường nhưng tài xế này vẫn tiếp tục rồ ga chạy sát vào xe tôi khiến các hành khách trên cả hai xe đều muốn đứng tim.

Sáng mùng năm tết, tôi nhìn thấy dưới chân cầu Nhị Thiên Đường một người đàn ông luống tuổi cầm bịch đồ ăn sáng leo qua con lươn để sang đường bên kia. Qua cung cách của ông, người đi đường có thể suy đoán ông vẫn thường xuyên leo như thế bất kể các dòng xe qua lại đông đúc. Cũng trên chân cầu này, một thanh niên tỉnh queo đi bộ dưới lòng đường mặc dù ở vỉa hè đang rất trống trải. Tại đường Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình), khi thấy một CSGT quơ gậy ra hiệu dừng lại, một thanh niên chạy xe máy đã rồ ga chạy tiếp trước ánh mắt giận dữ của viên cảnh sát.

Theo Bộ GTVT, rất khó xử phạt người đi bộ qua đường không đúng nơi quy định hay những người lớn chở trẻ em trên sáu tuổi không đội mũ bảo hiểm… Tôi cũng hiểu CSGT không thể có mặt mọi lúc mọi nơi để khi cần là ra tay ngay. Nhưng nếu lực lượng này thiếu mẫn cán và pháp luật cũng không có những quy định phù hợp hỗ trợ thì người thiếu ý thức vẫn cứ tiếp tục thiếu ý thức và những người chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông luôn có khả năng bị mất an toàn khi lưu thông trên đường.

NGÂN HÀ

THANH HOÀNG (TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm