Sao nỡ bỏ mặc người gặp nạn?

Bài “Hậu quả xấu từ sự thờ ơ” đăng trên số báo hôm qua (Pháp Luật TP.HCMngày 13-4) làm tôi nghĩ ngợi rất nhiều. Dù sự việc xảy ra đã lâu nhưng người anh họ của tôi vẫn luôn tự trách mình mỗi khi nhớ lại. Hơn 10 giờ đêm đó, khi cùng vợ đi đám cưới về, ông ấy chứng kiến một vụ tai nạn giao thông do hai xe gắn máy đụng nhau. Trên con đường vắng, hai nạn nhân nằm co giật...

Ông đã kịp thời dừng xe để tính chuyện cứu giúp người bị nạn. Nhưng có lẽ vì sợ hãi, vợ ông không đồng ý và thúc giục ông mau chóng đi về nhà. Theo lẽ phải thuyết phục vợ suy nghĩ lại, không hiểu sao đầu ông lại thoáng một chút bối rối, lo âu, ngại bị liên lụy và ông đã rồ ga đi tiếp. Sau này, để lương tâm đỡ bị giày vò, ông cứ tự trấn an hai nạn nhân ấy đã được ai đó tốt bụng đến giúp đỡ và vẫn bình an vô sự.

Sao nỡ bỏ mặc người gặp nạn? ảnh 1

Thấy người phụ nữ này sợ xe, một nữ sinh đã đến giúp bà băng qua đường. (Ảnh chụp trưa 13-4 tại ngã ba cư xá Đồng Tiến-Thành Thái, quận 10) Ảnh: THÁI HIẾU

Câu chuyện của anh họ tôi không hề là cá biệt. Là một giáo viên có hơn 30 năm gắn bó với công việc giảng dạy, tôi cho rằng sự vô cảm đang ngày càng phổ biến trong xã hội. Nguyên do chủ yếu xuất phát từ chỗ hệ thống giáo dục của ta còn chưa chú trọng đến việc dạy và học môn đạo đức (giáo dục công dân) cho lớp trẻ từ trên ghế nhà trường phổ thông.

Ở cấp tiểu học, các em học sinh đã được thầy cô rèn luyện đạo đức qua những bài học về tính thật thà, lòng dũng cảm, tình bạn, tình cảm gia đình, tình yêu quê hương, đất nước… Tuy nhiên, chương trình giáo dục công dân từ lớp 6 đến 12 lại chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của các em trong độ tuổi còn nửa khôn nửa dại này. Mặc dù phải bắt đầu tự thân giải quyết các tình huống trong cuộc sống nhưng các em thiếu sự quản lý hoặc trợ giúp của thầy cô, cha mẹ. Các khiếm khuyết này đã đưa đẩy các em có hành vi xử lý sai lệch, gây ra những hậu quả tiêu cực.

Theo tôi, chương trình giáo dục công dân trong nhà trường nên biết cách lồng ghép những sự việc có thật diễn ra hằng ngày để truyền đạt kinh nghiệm ứng xử cho các em. Chương trình này không nên theo hướng nói suông hoặc theo kiểu “đao to búa lớn” mà hãy là “mưa dầm thấm đất”. Từng bài học được thể hiện qua những việc làm cụ thể và những hành động thiết thực. Cha mẹ làm gương cho con cái, thầy cô mẫu mực trước học trò, người lớn tạo niềm tin cho lớp trẻ… Dựa trên những nền tảng này, các em mới có những hành động tích cực, không thờ ơ với những cái xấu trong cuộc sống.

Hơn ai hết, người lớn chúng ta phải biết làm gương. Đơn giản là khi bị va quẹt xe, mọi người chớ sửng cồ mà hãy cố gắng nhẫn nhịn bỏ qua cho đối phương. Khi bị công an thổi còi, người vi phạm luật giao thông phải biết dừng xe, sẵn sàng chấp nhận mọi hình thức xử lý của pháp luật... Trong thực thi pháp luật, các cơ quan chức năng phải nghiêm minh, rõ ràng để mọi công dân thấy rằng nếu làm đúng luật thì được bảo vệ, nếu làm sai luật thì phải nhận lãnh trách nhiệm. Điều này sẽ góp phần tạo ra những tác động tốt trong ý thức của người trẻ.

THU QUANG (Giáo viên Trường THPT Nguyễn Khuyến, quận 10, TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm