Rạc người vì thi cử

Đọc bài “Hụt hơi chạy trường cho con” (báo Pháp Luật TP.HCM ngày 23-6) rồi liên tưởng đến trường hợp của con mình, tôi thấy chuyện học thời nay làm khổ phụ huynh và học sinh quá đỗi.

Năm nay con tôi lên cấp 3 và cháu vừa trải qua kỳ thi vào lớp 10 trong hai ngày 21 và 22-6. Thế nhưng trước đó để thử sức mình, cháu đã mất khá nhiều công sức để thi vào một trường năng khiếu. Mặc dù được gia đình tạo thuận lợi hết cỡ để tập trung học hành nhưng áp lực thi cử vẫn đè nặng lên người cháu khiến thằng bé phờ phạc thấy rõ. Cháu tỏ ra căng thẳng, đôi khi mất ngủ…

Biết rõ sức học của con nên vợ chồng tôi không quá lo lắng đến chuyện đỗ đạt. Nhưng bạn bè tôi vẫn luôn băn khoăn việc lựa chọn các nguyện vọng vì không biết đã phù hợp chưa. Bởi trong nhiều năm trước, có một số học sinh giỏi đã không vào được lớp 10 công lập chỉ vì tính sai các nguyện vọng.

Rạc người vì thi cử ảnh 1

Cần có giải pháp tốt hơn để hạn chế áp lực lên phụ huynh và học sinh trong chuyện thi cử vào lớp 10. Ảnh: HTD

Điểm lại quá trình học tập của bọn trẻ, bất kỳ người lớn nào cũng dễ dàng liệt kê đủ thứ kỳ thi. Từ lớp 1 đến lớp 9, nhiều em hết thi tốt nghiệp tiểu học đến thi tốt nghiệp THCS, rồi thi tuyển vào lớp 10. Sau nhiều đợt cải tiến, giờ con tôi và các bạn đồng lứa chỉ phải thi vào lớp 10 và tới đây là vào đại học. Đồng ý là có nhiều trường dạy giỏi nhưng khả năng tiếp nhận có hạn nên việc thi tuyển là cần thiết để đảm bảo công bằng. Nhưng có giải pháp nào khác tốt hơn không để các em và phụ huynh không phải đau đầu với chuyện thi cử?

Qua báo chí, tôi được biết có nhiều địa phương áp dụng việc xét tuyển từ điểm của bốn năm học ở THCS để vào lớp 10. Tuy nhiên, theo đánh giá của những nhà quản lý, cách xét tuyển này chưa hẳn hợp lý vì cách cho điểm của thầy cô của nhiều trường không ai giống ai! Để có cơ sở đánh giá chuẩn kiến thức của học sinh thì không còn cách nào khác là phải thi tuyển.

Lý do này liệu có xác đáng và có nên duy trì trong thời gian dài? Theo tôi, mấu chốt trong việc này vẫn là chất lượng giáo dục của ta chưa cao. Bởi chương trình học hay cách chấm điểm đều đã có những quy định thống nhất từ trên đưa xuống. Vậy tại sao có những khác biệt trong đánh giá? Câu trả lời dường như nằm ở chỗ trường nào cũng muốn có thành tích cao để “khoe” với Bộ, rồi Bộ “khoe” với thiên hạ. Do chấm điểm nới tay nên không hẳn 100% em có điểm cao là học giỏi. Từ đó tạo ra nghi ngờ, không tin tưởng nhau giữa trường này với trường nọ. Trong nước còn không tin nhau, trách gì nước ngoài chê văn bằng của mình khiến các cử nhân của ta muốn được nước ngoài nhận vào làm việc đều phải nát óc thi lại các kỳ thi tương ứng do chính họ tổ chức thật nghiêm túc.

Nhất thiết ngành giáo dục phải có biện pháp để điểm số phản ánh đúng thực lực của học sinh và khi đó cứ theo điểm mà xét tuyển, hạn chế những áp lực, tốn kém không cần thiết.

PHẠM QUỲNH (Quận 2)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm