Quyền của người bệnh tới đâu?

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, các chuyên gia phân tích rõ hơn quyền, giới hạn của quyền khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) để mọi người biết và hợp tác tốt hơn trong quá trình KBCB.

Tôi có tiền, tôi có quyền chọn thầy thuốc?

. Phóng viên: Theo Luật KBCB 2009, bác sĩ (BS) được từ chối bệnh nhân (BN) trong trường hợp nào? Những trường hợp nào bắt buộc, không được từ chối?

+ TS-BS Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM: Điều 32 của Luật KBCB quy định người hành nghề KBCB được từ chối KBCB trong hai trường hợp sau: Thứ nhất, nếu trong quá trình KBCB mà tiên lượng bệnh vượt quá khả năng hoặc trái với phạm vi hoạt động chuyên môn của mình; thứ hai, nếu việc KBCB đó trái với quy định của pháp luật hoặc đạo đức nghề nghiệp. Trong trường hợp cấp cứu thì không được từ chối mà phải thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu, điều trị cho đến khi người bệnh được chuyển đi cơ sở khác.

+ BS Nguyễn Hữu Tùng, Phó Chủ tịch Hội Hành nghề y tư nhân TP.HCM: Thí dụ, một BS sản phụ khoa làm việc tại BV đa khoa tư nhân chẩn đoán một ca thai ngoài tử cung nhưng vì mức độ chuyên môn BS đó không thể mổ ca này, BS đó thực hiện ngay cuộc hội chẩn với BS chuyên môn hoặc với giám đốc chuyên môn và giám đốc BV để có một giải pháp thích hợp. Nếu BV không có đủ điều kiện thì phải chuyển BN đến một BV tuyến trên. Như vậy, một BS điều trị trong BV công hay tư đều phải thực hiện đúng quy chế chuyên môn của BV mà giám đốc là người chịu trách nhiệm ban hành quy chế đó.

. Nhưng người bệnh thường nói “tôi có tiền, tôi có quyền chọn thầy, chọn thuốc”. Vậy quyền này của người bệnh được hiểu như thế nào?

+ BS Nguyễn Hữu Tùng: Trong Điều 10 và 12 Luật KBCB chỉ nói về quyền người bệnh được chọn nơi KBCB và từ chối các dịch vụ chẩn đoán, thủ thuật, phẫu thuật chứ không đi sâu về chọn thầy thuốc mà mình muốn chọn. Giả sử BN biết đích danh BS nào đó và đề nghị BS đó trực tiếp điều trị cho mình nhưng BS đó tự nhận biết bệnh này quá khả năng hoặc tiên lượng quá trình điều trị khó khăn thì BS cũng có thể từ chối. Tuy nhiên, BS đó phải tìm giải pháp thay thế, đó là giới thiệu đến BV khác, đến BS đồng nghiệp có tay nghề cao hơn. Giải pháp này hiện đang được thực hiện ở nhiều BV.

+ TS-BS Bùi Minh Trạng: Người bệnh chỉ có quyền lựa chọn thầy thuốc khi cơ sở KBCB đưa ra danh sách để họ chọn (thường gặp trong KBCB dịch vụ theo yêu cầu).

Sự gia tăng về bệnh tật, sự quá tải BV đã biến mô hình chăm sóc sức khỏe nhân dân giống cơ chế “xin-cho”. Ảnh: TÙNG SƠN

Bác sĩ đã hoàn thành trách nhiệm

. Trong vụ xảy ra mới đây ở BV Phụ sản Trung ương, BS cho rằng mình bận và đây là ca bệnh dịch vụ nên từ chối. Ở đây có sự mâu thuẫn giữa quyền người bệnh và quyền của BS trong KBCB dịch vụ không?

+ TS-BS Bùi Minh Trạng: Trong trường hợp này tôi nghĩ không có gì mâu thuẫn. Nghề y là một nghề cũng mang tính nhân văn chứ không thuần túy kỹ thuật. BS không phải là máy móc, họ phải lường trước điều kiện của mình có phục vụ được BN hay không. Khi BS cảm thấy không thể phục vụ tốt cho BN phù hợp để được KBCB tốt hơn mình. Trong trường hợp này, BS đã tận tình hướng dẫn BN vào BV để được phẫu thuật sau khi được chẩn đoán bệnh. BS đã hoàn thành trách nhiệm của mình đối với BN, tức đã đưa ra chẩn đoán và cách thức điều trị là phẫu thuật. Tôi nghĩ vị BS trong trường hợp này ứng xử không trái với quy định và phù hợp thực tế.

+ BS Nguyễn Hữu Tùng: Theo tôi, ở đây có những vấn đề cần xem xét rõ hơn. Thứ nhất, BS giám đốc BV phụ sản có lịch mổ quá nhiều, ông e rằng không sắp xếp được thời gian để mổ cho BN có yêu cầu mình mổ. Trường hợp thứ hai, BS có thể sắp xếp được lịch mổ nhưng không muốn mổ cho BN này.

Ở trường hợp thứ nhất: Nếu trường hợp này thật sự xảy ra thì sự điều hành BV của BS giám đốc không cân đối. Vì vai trò của ông là người lãnh đạo, điều hành tất cả hoạt động BV chứ không phải chỉ có biết chuyên môn. Trong trường hợp BN tín nhiệm mình thì mình cũng phải dùng năng lực quản lý để giải thích, thuyết phục họ hãy tin tưởng vào tất cả BS của BV mình và cho BN biết khả năng của các BS trong BV cũng giống như mình, BN sẽ yên tâm hơn. Tôi nghĩ trường hợp này sẽ được lợi cả đôi bên. Trong trường hợp BV quá thiếu BS và đây là bệnh không cấp cứu thì nên sắp xếp một lịch mổ vào thời gian thích hợp. Nhưng tôi nghĩ BV sản phụ khoa ở một TP lớn thì BS chuyên khoa không đến nỗi thiếu. Ở đây về mặt quản lý BV, BS giám đốc có lẽ thiếu tự tin về đội ngũ BS của mình chăng?

Ở trường hợp thứ hai: BS có thể sắp xếp lịch nhưng không muốn mổ cho BN này, theo tôi đó cũng là quyền của BS - quyền từ chối KBCB. Tuy nhiên, cũng giải thích với BN và giới thiệu BS khác hay BV khác đúng chuyên khoa.

Công việc giám đốc BV: Luật còn thiếu

Công việc quản lý BV rất nặng nề, cần dành thời gian suy nghĩ làm sao để có thể cứu cho hàng trăm người bệnh an toàn và làm cho họ hài lòng chứ đâu chỉ là một người bệnh. Bên cạnh đó, người quản lý BV là người phải giải quyết những bức xúc của người bệnh khi có tình huống rủi ro xảy ra.

Có thể thấy rằng trong Luật KBCB chưa có quy định cụ thể công việc của giám đốc BV. Chẳng hạn như giám đốc có được tham gia khám, mổ hay không và khám, mổ được bao nhiêu trường hợp trong năm, trong tháng, trong tuần... Công việc giám đốc BV cụ thể ra sao, đó là điều khiếm khuyết của luật định cần bổ sung.

BS NGUYỄN HỮU TÙNG, Phó Chủ tịch Hội
Hành nghề  y tư nhân TP.HCM

Tôi xin được giải thích thêm về vấn đề phẫu thuật. Đối với người BS, tay nghề không phải cố định mà thay đổi tùy thuộc thời điểm. Nếu hôm đó thể lực hoặc tâm trạng không tốt thì không thể làm tốt được. Cái này giống như cầu thủ bóng đá, có trận phong độ nhưng cũng có trận không tốt. Có một việc bất thành văn trong ngành y, dù BS có giỏi đến đâu nhưng khi cha mẹ, vợ con cần phẫu thuật thì họ cũng nhờ đồng nghiệp thực hiện chứ không bao giờ đứng mổ cả.

Chúng ta không nên quá khắt khe và suy đoán không có căn cứ là BS cố tình từ chối do BN là nhà báo. Bởi vậy nếu tâm lý BS không ổn và từ chối phẫu thuật thì BN nên cảm ơn vì chắc chắn điều đó sẽ tốt cho BN.

TS-BS BÙI MINH TRẠNG, Chánh Thanh tra Sở Y Tế TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm