Phun nước bọt vào CSGT: Có dấu hiệu phạm tội làm nhục người khác

Nếu lâu nay xã hội luôn đòi CSGT phải có cách ứng xử văn hóa với người dân thì tại sao lần này một cá nhân lại bạo gan có hành vi xúc phạm người đang thi hành công vụ?

Không có điều kiện đi nhiều nơi, nhiều nước nhưng qua báo đài, tôi ghi nhận được thái độ tôn trọng của mọi người đối với lực lượng cảnh sát. Mà không nể phục sao được khi đó là những người đại diện cho chính quyền để thực thi pháp luật. Một khi chúng ta nghiêm túc tuân theo những mệnh lệnh, yêu cầu hợp pháp của họ thì có nghĩa là chúng ta đang thể hiện ý thức thượng tôn pháp luật.

Theo thông tin mới nhất, có thể các cơ quan pháp luật ở Hà Nội sẽ không xử lý hình sự đối tượng về tội chống người thi hành công vụ theo Điều 257 Bộ luật Hình sự. Trước mắt, ngoài việc bị xử phạt hành chính về hành vi vi phạm luật giao thông, đối tượng còn có thể bị xử phạt với mức phạt tiền tối đa là 3 triệu đồng về hành vi “có hành động lăng mạ, xúc phạm danh dự... người thi hành công vụ” theo khoản 2b Điều 38 Nghị định số 34 ngày 2-4-2010 của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ). Đã có ý kiến cho rằng mức phạt này cũng thỏa đáng vì 3 triệu đồng không hề là số tiền nhỏ. Nhưng với một sai phạm công khai trước bàn dân thiên hạ, dễ làm ảnh hưởng đến thanh danh của CSGT, có cách phạt nào nặng hơn để tăng sức răn đe hay không?

Phun nước bọt vào CSGT: Có dấu hiệu phạm tội làm nhục người khác ảnh 1

Khi bị lập biên bản vi phạm luật giao thông, ông Nguyễn Trình Thanh Phương (ngụ quận Ba Đình, Hà Nội) đã nhiều lần phun nước bọt vào một CSGT. Ảnh: Internet

Theo khoản 1 Điều 121 Bộ luật Hình sự, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm về tội làm nhục người khác. Nếu người bị xúc phạm là người đang thi hành công vụ thì đối tượng có thể bị xử nặng hơn theo khoản 2d điều luật này với mức phạt tù từ một năm đến ba năm.

Xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác có nghĩa là cố ý hạ thấp nhân phẩm, danh dự của người đó hoặc làm mất uy tín về nhân cách của người đó đối với những người xung quanh. Việc xúc phạm này có thể được thực hiện bằng lời nói hay bằng những hành động có tính chất bỉ ổi (như nhổ vào mặt, lột trần truồng người phụ nữ v.v…). Ở đây, từ chỗ có một hành vi vi phạm đầu tiên là không mang theo giấy đăng ký xe khi tham gia giao thông, đối tượng lại tiếp tục có một hành vi sai phạm khác là phun nước bọt vào một CSGT nhằm hướng đến một trong những mục đích xấu nêu trên. Như vậy, các cơ quan pháp luật ở Hà Nội hoàn toàn có đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm đối tượng về tội làm nhục người khác.

Thiết nghĩ muốn giữ được trật tự kỷ cương thì nhất thiết phải phạt mạnh tay. Nếu không chúng ta sẽ tạo ra tiền lệ không tốt, dễ làm ảnh hưởng đến tính uy nghiêm của pháp luật nói chung và của lực lượng CSGT nói riêng.

ĐÀM VIỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm