Phải “nhúng” sinh viên vào môi trường doanh nghiệp

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng phòng Dạy nghề (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP.HCM), tại hội thảo Đào tạo nghề theo nhu cầu xã hội do Trung tâm Giới thiệu việc làm, Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, báo Lao Động và báo Giáo Dục TP.HCM phối hợp tổ chức ngày 19-12.

Theo ông Hiệp, để đào tạo nghề có hiệu quả thì nhất thiết nhà trường và các doanh nghiệp phải bắt tay nhau.

Đồng tình với ý kiến này, GS-TS Vũ Gia Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Âu Việt, cho rằng: “Doanh nghiệp muốn thành công thì phải đi “săn” người tài. Tất cả các nước đều chỉ đào tạo dựa trên chuẩn chung, muốn người lao động thành thạo và có trình độ chuyên sâu thì doanh nghiệp phải chủ động đặt hàng cụ thể với nhà trường”.

Phải “nhúng” sinh viên vào môi trường doanh nghiệp ảnh 1

Người lao động tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng tại Ngày hội việc làm và hướng nghiệp năm 2009. Ảnh: P.ĐIỀN

Phân tích sự yếu kém của công tác dạy nghề hiện nay, TS Nguyễn Toàn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, cho rằng khuyết tật trong đào tạo nghề không chỉ nằm ở tay nghề, kiến thức mà còn ở tinh thần và thái độ lao động. Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng lao động của chúng ta thiếu tác phong công nghiệp, có thái độ ứng xử chưa chuyên nghiệp.

Về phương diện quản lý, ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, cho rằng bên cạnh nhu cầu xã hội, công tác đào tạo nghề vẫn rất cần sự điều hành vĩ mô của nhà nước. Trong đó, nhà nước phải dự báo nhu cầu xã hội cần bao nhiêu lao động, cơ cấu ngành nghề như thế nào... để tránh tình trạng đào tạo tràn lan gây lãng phí và hiệu quả thấp.

PHONG ĐIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm