Phải có hướng dẫn liên ngành để trị “đinh tặc”

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Vũ Phi Long, Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM, nói: Khi “đinh tặc” ngày càng xảo quyệt, đe dọa sự an toàn của người đi đường thì những nhà làm luật cần khẩn trương xem xét các lỗ hổng, vướng mắc liên quan để điều chỉnh cho thích ứng. Trước mắt, ba ngành công an, kiểm sát và tòa nên có thông tư liên tịch hướng dẫn cách thức xử lý hành vi rải đinh để có thể kịp thời ngăn ngừa tội ác.

. Thưa ông, dư luận tỏ ra không hài lòng với việc Công an quận 9, Thủ Đức đợi kết quả xác định có người bị hại mới xử lý hình sự các “đinh tặc” mà họ đã tạm giữ trong nhiều ngày. Với tội cố ý làm hư hỏng tài sản, tại sao họ không xét đến hậu quả phi vật chất theo văn bản hướng dẫn của cấp tối cao? Bởi trên thực tế, Bình Dương đã xử được nhiều “đinh tặc” về tội này dù thiệt hại vật chất do chúng gây ra dưới 2 triệu đồng.

+ Tôi không bàn về việc xét xử của Bình Dương. Tôi chỉ muốn lưu ý tội cố ý làm hư hỏng tài sản là tội cấu thành về vật chất nên phải có thiệt hại vật chất xảy ra thì mới xử lý được. Về mặt định lượng, thiệt hại phải từ 2 triệu đồng trở lên. Trường hợp thiệt hại dưới 2 triệu đồng thì phải có thêm yếu tố gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính, kết án về hành vi này, tội này mà còn vi phạm.

Phải có hướng dẫn liên ngành để trị “đinh tặc” ảnh 1

Nạn rãi đinh là nổi ám ảnh của người dân khi lưu thông trên xa lộ. Trong ảnh: Thu gom đinh trên các tuyến đường có "đinh tặc". Ảnh: CTV

Đúng là Thông tư liên tịch số 02/2001 của TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp (hướng dẫn áp dụng các tội xâm phạm sở hữu, trong đó có tội cố ý làm hư hỏng tài sản) có nêu: Khi áp dụng các tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng”… thì hậu quả đó có thể là thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản hoặc hậu quả phi vật chất (gây ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; gây ảnh hưởng xấu về an ninh, trật tự, an toàn xã hội). Thế nhưng thông tư liên tịch này có lưu ý “hậu quả phải do hành vi phạm tội gây ra” (tức có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội và hậu quả). Trong khi trên thực tế, hậu quả do “đinh tặc” gây ra đa số chỉ là gây hư hỏng vỏ xe, gây phiền phức cho người điều khiển xe. Có một số vụ có người chết nhưng chưa cơ quan nào chứng minh được cái chết đó có liên quan đến hành vi rải đinh.

. Có ý kiến cho rằng nếu không xử được tội cố ý làm hư hỏng tài sản thì có thể xử tội cản trở giao thông đường bộ theo khoản 4 Điều 203 BLHS. Ông có đồng ý vậy không?

+ Tội cản trở giao thông đường bộ cũng là tội cấu thành về vật chất nên phải có thiệt hại vật chất xảy ra do một trong các hành vi như đào, khoan, xẻ trái phép các công trình giao thông đường bộ; đặt trái phép chướng ngại vật gây cản trở giao thông đường bộ… Ở tội này, hành vi phạm tội là cố ý nhưng vô ý đối với hậu quả gây ra. Trong khi hành vi rải đinh là hành vi phạm tội cố ý và không hề vô ý đối với hậu quả xảy ra. Hay nói cách khác là cố ý với hậu quả của hành vi mình gây ra. Do vậy, sẽ không phù hợp nếu xử tội cản trở giao thông đường bộ.

. Vậy theo ông, phải làm sao để triệt “đinh tặc”?

+ Phải “hình sự hóa” hành vi rải đinh bằng một văn bản pháp quy. Đề xuất cần sớm có thông tư liên tịch như tôi nêu ở phần trên cũng nằm trong ý này.

Kiểm sát viên LÊ ANH MINH, Phó phòng 1A (phòng về tội phạm trật tự xã hội) - VKSND TP.HCM:

Huy động lực lượng thu thập chứng cứ

Hiện TP.HCM chưa xử lý hình sự “đinh tặc” nào. Do chưa có điều luật phù hợp để áp dụng cho loại hành vi này nên các cơ quan tố tụng cũng chưa có nghiên cứu cụ thể để rút kinh nghiệm nhằm tạo sự thống nhất trong cách hiểu và cách làm.

Trước mắt để răn đe, phòng ngừa hành vi rải đinh tiếp tục hoành hành, các địa phương cần xử phạt hành chính thật đầy đủ, nghiêm minh. Khi đã xử phạt hành chính rồi mà chúng còn vi phạm thì cứ theo quy định mà xử lý hình sự ngay.

Ngoài ra, cần tăng cường lực lượng nghiệp vụ và huy động thêm các cơ quan, đoàn thể phụ giúp việc thu thập chứng cứ, ghi nhận số người bị hại và thiệt hại xảy ra trong nhiều ngày liền liên tục. Để đến khi bắt quả tang một “đinh tặc” nào, chúng ta có chứng cứ để so sánh và cũng có luôn người bị hại. Từ đó, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự “đinh tặc”, tránh bỏ lọt tội phạm.

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm