Phá tường rào bảo vệ khu dân cư

Phản ánh với Pháp Luật TP.HCM, nhiều hộ dân tổ 8, ấp Thiên Bình, xã Tam Phước (TP Biên Hòa, Đồng Nai) bức xúc: Tháng 7-2014, gia đình ông Nguyễn Tấn Rông đã tự ý đập phá bức tường bảo vệ khu dân cư (KDC) tổ 8 để mở lối đi vào đường nội bộ KDC nhưng đến nay cơ quan chức năng chưa xử lý.

Phá tường mở lối đi

Theo các hộ dân tổ 8, bức tường này được bà con hùn tiền xây từ tháng 3-2008 để bảo vệ an ninh và ngăn cách lô cao su nhà ông Rông (vốn đã có lối đi ra đường liên ấp phía đối diện). Trước khi có tường, KDC tổ 8 thường xảy ra trộm cắp. Mặt khác, xe tải trốn trạm thu phí quốc lộ 51 vẫn băng qua lô cao su của gia đình ông Rông (nhà ông Rông không sống ở đây) đi tắt đường nội bộ của KDC để vào Khu công nghiệp (KCN) Tín Nghĩa, kéo theo bùn đất, bụi bẩn, lộn xộn, nguy hiểm.

Tại tổ 8, chúng tôi ghi nhận có con đường nhựa rộng 7 m chạy dọc KDC tổ 8 với khoảng 200 hộ dân, đấu nối với đường số 9 của KCN Tín Nghĩa. Bức tường nằm cuối đường nội bộ dài khoảng 50 m ngăn cách KDC tổ 8 với lô cao su của ông Rông. Phần bị phía ông Rông đập phá dài 13 m, sau đó bà con tổ 8 lấy lưới B40 rào lại thì bị gia đình ông Rông phá tiếp. Hiện bà con phải lấy các thùng phuy chất gạch rải trên đường để ngăn không cho xe tải trốn trạm thu phí chạy vào.

Theo ông Lê Duy Kỳ (tổ trưởng tổ 8), KDC này hình thành từ năm 2004 trên cơ sở khu nhà tập thể của Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Hồng Ngân, nằm kế KCN Tín Nghĩa. Nguồn gốc đường nội bộ lúc đó chỉ là lối mòn rộng khoảng 1 m do các chủ đất cũ tạo ra. Khi DNTN Hồng Ngân xin đấu nối được với đường của KCN Tín Nghĩa thì KDC tổ 8 mới có điện lưới. Năm 2008, DNTN Hồng Ngân đã bỏ ra hơn 700 triệu đồng góp cùng 200 hộ dân tổ 8 (mỗi hộ vài triệu đồng) để mở rộng đường và xây bức tường trên.


Bức tường của KDC tổ 8 bị đập mất 1/3. Ảnh: T.TÙNG

Ông Kỳ bức xúc: “Hai lần gia đình ông Rông phá tường, công an xã đều lập biên bản. Lúc các hộ dân và DN làm đường thì gia đình ông Rông không chịu hùn tiền góp đất, nay thấy đường nội bộ KDC chỉnh trang, sạch sẽ, đấu nối với đường của KCN thì đập tường mở lối đi nhằm nâng giá trị đất”.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hồng (chủ DNTN Hồng Ngân) cho biết để đấu nối được đường nội bộ của KDC tổ 8 với KCN Tín Nghĩa, bà phải trả phí thuê đất 3.000 USD/năm cho chủ đầu tư KCN. Gần đây, nhiều lần lãnh đạo KCN có văn bản cảnh báo chỉ cho các hộ dân hiện hữu ở tổ 8 đi qua KCN, không cho ai khác đấu nối đường với KCN. Nếu chính quyền địa phương không giải quyết triệt để thì KCN sẽ cắt đấu nối, lúc đó việc đi lại của hơn 2.000 nhân khẩu tổ 8 không biết sẽ ra sao.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Tuyền (vợ ông Rông) thừa nhận gia đình bà đã hai lần phá tường với lý do “bức tường xây trên đất công cộng” cản trở lối đi vào lô cao su nhà bà. Công an, VKS TP Biên Hòa cũng đã nhiều lần mời gia đình bà lên làm việc. Theo bà Tuyền, do lối đi từ lô cao su nhà bà ra đường liên ấp phải đi vòng và khá xa nên gia đình bà muốn đi chung đường của KDC tổ 8.

Công an đang “bám sát vụ việc”

Sau khi gia đình ông Rông phá tường, các hộ dân tổ 8 đã ký đơn tập thể yêu cầu xử lý ông Rông về hành vi hủy hoại tài sản. Tháng 8-2014, chủ đầu tư KCN Tín Nghĩa (Công ty Cổ phần Phát triển KCN Tín Nghĩa) cũng có văn bản đề nghị công an xử lý nghiêm hành vi đập tường rào, yêu cầu gia đình ông Rông khôi phục hiện trạng ban đầu.

Theo ông Lê Đình Sơn (Phó Giám đốc Công ty Tín Nghĩa), từ cuối năm 2014 đến nay, sau khi bức tường của KDC tổ 8 bị phá, xe tải trốn trạm thu phí lại tiếp tục chở đất, đá vương vãi vào KCN. Ông Sơn khẳng định người dân KDC tổ 8 phải sớm ngăn chặn tình trạng này, nếu không KCN Tín Nghĩa sẽ cắt đấu nối đường. Ông Sơn cũng khẳng định không cho phép gia đình ông Rông mở lối đi ra đường của KDC tổ 8 để kết nối với KCN Tín Nghĩa. KCN Tín Nghĩa chỉ cho phép đấu nối ở những vị trí theo quy hoạch đã được duyệt và đúng theo hợp đồng thuê mặt bằng với DNTN Hồng Ngân, không cho phép tổ chức, cá nhân nào khác đấu nối thêm. Do vậy rất cần thiết phải có tường rào ngăn cách và đảm bảo an toàn, vệ sinh trong KCN nói chung và KDC nói riêng.

Trường Sĩ quan Lục quân 2 (có đất giáp KDC tổ 8) cũng từng có công văn đề nghị giữ nguyên bức tường bao nói trên của KDC tổ 8 để ngăn chặn không cho người, phương tiện vào khu vực gần thao trường, dễ xảy ra mất an toàn.

Được biết Công an TP Biên Hòa đã vào cuộc nhưng đến nay chưa có kết luận cuối cùng. Để làm rõ hơn vụ việc, chúng tôi liên hệ với Công an TP Biên Hòa thì lãnh đạo cơ quan này cho biết vẫn đang bám sát diễn biến sự việc và đang tiếp tục củng cố hồ sơ. Hiện công an đang thống nhất với VKS cùng cấp về việc có khởi tố vụ án hủy hoại tài sản hay không.

Xã không quản lý

Cuối năm 2014, Văn phòng đăng ký đất đai - Sở TN&MT - tỉnh Đồng Nai có văn bản trả lời Công an TP Biên Hòa trên cơ sở xác minh, báo cáo của UBND xã Tam Phước. Theo đó, con đường hình thành trước năm 1992, nguồn gốc là người dân làm rẫy thu hoạch nông sản đi lại thành lối mòn. Ban đầu là đường đất đỏ, sau ngày càng mở rộng và nay là bê tông nhựa nóng. Năm 2004, DNTN Hồng Ngân đã thỏa thuận với Công ty Tín Nghĩa trả phí hạ tầng hằng năm để đấu nối ra đường của KCN. Sau đó DNTN Hồng Ngân và các hộ dân góp đất mở rộng đường, góp tiền tôn tạo thành đường nhựa như hiện nay để phục vụ nhu cầu đi lại của KDC. Con đường hiện do các hộ dân KDC tổ 8 trực tiếp quản lý, sử dụng, UBND xã Tam Phước không quản lý.

Tháng 12-2014, UBND xã Tam Phước có văn bản báo cáo UBND TP Biên Hòa cũng cho biết như trên. Tuy nhiên, tháng 5-2015, UBND TP Biên Hòa lại có văn bản yêu cầu UBND xã thông báo cho người dân tổ 8 biết việc “xây bức tường trên đất công cộng không xin phép” là không đảm bảo quy định và vận động người dân tự tháo dỡ. Ngày 19-6, UBND xã Tam Phước tổ chức họp dân triển khai chỉ đạo trên. Trong cuộc họp, người dân tổ 8 đã phản đối, khẳng định bức tường không xây trên đất công và đưa ra các giấy đỏ để chứng minh.

Ông Trần Văn Trà (cán bộ địa chính - xây dựng xã Tam Phước) cho biết xã chỉ làm theo chỉ đạo của TP. PV đã nhiều lần liên hệ với UBND TP Biên Hòa nhưng không gặp được lãnh đạo vì bận họp. Cán bộ tiếp dân của ủy ban nói sẽ báo cáo, khi nào lãnh đạo sắp xếp được thì liên lạc sau...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm