Ơn thầy cô trọn đời

Thành đạt nhờ sự rộng lượng của thầy

Thời học cấp II, do dại dột nghe lời nói khích của bạn bè, tôi đã ném bình mực bằng thủy tinh vào đầu thầy dạy toán. Rất may, thầy cũng vừa xoay người qua phía bàn lấy giẻ lau bảng nên bình mực oan nghiệt đó không trúng đích mà bể tan trên bảng. Mực văng tung tóe khắp quần áo thầy và dính trên bảng một vết to…

Thầy quay lại nhìn tôi rồi lẳng lặng bỏ ra khỏi lớp. Tôi cũng nhanh chóng leo lên cửa sổ lớp học phóng thẳng ra đường. Hôm sau, thầy hiệu trưởng mời cha tôi đến để báo lại vụ việc, đồng thời cho biết sẽ họp hội đồng kỷ luật xử lý tôi. Cha tôi rất muốn gặp thầy để xin lỗi thay con nhưng thầy đã từ chối. Hai ngày sau, hội đồng kỷ luật họp bàn việc xử lý tôi và nhiều thành viên trong hội đồng đã thống nhất đuổi tôi ra khỏi trường…

Sáng thứ Hai tuần kế tiếp, quyết định kỷ luật tôi được công bố dưới sân cờ cho học sinh toàn trường biết nhưng thật bất ngờ, đấy chỉ là quyết định cảnh cáo và hạ bậc hạnh kiểm. Tôi vẫn được tiếp tục học cho tới hết lớp 9. Lớp tôi được một thầy dạy toán khác vào thay trong sự tiếc rẻ của các bạn vì thầy cũ dạy rất hay (vì học quá kém nên tôi không nhận ra điều này). Hết năm học đó, thầy xin chuyển về thành phố công tác và chữa bệnh, bởi vì sự khốn khó của vùng đất quê tôi đã vắt kiệt sức thầy sau năm năm miệt mài đứng lớp.

Chật vật lắm tôi mới vượt qua được kỳ thi tốt nghiệp cấp II và vào thẳng lớp 10 do địa phương có chính sách ưu tiên đào tạo người tại chỗ. Tôi cố gắng tu sửa tính nết, chăm chỉ học hành. Tôi đã gặt hái nhiều thành công trong cuộc sống. Một lần theo chân những người bạn ghé thăm một thầy, tôi mới biết thông tin: Chính thầy toán cũ không đồng ý đuổi học tôi và thầy đã nêu đủ lý do để bênh vực tôi. Thầy quyết liệt đề xuất hội đồng phải có hình thức xử lý để học sinh có cơ hội rèn luyện và rồi việc kỷ luật tôi đã dừng lại ở mức cảnh cáo.

Ơn thầy cô trọn đời ảnh 1

Cô giáo đang kèm các em học tại lớp học tình thương ở phường 11, quận Gò Vấp (TP.HCM). Ảnh: T.NHÂN

Tôi hết sức sững sờ. Bởi lẽ bao nhiêu năm qua tôi vẫn nghĩ rằng thầy rất muốn đuổi học tôi... Giờ đây tôi cảm thấy mình thật bé nhỏ trước tấm lòng rộng mở của người thầy mà nhiều năm qua tôi đã cố chôn giấu sự căm ghét sai trái của mình.

ĐOÀN VĂN HIỆP (cựu học sinh Trường cấp 2, 3 Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TP.HCM)

Thầy ơi! Em sẽ về thăm thầy!

Cứ mỗi năm khi đến ngày 20-11, tôi lại bồi hồi nhớ về hình ảnh người thầy chủ nhiệm đã gắn bó với tôi bốn năm cấp II ở quê. Thầy đã tận tình dạy dỗ và khuyên bảo tôi rất nhiều nên tôi mới có thể tốt nghiệp lớp 9 với số điểm vừa đủ.

Tôi còn nhớ rõ, vì luôn được xếp học sinh giỏi nhất, nhì lớp ở cấp I nên khi lên cấp II, tôi được xếp vào lớp chuyên và thầy dạy toán cũng là thầy chủ nhiệm lớp.

Trong hai năm học lớp 6 và 7, do cố gắng học nên tôi cũng đạt loại khá. Nhưng qua lớp 8 thì sức học của tôi chỉ được trung bình và lên lớp 9 thì tuột xuống trung bình-yếu ở học kỳ I. Sở dĩ có việc này là do một buổi tôi đến trường, còn một buổi phải phụ gia đình chăn bò, cắt cỏ… Tối đến, mỗi khi ngồi vào bàn học thì tôi lại ngủ gật, đến lớp thì tiếp thu bài không kịp… Lâu dần tôi rất ngại đến lớp và xem việc học bài, làm bài tập là một cực hình. Nhưng tôi không dám ở nhà vì sợ ba má biết sẽ đánh, cũng không muốn đến trường vì sợ thầy cô dò bài không thuộc. Không biết tự bao giờ, tôi có thói quen cúp tiết học để cùng một đứa bạn la cà ở các quán điện tử gần trường chơi game hoặc chơi bi da.

Thấy học lực của tôi ngày càng giảm sút rõ rệt mà đợt thi tốt nghiệp lại cận kề, thầy kêu người bạn thân của tôi kèm cặp cho tôi. Lo lắng, sợ tôi thi rớt trong đợt thi tốt nghiệp nên trước ngày tôi thi, thầy bảo tôi cùng một số bạn khác đến nhà để thầy ôn lại những kiến thức căn bản. Buổi học cuối cùng hôm đó, thầy nhất quyết không nhận tiền thù lao. Thầy còn khuyên: “Ba má các em ở nhà làm nông cực khổ kiếm từng đồng, từng cắc. Cho nên các em phải cố gắng học tập để sau này có việc làm ổn định”…

Nhờ thầy mà tôi được 6 điểm môn toán. Nhưng tôi vẫn ngại gặp lại thầy với suy nghĩ bồng bột: “Thầy chỉ nhớ và thương những học trò giỏi”… Mỗi lần cả lớp họp mặt và rủ nhau đi thăm thầy, tôi đều tìm mọi cách tránh né. Lần nào các bạn cũng nhắn lại là thầy hay hỏi thăm tôi…

Giờ ở xa, mấy lần về quê tôi có tranh thủ đến nhà thầy nhưng không gặp. Nhưng chắc chắn tết này tôi sẽ cố gắng gặp thầy bằng được để trải lòng cùng thầy, để xin thầy bỏ qua cho tôi những suy nghĩ thiếu chín chắn thời gian qua.

LÊ THÀNH NHÂN (Bình Định)

Đưa trò đến trường mùa nước nổi

Ai đó nói “nghề giáo là nghề đưa đò”. Câu ví von đó đối với chúng tôi, những học trò nghèo của miền Tây sông nước, luôn đúng cả về nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Thời đó, sau khi khai giảng được vài tuần thì quê tôi bắt đầu vào mùa nước nổi. Nước dâng ngày một cao, đường bộ ngập lụt, không thể sử dụng nên đường thủy là cách khả dĩ nhất để học trò chúng tôi đến trường.

Cha mẹ còn bận mưu sinh, tận dụng mùa nước nổi để mò tôm bắt cá, chăn nuôi vịt đẻ… nên việc chèo thuyền đưa chúng tôi đến trường thường được giao phó cho các thầy cô chủ nhiệm. Cô chủ nhiệm hồi lớp 5 của tôi tuy không phải người địa phương và cũng không thông thạo sông nước nhưng đều đặn mỗi sáng, cô vẫn chèo đò đến từng nhà để rước chúng tôi đến trường. Quãng đường lòng vòng qua nhiều con rạch, cô thường phải một mình chèo chống vì chúng tôi còn mải chơi đùa, không đứa nào chịu phụ cô bơi thuyền. Mệt toát mồ hôi nhưng cô không phàn nàn, cáu gắt mà chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở chúng tôi ngồi yên, đừng nghịch nước coi chừng lật đò.

Nhưng tụi tôi đâu dễ nghe theo. Đứa này hắt nước vào đứa kia, đứa khác lại nhoài người ra ngoài để ngắt hoa súng. Tinh quái hơn, bọn tôi còn hòa mực tím vào nước rồi dồn vô bao nylon để chọi nhau... Những lần như vậy thuyền lại tròng trành. Cô gồng mình để giữ thăng bằng, còn chúng tôi vẫn vô tư cười vui với những trò nghịch ngợm của mình. Có một vài lần do chúng tôi đùa giỡn quá đà, chiếc xuồng nhỏ bị lật làm cả cô lẫn trò ai cũng được một bụng no nước. Sách vở, đồ dùng đều ướt hết. Những lần như vậy, cô giáo của tôi… tấm tức khóc.

Mùa nước nổi rồi cũng qua đi. Tôi kết thúc năm học cuối cấp, chuyển sang một trường mới ở thành thị mà chưa có một lần kịp cảm ơn cô. Nhiều năm sau, có dịp về quê, tôi được biết cô vẫn tiếp tục chèo đò đưa các em nhỏ đến trường như đã từng làm với tôi thêm một thời gian nữa rồi mới chuyển đến một trường tiểu học vùng sâu khác. Tuy không biết cuộc sống hiện giờ của cô ra sao nhưng tôi tin rằng cô vẫn mãi là người đưa đò, đưa những đứa học trò nhỏ bé, ngỗ nghịch đến bến bờ yêu thương và tri thức.

minhdiendt@yahoo.com

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm