Nợ thuế, coi chừng bị ách khi bán nhà

Cuối tháng 11-2012, các phòng công chứng và văn phòng công chứng tại TP.HCM nhận được gần 50 công văn của Chi cục Thuế quận Phú Nhuận (TP.HCM) yêu cầu ngăn chặn không cho những chủ nhà còn nợ thuế kinh doanh cho thuê nhà chuyển dịch sở hữu nhà dưới mọi hình thức: mua bán, tặng cho… cho đến khi có công văn giải tỏa của chi cục.

Công văn này nêu: Nhằm đảm bảo cho việc thu số tiền thuế còn nợ, Chi cục Thuế quận đã đề nghị Sở Tư pháp, UBND các phường trên địa bàn quận, Phòng Tài nguyên và Môi trường quận… thực hiện việc ngăn chặn nói trên.

Nợ thuế, coi chừng bị ách khi bán nhà ảnh 1
Làm thủ tục công chứng nhà, đất tại Phòng công chứng số 1, TP.HCM. Ảnh: HTD

Nợ ít, nhiều đều bị ngăn chặn

Bà Huỳnh Thị Ngọc Yến, Trưởng phòng Công chứng số 6, băn khoăn: “Khi nhận được công văn, chúng tôi vẫn thực hiện việc ngăn chặn nhưng liệu có thỏa đáng hay không khi số tiền nợ thuế thấp mà tài sản bị ngăn chặn lại có giá trị lớn? Theo chi cục, có người nợ thuế lên đến hàng trăm triệu đồng nhưng cũng có người chỉ nợ chưa tới 500.000 đồng mà vẫn bị ngăn chặn cả căn nhà trị giá hàng tỉ đồng”.

Ông Hoàng Mạnh Thắng, Phó phòng Công chứng số 7, cũng băn khoăn về thẩm quyền ngăn chặn. “Lâu nay chỉ có tòa án, viện kiểm sát, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan điều tra, UBND TP.HCM và các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận nhà, đất ra văn bản yêu cầu ngăn chặn việc công chứng hợp đồng, giao dịch. Nay với yêu cầu của Chi cục Thuế quận Phú Nhuận, chúng tôi vẫn lưu ý nhưng chưa rõ phải xử lý thế nào” - ông Thắng nêu.

Cơ quan thuế: “Chúng tôi làm đúng luật”

Giải thích về việc ngăn chặn này, ông Nguyễn Văn Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Phú Nhuận, cho biết: “Những người bị ngăn chặn đã nợ thuế từ 90 ngày trở lên, thậm chí có người nợ trên sáu tháng. Theo quy định, ngoài việc phải nộp tiền thuế, họ còn bị phạt 0,05% mỗi ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp. Tuy nhiên, chúng tôi đã làm hết cách mà vẫn không thu được tiền nên mới phải gửi công văn ngăn chặn để buộc họ đi nộp. Việc ngăn chặn căn cứ vào việc có nợ thuế chứ không tính theo số tiền nợ thuế nhiều hay ít”.

Cũng theo ông Dũng, những người cho thuê nhà trong trường hợp này không ở nhà đó và cũng không rõ địa chỉ hiện tại của họ. Khi cho thuê nhà, họ tự kê khai và nộp thuế theo định kỳ hoặc theo thực tế phát sinh. Nếu áp dụng biện pháp cưỡng chế thu nợ thuế bằng cách thu hồi mã số thuế cá nhân thì chẳng được gì; trừ tiền vào tài khoản cá nhân thì không biết họ có tài khoản ở đâu để trừ, thu hồi giấy phép kinh doanh thì không thể vì kinh doanh cho thuê nhà là hoạt động không cần giấy phép. Còn việc kê biên nhà thì chưa cần thiết vì số tiền nợ thuế cũng không lớn.

“Mục đích của việc ngăn chặn chỉ để người cho thuê nhà trả nợ thuế và qua đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân nộp thuế đúng kỳ, đúng thời hạn. Sau khi chúng tôi phát hành công văn, đã có nhiều người nợ thuế đến nộp thuế và chúng tôi đã giải tỏa ngay việc ngăn chặn” - ông Dũng thông tin.

Họ đã nói

Các cơ quan khác phải phối hợp

Theo khoản 7 Điều 9 Luật Quản lý thuế thì thủ trưởng cơ quan quản lý thuế có quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử lý vi phạm pháp luật về thuế theo quy định của pháp luật. Việc ngăn chặn này không thuộc trường hợp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế.

Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 13, khoản 2 Điều 16 luật trên cũng quy định các cơ quan khác của nhà nước, các tổ chức, cá nhân khác có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý thuế trong việc quản lý thuế; tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế; phối hợp thực hiện các quyết định xử lý vi phạm pháp luật về thuế.

Đại diện Cục Thuế TP.HCM

Nhận thấy Chi cục Thuế quận Phú Nhuận đã làm đúng quy định nên chúng tôi đã cập nhật việc ngăn chặn.

Bà LÂM QUỲNH THƠ, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Tư vấn công chứng - Sở Tư pháp TP.HCM

KIM PHỤNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm