Những “địa chỉ” lãng phí cần bị xử lý

Nên bắt đầu từ những việc nhỏ

Hiện nay, kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn mà việc lãng phí vẫn cứ tồn tại. Đây là điều gây nhức nhối, đôi khi nó cũng là nguyên nhân làm mất lòng tin của người dân đối với Đảng và chính quyền. Do vậy, các nơi phải tìm đúng địa chỉ gây lãng phí để nghiêm trị.

Lần đó, tôi đi làm hồ sơ nhà đất tại UBND một phường trong TP.HCM. Sáng sớm, trời mát và gió rất nhiều nên tôi nghĩ nơi đây hoàn toàn có thể mở cửa ở khu tiếp dân thay vì mở máy lạnh nhưng cán bộ ở đây đã chọn việc mở máy lạnh. Chợt nhớ có lần đến Sở Tư pháp TP.HCM vào khoảng 9 giờ. Tôi đã bất ngờ khi nhìn thấy cửa sổ của phòng làm việc một lãnh đạo Sở mở toang cho không khí lùa vào phòng. Chị này cười tươi: “Để vậy cho mát và đỡ tốn điện bác à! Trưa nắng chịu không nổi thì mới mở máy lạnh”.

Ba tháng trước, tại đám tang của một vị cách mạng lão thành, tôi nhìn thấy nhiều xe biển số xanh nối đuôi nhau đi vào. Thoạt đầu, tôi nghĩ chuyện cũng bình thường vì đã hết giờ làm việc. Chừng vào viếng tôi mới biết họ cùng làm việc ở một cơ quan nhưng thay vì đi chung xe cho đỡ tốn xăng thì từng vị lại đi xe riêng. Trong khi đó, gần 40 người của cơ quan cũ người quá cố đã góp tiền thuê xe đi cùng nhau cho đỡ tốn kém.

Những “địa chỉ” lãng phí cần bị xử lý ảnh 1

Do không đồng bộ trong thi công nên đường mới tráng nhựa xong lại phải đào lên gây lãng phí. Ảnh: HTD

Lâu nay, chúng ta cứ theo giải quyết phần ngọn mà không “rờ” tới phần gốc của lãng phí. Lý ra phải ngăn chặn từ trong trứng nước tức là từ khâu trình duyệt kế hoạch chứ không đợi đến khi sử dụng tiền ngân sách. Từ đó mới quy kết trách nhiệm cho người phê duyệt, nếu người này xuề xòa để xảy ra tình trạng lãng phí thì đương nhiên họ phải chịu trách nhiệm chứ không thể có trách nhiệm chung chung được.

Tôi xin kể tiếp một câu chuyện đau lòng xảy ra ở một huyện của dãy đất miền Trung thân yêu của tôi. Đó là việc thực hiện chương trình phát triển kinh tế-xã hội cho các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi. Huyện này đã mua hàng trăm máy xay gạo, máy cắt lúa, máy băm ruộng… trị giá hơn 50 tỉ đồng nhằm hỗ trợ người dân làm nông nghiệp nhưng thực tế chỉ sử dụng vài máy, số còn lại bỏ không nên dần bị hư hỏng. Đáng nói là lãnh đạo huyện biết những máy móc này quá thừa đối với người dân nơi đây nhưng vẫn nhận mua thay vì đầu tư vào chuyện khác có ý nghĩa hơn.

Với chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng, mong là cán bộ mình luôn nhớ rằng đất nước còn nghèo, còn rất nhiều nơi cần được đầu tư để phát triển. Người dân nhiều nơi hãy còn khó khăn và rất cần những cái “cần câu” để thoát nghèo, mà người dân giàu thì đất nước mới giàu lên được.

Hãy bắt đầu từ những việc tưởng nhỏ nhưng ý nghĩa thì không hề nhỏ, chẳng hạn như việc tiết kiệm điện của Sở Tư pháp TP.HCM.

NGUYỄN VĂN SÁU, cán bộ hưu trí quận Bình Thạnh, TP.HCM

Tiêu chí đánh giá cán bộ

Việc lãng phí gần như chỉ xảy ra đối với các cơ quan nhà nước bởi tình trạng “cha chung không ai khóc”. Hiếm khi nào các đơn vị ngoài nhà nước lại để xảy ra tình trạng này, nhất là trong điều kiện khó khăn hiện nay các doanh nghiệp đều tiết giảm tối đa chi phí có thể. Xin nêu một vài trường hợp lãng phí mà chúng ta cần nhanh chóng khắc phục.

Đối với tiền ngân sách, nhiều cơ quan sợ không chi tiêu hết sẽ bị thu lại và năm tiếp theo sẽ bị cắt giảm ngân sách. Thế là có chuyện trang thiết bị dù mới mua nhưng cuối năm đã thanh lý để sắm mới. Tôi từng chứng kiến một chi nhánh của ngân hàng (thuộc sở hữu nhà nước) cứ đến cuối năm là thay mới gần như toàn bộ bàn ghế kệ trong khi những thứ đó gần như còn mới (vì mới thay năm trước). Số bàn ghế thanh lý gần như là cho không nhưng nếu ra mua thì đó là cả một số tiền lớn (toàn là bàn ghế gỗ loại tốt). Thử hỏi nếu là tư nhân có ai làm vậy không? Đây đúng là lỗ hổng của quá trình chi tiêu tiền từ ngân sách Nhà nước.

Trong việc giải quyết thủ tục hành chính, nhiều cơ quan nhà nước cứ buộc người dân phải nộp bản sao y có chứng thực các loại giấy tờ thay vì cho dân nộp bản phôtô và mang bản chính để đối chiếu. Việc này dẫn tới nhiều hệ lụy: Người dân phải tốn kém chi phí sao y, phôtô, cơ quan nhà nước (thường là UBND cấp xã) thì thêm khối lượng việc.

Thêm một thực tế là việc đầu tư, thi công cơ sở hạ tầng không khoa học. Có rất nhiều công trình làm đường xong sau đó mới đào lên để làm hệ thống cấp thoát nước, hệ thống điện, điện thoại… Có lần tôi nói chuyện với người có trách nhiệm thi công cầu đường và đặt câu hỏi tại sao không làm hệ thống cấp thoát nước, điện, điện thoại trước khi thi công làm đường? Tin nổi không khi người đó trả lời rằng làm như thế (thi công đường trước, các hạng mục thi công sau) thì mới có ăn!

Thiết nghĩ trong việc tiết kiệm, chống lãng phí, chính quyền chỉ kêu gọi không chưa đủ mà phải tuyên truyền sâu rộng và coi đây là tiêu chí để đánh giá cán bộ, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức đồng thời có những chế tài nghiêm khắc.

Luật sư LÊ VĂN HOAN (Đoàn Luật sư TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm