Nhạc chế gây sốc

Năm nay tôi tròn 30, cái tuổi không còn trẻ nhưng cũng chưa đủ già để cảm thấy bị sốc vì âm nhạc của tuổi thanh thiếu niên bây giờ. Vậy mà mới đây, khi được em trai chỉ vài trang web để nghe nhạc trên mạng, tôi lọ mọ vào tìm kiếm và thực sự kinh hoàng bởi nhạc chế.

Nhạc nội, nhạc ngoại, nhạc cách mạng, nhạc trữ tình, nhạc thiếu nhi... đều bị chế thành những lời lẽ bậy bạ, tục tĩu. Các trang web này hoàn toàn miễn phí, cung cấp sẵn đoạn mã để người truy cập có thể đưa nhạc vào blog, vào diễn đàn hoặc tải về máy vi tính để lưu trữ.

Nhạc chế gây sốc ảnh 1

Nhạc phẩm nước ngoài In the army now biến thành Chuyện tình lan canđược nhiều người hát theo với lời lẽ hết sức giang hồ: “Trong đêm trăng thanh em gọi nhầm tên anh. Anh lao lên tung quả đá song phi, em đập vào lan can. Ô ố ô, em đập vào lan can. Lan can lung lay em gượng dậy được ngay. Anh lao lên tung quả đấm hai tay, em lại đập vào lan can. Ô ố ô, em đập vào lan can”. Khi tôi ghi lại những dòng này, đã có hơn 200 ngàn lượt người thưởng thức Chuyện tình lan can.

Nhạc phẩm thời nay chẳng có mấy bài hay ho, vậy mà chúng bị chế lại với lời lẽ còn kinh khủng gấp mấy lần ca từ gốc. Bài Hứa thật nhiều thất hứa thật nhiều biến thành: “Có em từ đây đời anh sẽ khác dần dần. Có anh từ đây tiền tiêu không phải nghĩ. Ngày em vẫn tiêu tiền như giấy, giờ em muốn cái gì cũng có. Thằng Bill Gates có giàu đến mấy cũng không bằng anh”.

Nhiều bài hát nổi tiếng của lớp nhạc sĩ thế hệ trước bị thay lời một cách vô tội vạ. Bài Em đi chùa hương (thơ Nguyễn Nhược Pháp, phổ nhạc Trung Đức) hay là thế, vậy mà người ta chế thành: “Giờ em qua chốn này, chẳng người nào ngắm nhìn em. Gặp em họ khẽ nói: Nam mô a di đà. Nam mô thôi đi bà”. BàiNỗi buồn hoa phượng của nhạc sĩ Thanh Sơn biến thành lời than vãn của cặp vợ chồng nghèo: “Mỗi năm đến hè là tôi phát rầu. Chín mươi ngày ôi nó lâu thật lâu. Bầy con nheo nhóc chân đất chăn trâu. Tính hoài làm điên cái đầu. Vợ chồng cày muốn phờ râu... Mỗi năm đến hè là điên cái đầu”... Hay nhạc phẩm Chiếc áo bà ba của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã biến thành “Chiếc áo bà ba quê mùa em éo mặc. Em thích đua đòi em mặc áo hai dây. Biết nói gì đây anh bận đi cướp giật”. Gió mùa xuân tới của Hoàng Trọng trở thành chiêu Kiếm tiền kiểu mới: “Cứ làm đám cưới mong có lời. Đám cưới khơi khơi. Khách khứa xa xôi đều mời tới. Có người đang túng, cố làm đám cưới mong vẫy vùng”. Nhạc phẩm Anh cho em mùa xuân cũng bị chế thành tác phẩm mới nghe rất giật gân: “Anh cho em tiền đô. Tiền đô để sắm đồ. Tiền đô để đi phố. Tiền đô thơm thấy mồ. Tiền đô xài cho cố. Có ngày anh còn xương khô” v.v...

Biết rằng nhạc chế chỉ để cho vui nhưng vui kiểu này thì nguy quá!

GIA NGHI (TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm