Nhà có năm người hiến xác thoát cảnh bĩ cực

Những ngày cuối năm, chúng tôi thăm lại gia đình bà Ngô Thị Huệ - thường gọi bà Năm, nhân vật trong bài viết “Nhà có năm người hiến xác” mà Pháp Luật TP.HCM đã từng phản ánh. Khác với cảnh tượng một năm về trước, lần này gia đình năm người của bà không còn phải chen chúc trong gác trọ chưa đầy 8 m2 nằm dưới chân cầu Nhị Thiên Đường (quận 8, TP.HCM). Thay vào đó, gia đình bà đang sống trong căn nhà rộng gần 40 m2 khá khang trang ngay giữa khu dân cư đường Tạ Quang Bửu (quận 8).

Cả nhà nhọc nhằn

Chúng tôi đến nhà bà Huệ vào một buổi sáng. Lúc này chỉ có mình bà ở nhà. Ba người con bà, người thì đi bán vé số, người đi sinh hoạt bên hội người mù quận 8. Chồng bà đã về quê chữa bệnh. Vừa gặp chúng tôi, bà Huệ hớn hở khoe: “Căn nhà này là của địa phương và Đài Truyền hình TP cùng xây cho gia đình dì Năm đó con. Giờ thì sức khỏe của chồng và con dì cũng khá hơn trước, phần nào giảm bớt gánh nặng cho dì và cho xã hội”.

Ngồi hồi tưởng về quá khứ, bà Huệ đượm buồn: “Mấy năm trước, cả gia đình dì đều lần lượt mắc bệnh. Các bệnh viện ở quận 8, Nguyễn Tri Phương, Tâm thần, Bình Dân… in dấu chân những người trong nhà dì. Chồng thì bị bệnh suy thận, những cuốc xe ôm ngày càng ít dần vì không đủ sức khỏe. Người con lớn thì bị teo cơ không đi được. Con thứ tư thì tự nhiên mắt mờ, còn con út lâu lâu lại bị động kinh, co giật, tinh thần không bình thường. Riêng người con thứ ba là lao động chính thì nhập ngũ rồi hy sinh trên chiến trường Campuchia”.

Kể đến đây, bà Huệ khẽ thở dài. Rồi giọng bà chùng chùng: “Lúc bấy giờ, nhà chỉ có mình dì là lao động chính nhưng một ngày chỉ kiếm được vài chục ngàn, tiền thuốc men phải đi vay mượn khắp nơi. Hồi đó dì đã đi đến nhờ một số tổ chức cứu lấy gia đình nhưng cũng chỉ được động viên thôi. Một mình không đủ sức lo, dì đã nghĩ đến chuyện mua thuốc độc để cả nhà uống chung một lần cho nhẹ người!”.

Trong ngôi nhà mới ấm cúng, bà Huệ đang chuẩn bị lô chổi để người con đưa ra chợ bán kiếm tiền trang trải ngày tết. Ảnh: NH

Bà Huệ bên cạnh người con út bị động kinh. Ảnh chụp năm 2013, khi gia đình bà đang sống vất vả trong căn gác trọ. Ảnh: TM

Nhờ bài báo, địa phương đã hỗ trợ

“Đến một ngày, cả nhà dì quyết định đi hiến xác cho y học vì nghĩ có lẽ phải làm gì đó trả ơn đời. Bao nhọc nhằn gia đình đã gánh đủ rồi. Thế nhưng từ quyết định này, gia đình dì lại quay sang một bước ngoặt mới, sáng hơn. Sau khi biết thông tin một gia đình nghèo cùng hiến xác, báo Pháp Luật TP.HCM đã đến tìm hiểu gia đình rồi đăng tin... Bài viết lay động được nhiều người. Cuối cùng địa phương và Hội Chữ thập đỏ quận 8 đã hỗ trợ cho gia đình một cách rất tận tình”. Giọng bà Huệ nghẹn lại, nước mắt chực trào ra.

“Tuy gia đình dì gặp nhiều bất hạnh nhưng bù lại ông trời đã cho dì tiếp xúc với phóng viên. Giờ gia đình dì đã có chỗ ăn, chỗ ngủ đàng hoàng, những ngày giỗ, tết có nơi cúng bái, thờ tổ tiên…” - bà Huệ tươi tỉnh trở lại.

Nhà sẽ có nhiều hoa quả…

Chúng tôi nhìn khắp lượt trong nhà bà Huệ. Phía xa trên cao là bàn thờ của gia đình. Bên tường có treo chân dung Bác Hồ. Gần nơi chúng tôi ngồi có chiếc kệ đặt một lô chổi để con bà đem bán. Nhà bà có chiếc tivi, có chiếc đài nghe tin tức… Tôi nghĩ có lẽ đây là cuộc sống mà trước kia bà Huệ nghĩ chỉ có trong mơ. Khi tôi hỏi điều này, bà cười:

“Lúc trước ở nhà trọ, đến ngày giỗ, tết muốn đốt cây nhang cũng khó vì không có chỗ để ngủ lấy đâu đặt bàn thờ. Lúc đó dì chỉ biết khóc thôi. Giờ thì cuộc sống của gia đình đã thay đổi hơn. Cơm thì không cần phải lo vì đã có chùa Linh Bửu (quận 8) phát hằng ngày. Ngoài ra cả gia đình còn được trợ cấp hằng tháng hơn 2 triệu đồng. Càng mừng hơn khi cuộc sống dần ổn định thì sức khỏe của các con dì khá hơn. Giờ các con đã bắt đầu đi làm trở lại để kiếm thêm thu nhập. Tết năm nay mặc dù nhà dì không đầy đủ như nhà khác nhưng mọi người sẽ được đón giao thừa trong căn nhà ấm áp để bắt đầu một năm mới may mắn hơn”. Bà Huệ rạng rỡ cười.

Vậy là coi như gia đình bà đã tạm vượt qua một chặng đường khó khăn vất vả. Chúng tôi chia tay gia đình bà Huệ và chúc cho gia đình sang năm mới thật nhiều sức khỏe. Cái tết sắp đến, trên bàn thờ tổ tiên sẽ có nhiều bánh mứt, nhiều hoa quả như ước nguyện của bà.

Cố gắng xoa dịu nỗi đau cho người bất hạnh

Trước đây, chúng tôi không biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình cô Huệ. Thông qua chương trình hiến xác của phường và báo chí, Hội Chữ thập đỏ quận mới nắm được tình hình và đã nhanh chóng xác minh hoàn cảnh thực tế. Có xuống mới biết được những chịu đựng và sự khổ sở của một gia đình không may khi các thành viên trong nhà mỗi người lại mang trong mình một căn bệnh.

Xác minh xong, Hội đã liên hệ với địa phương xem có phương án nào giải quyết chỗ ăn, chỗ ở cho gia đình cô Huệ hay không. Khi địa phương tìm được nguồn tài trợ từ chương trình từ thiện của Đài Truyền hình TP thì gia đình lại không có đất để xây nhà. Thế là địa phương phải chạy tìm đất để xây. Lúc nghe địa phương báo đã tìm được đất, tôi mừng lắm. Nghĩ đến cảnh gia đình cô Huệ có được chỗ ở tôi rất nhẹ lòng.

Giờ thì gia đình cô Huệ đã có chỗ ở ổn định, hằng tháng gia đình nhận được hơn 2 triệu đồng tiền tuất liệt sĩ và tiền trợ cấp dạng bảo trợ xã hội. Về những bữa cơm thì đã được nhà chùa phát hằng ngày. Hiện nay, Hội vẫn luôn theo sát gia đình cô Huệ. Dịp lễ, tết, Hội cũng luôn ưu tiên tặng quà cho gia đình. Cùng với tấm lòng của những nhà hảo tâm, Hội Chữ thập đỏ quận luôn cố gắng làm điều gì đó để phần nào xoa dịu nỗi đau cho những người bất hạnh như gia đình cô Huệ.

Nguyễn Hồng Dịu, Phó Chủ tịch
Hội Chữ thập đỏ quận 8, TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

(PLO)- Chủ nuôi chó, mèo phải đáp ứng điều kiện nuôi để chính quyền dễ quản lý, giảm tình trạng một nhà nuôi số lượng lớn làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.