Người giàu nhờ tự học

Nhiều người học hệ tại chức đã phản đối việc kỳ thị kênh đào tạo này, đưa ra những ví dụ sinh động về chuyện lãnh lương nghìn đô dù chỉ có tấm bằng tại chức!

Những cuộc tranh luận ấy cố gắng đào sâu về thực trạng chất lượng đào tạo rời xa thực tiễn của các trường đại học, đổ lỗi cho hệ thống giáo dục sau bao nhiêu cải cách vẫn không đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động của bộ máy chính quyền và doanh nghiệp. Có lẽ chưa biết bao giờ mới có câu trả lời mà xã hội muốn nhận được!
Người giàu nhờ tự học ảnh 1
Ảnh minh họa
Cùng lúc này NXB Anphabook tình cờ đưa ra một cuốn sách "Nền giáo dục của người giàu". Nghĩa là trên thế giới, chuyện nhiều cá nhân chê bai các giáo trình đại học, kể cả những đại học danh tiếng cũng không đáp ứng hết yêu cầu đào tạo của một nghề, một cá nhân là chuyện không hi hữu.

Tự học là một quá trình cần thiết và luôn quan trọng hơn bất cứ một chương trình đào tạo chuyên nghiệp theo suốt cuộc đời một con người muốn vươn tới đỉnh cao thành công. Điều đó một doanh nhân mới bước vào lứa tuổi ba mươi đã đạt được nhờ quá trình tự học đúng hướng và chuyên nghiệp từng chia sẻ khi bàn về chuyện học.

Tự học trong trường đời cũng phải chuyên nghiệp. Đó là điều một doanh nhân trẻ này đã chiêm nghiệm được kể từ ngày đầu làm thợ, rồi thành thầy, rồi thành một chuyên gia trong một lãnh vực "khó nhằn": Kinh doanh và xây dựng các công trình nhà truyền thống Việt Nam.

Đó là một chuyên ngành hầu như không có trường lớp nào đào tạo đến nơi đến chốn, kể cả trường kiến trúc và xây dựng có uy tín nhất ở xứ mình. Những công trình của công ty do doanh nhân trẻ này để lại sau lưng là những khu nhà vườn danh tiếng phục vụ du lịch văn hóa ở khắp cả nước.

Anh đã tự học, từ cách trang bị cho mình phông văn hóa nền tảng dựa trên những cảm thụ tinh tế bẩm sinh để thu lượm kiến thức thật khoa học về văn hóa, lịch sử, phong tục lối sống thông qua ngôi nhà điển hình của hàng chục tộc người ở Việt Nam, để trở thành một chuyên gia giỏi về kiến trúc và trang trí nội thất nhà ở cổ truyền.

Trong quá trình đó, doanh nhân này sở hữu không chỉ một bộ sưu tập hàng chục ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi và đẹp nhất về kiến trúc đặc trưng vùng miền mà các chuyên gia về khảo cổ, các trung tâm nghiên cứu văn hóa dân gian phải công nhận.

Mặc dù bận rộn với công việc kinh doanh với hàng chục dự án, doanh nhân này vẫn sắp xếp thời gian làm bạn, học hỏi kiến thức chuyên gia hàng đầu từ ngành bảo tàng, các kiến trúc sư danh tiếng, sử dụng chuyên môn của họ vào công tác nghiên cứu cho các dự án, trong quá trình phục chế và kinh doanh.

Dù là doanh nhân, thỉnh thoảng gặp nhau, anh bạn trẻ này hay tặng chúng tôi vài cuốn sách về văn hóa dân gian, về nhà Việt Nam, trong ấy có những vấn đề nghiên cứu luôn làm anh ưa thích, quan tâm và muốn chia sẻ với bạn bè!

Khi tham quan khu du lịch văn hóa "Không gian Việt" với các chức năng bảo tàng - làng nghề - ẩm thực, tôi tin chủ nhân của nó đã thật sự là một chuyên gia về lĩnh vực bảo tồn kiến trúc nhà cổ Việt. Những am hiểu sâu sắc, khoa học và tinh tế về văn hóa đã thể hiện rất rõ ràng trong từng hạng mục trưng bày, được nâng lên nhờ đầu óc kinh doanh sắc sảo đã làm thỏa mãn những du khách khó tính nhất.

Hãy để cuộc sống sàng lọc năng lực và sự ham học hỏi không bao giờ dừng lại của một cá nhân. Nếu quá trình học ấy cứng nhắc và dừng lại ở một qui trình đào tạo dù là chính qui, thì tri thức ấy cũng chẳng đủ cho một đoạn rất ngắn của cuộc đời. Đó là lời kết luận khi dõi theo trường hợp thành công của triệu phú trẻ ngành nhà cổ này.

 
 
Theo Hồng Bích (DNSG)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm