Nên quy định một số điểm đón, trả khách

Sẽ tốn kém cho việc đi lại của dân

Tôi ở thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang. Do nằm ở vị trí giáp ranh giữa ba địa phương là Kiên Giang, An Giang và Cần Thơ, nhà tôi cách các bến xe liên tỉnh khoảng 50 km. Trước đây, mỗi khi đi TP.HCM tôi luôn chọn tuyến Rạch Giá-Sài Gòn. Chỉ cần ra đứng trước cửa nhà đón một lúc là có được xe ưng ý. Nay nếu quy định không cho đón, trả khách dọc đường được thực thi thì tôi phải chọn phương án đến bến xe Cần Thơ hoặc An Giang rồi đón xe khác đi tiếp.

Thế nhưng phương án này rất phiền phức. Tôi phải chọn phương tiện nào để đến bến xe? Tất nhiên là không thể chọn xe khách liên tỉnh vì những xe này cũng đâu có được trả khách dọc đường. Tôi chỉ còn cách chọn lựa giữa xe buýt hoặc xe Honda ôm. Xe buýt thì không được vì hiện vẫn chưa có tuyến tôi muốn đi. Vậy chỉ còn cách duy nhất là đi xe Honda ôm.

Như thế tôi sẽ phải móc ra số tiền xấp xỉ 100.000 đồng để chi phí cho phương án này. Ngoài ra, tôi còn phải vật vạ chờ xe ở bến, rồi việc chuyển đồ đạc qua lại cũng tốn không ít thời gian và công sức.

quangtri…@yahoo.com

Chọn những địa điểm nhất định để đón, trả khách

Việc các xe đò liên tỉnh sàng qua sàng lại giành khách, dừng đỗ đột ngột không đúng nơi quy định ở các đô thị và khu vực ven đô gây ra rất nhiều phiền toái và tai nạn cho người tham gia lưu thông. Từ đó mới có quy định  cấm đón, trả khách dọc đường để hạn chế những bất ổn trên.

Song khi được áp dụng triệt để trên mọi tuyến đường thì quy định này sẽ gây ra một số bất cập, dễ làm lãng phí tiền bạc của hành khách. Nước ta có nhiều đoạn đường dài, rộng thênh thang và thưa thớt dân cư như tuyến quốc lộ 1A đi qua một số tỉnh miền Trung, tuyến quốc lộ 14 trên khu vực Tây Nguyên… Đặc thù của đa số địa phương trên hai tuyến đường này là khoảng cách bến xe giữa các tỉnh đều rất xa nhau. Nếu không cho đón, trả khách dọc đường, nhiều trường hợp hành khách buộc phải đi thêm vài chục km nữa, rồi sau đó lại phải mất công tìm phương tiện khác để về nhà.

Nên quy định một số điểm đón, trả khách ảnh 1

Nếu không cho đón, trả khách dọc đường, nhiều trường hợp hành khách rất phiền toái khi phải vào bến xe mua vé như thế này. (Ảnh chụp tại bến xe miền Tây) Ảnh: HTD

Nên chăng sau khi tìm hiểu kỹ đặc thù, cơ quan chức năng có thể cho phép xe liên tỉnh được đón, trả khách ở một số đoạn đường. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể cắm bảng báo cho phép dừng xe đón, trả khách ở một số điểm cố định (những điểm này nên cách nhau từ 10 đến 20 km).

VŨ VĂN CƯỜNG (1/5 Tô Ngọc Vân, quận Thủ Đức, TP.HCM)

Tôi cũng đồng tình với ý kiến của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải về việc “cấm đón, trả khách dọc đường là bất hợp lý”. Bởi có rất nhiều lý do chính đáng đã được nêu ra như nhà xa bến xe, tốn công, tốn sức...

Để khắc phục, tôi nghĩ nhà nước nên cho phép thực hiện việc trên ở những vị trí cố định, phù hợp. Chẳng hạn, các cơ quan chức năng có thể cử người đi khảo sát thực tế để chọn những địa điểm nào thuận tiện nhất cho xe lẫn người dân. Đồng thời, chúng ta cũng nên quy định là khi xe khách đến đây dừng để đón, trả khách thì chỉ cho phép dừng trong một thời gian nhất định nhằm tránh gây ảnh hưởng giao thông. Xe nào vi phạm sẽ có những hình thức xử phạt thật nghiêm khắc. Để quản lý thời gian xe ra vào tại những nơi này, chính quyền có thể đặt camera theo dõi.

CAO TẤN PHÚ (Quận Bình Thạnh, TP.HCM)

Khó khăn quá, dân không theo nổi!

Tôi không đồng tình với phát biểu của ông Đỗ Xuân Hoa, Vụ trưởng Vụ Vận tải-Pháp chế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), là: “Theo quy định, dù mua vé ở đâu khách cũng phải đến bến xe để đi…”.

Như ở trường hợp cụ thể của tôi, tôi sinh ra và lớn lên ở thị trấn Đập Đá (tỉnh Bình Định) và đang làm việc cho một cơ quan ở quận Thủ Đức, TP.HCM. Mỗi năm tôi đều về quê thăm gia đình một lần vào dịp tết Nguyên đán. Theo thói quen, tôi chỉ cần cầm điện thoại lên gọi cho chủ xe khách gần nhà đặt ghế và cứ như thế theo đúng thời gian đã hẹn, tôi ra cây xăng Huệ Thiên 2 lên xe đi ngay. Xe sẽ đưa tôi về đến tận nhà. Giờ theo ý của ông Hoa thì từ quận Thủ Đức tôi phải đón xe chạy ngược lên Bến xe Miền Đông để mua vé đi về Bến xe Quy Nhơn. Từ đây, tôi tiếp tục đón xe buýt để về nhà với đoạn đường dài gần 40 km. Đó là chưa nói có nhiều người ở vùng sâu, vùng xa muốn đến được bến xe phải vượt qua cả trăm km. Như vậy, nếu áp dụng đúng Thông tư 14 thì người dân chúng tôi sẽ gặp nhiều phiền toái trong việc đi lại. Tôi lo lắng quá!

Lại nữa, tôi thấy các dịch vụ xe chất lượng cao hiện rất tốt, thu hút được nhiều hành khách. Các xe này đón khách tận nơi, trả tận chỗ; nhân viên phục vụ tận tình; ăn uống đảm bảo… giúp hành khách cảm thấy an tâm. Đồng thời, việc đón, trả khách dọc đường cũng không kéo dài thời gian, không chụp giựt, nhếch nhác “cò kè bớt một thêm hai”. Bởi đa số là khách quen, giá cả đã thỏa thuận trên điện thoại, càng không có việc cạnh tranh không lành mạnh. Trong khi đó, áp lực tại các bến xe là quá lớn vào những ngày cuối năm hay dịp lễ, hội… vì lượng khách quá đông. Hành khách đến bến xe phải xếp hàng, chen lấn toát mồ hôi mới mua được chiếc vé cầm trên tay.

lethanh…@yahoo.com

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm