Nên đặt tên là “giấy chứng nhận bất động sản”

Theo Nghị định 60 năm 1994, giấy chủ quyền nhà đất có tên đầy đủ là “giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở”. Đến khi có Luật Đất đai năm 2003 thì giấy này có tên là “giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” và khi có Luật Nhà ở năm 2004 thì giấy này được đổi lại như cũ là “giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở” (nếu chủ nhà đồng thời là chủ đất) hoặc “giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở” (nếu chủ nhà không phải là chủ đất). Nay dự kiến mẫu giấy mới sẽ có tên là “giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất”.

Phải nói ngay đó là những cái tên dài ngoằng, khó đọc. Chẳng trách trước nay, không ai đủ sức đọc hết tên giấy khi giao dịch mà thường gọi tắt là “sổ đỏ”, “sổ hồng” hoặc “giấy đỏ”, “giấy hồng”. Trong khi đó, nhiều người giờ vẫn nhớ vanh vách và gọi đầy đủ mẫu giấy của thời chế độ cũ là “bằng khoán điền thổ”. Khoan nói đến những ưu việt về mặt nội dung, chính sự súc tích của tên gọi đã làm mọi người nhớ hoài đến mẫu bằng khoán.

Theo tôi, rút kinh nghiệm từ các loại mẫu giấy cũ, mẫu giấy mới nên được đặt gọn là “giấy chứng nhận bất động sản”. Nếu chỉ có đất, các cơ quan thẩm quyền có thể điền các thông tin về người sử dụng, loại đất... vào phần khai về đất. Trường hợp có cả nhà ở hoặc các vật kiến trúc khác, các cơ quan thẩm quyền có thể điền thêm các thông tin về loại tài sản gắn liền với đất. Ngoài ra, các trang còn lại sẽ dành cho việc cập nhật các biến động về chủ tài sản hoặc về tài sản.

Luật gia Đàm Việt (TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm