VỀ VIỆC “KHÁM SỨC KHỎE LÀM DI CHÚC: CẦN GIÁM ĐỊNH TÂM THẦN, LẠI KHÁM LUNG TUNG”

Nên có hướng dẫn về việc xác nhận tâm thần

Liên tiếp trong hai ngày 3 và 4-11, Pháp Luật TP.HCMđã phản ánh những nhiêu khê của việc khám sức khỏe làm di chúc và những bất nhất của các cơ quan công chứng, chứng thực trong việc yêu cầu người dân phải có xác nhận liên quan của bệnh viện (BV).

Về mặt chuyên môn, hai BV lớn về tâm thần ở TP.HCM là BV Tâm thần TP và Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TP khẳng định: “Để xác định một người là sáng suốt, minh mẫn thì phải khám tâm thần với một quy trình riêng biệt”. Thế nhưng như các bài báo đã phản ánh, do không có quy định của ngành về việc này, nhiều BV đã áp quy định khám sức khỏe để xin việc làm hay thi bằng lái xe để bắt người dân khám đủ thứ như đo huyết áp, mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt, da liễu…

Nên có hướng dẫn về việc xác nhận tâm thần ảnh 1

Giấy xác nhận của BV về tâm thần chính là cơ sở pháp lý để minh định người làm di chúc minh mẫn, sáng suốt.Trong ảnh: Khám tâm thần tại BV Tâm thần TP.HCM. Ảnh minh họa: HTD

Trong việc công chứng, chứng thực, cũng vì không có quy định cụ thể của ngành nên có trường hợp công chứng viên (CCV), người có thẩm quyền chứng thực đòi giấy xác nhận của BV, có trường hợp lại không. Trên thực tế, ngay cả khi đã có giấy này, các CCV vẫn phải tự mình thẩm tra để xác định người đi công chứng có tỉnh táo không, có biết mình đang làm gì không… Đáng nói là có CCV đưa thông tin về giấy xác nhận vào di chúc, có CCV chỉ dành để lưu vào hồ sơ công chứng. Với việc không đưa vào văn bản công chứng như thế, vô hình trung giấy xác nhận chỉ được làm cho có để khi bị khiếu nại hay bị cơ quan điều tra “hỏi thăm” thì mang ra “đối phó”!

Dù làm chặt chẽ cỡ nào thì di chúc vẫn có thể bị khiếu nại, tranh chấp. Sau khi người lập di chúc qua đời, nếu thân nhân “cắc cớ” lúc lập di chúc cha/mẹ tôi đã “lú lẫn” hoặc “hết biết gì rồi”, lấy gì để chứng minh việc công chứng, chứng thực trước đây là hợp pháp? Hay khi cảm thấy đương sự “tưng tưng” nên buộc phải từ chối công chứng và bị khiếu nại, cơ quan công chứng căn cứ vào đâu để giải quyết? Trong những tình huống này, chắc chắn giấy xác nhận của các BV có chuyên môn sẽ “nặng ký” hơn gấp nhiều lần so với những nhận định có thể mang tính chủ quan của CCV hoặc người có thẩm quyền chứng thực.

Để đảm bảo tính thống nhất, thực chất, nên chăng liên bộ Tư pháp - Y tế cần có thông tư liên tịch quy định việc này. Ngoài việc CCV phải tự kiểm tra bằng sự nhận biết của chính mình về việc đương sự có đầy đủ năng lực hành vi dân sự tại thời điểm công chứng thì giấy xác nhận của BV chính là cơ sở pháp lý để minh định người làm di chúc lúc ấy minh mẫn, sáng suốt. Tất nhiên, các cơ sở y tế chỉ cần khám xác định về tình trạng tâm thần là đủ.

THU TÂM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm