Nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng

Nhân đọc bài “Chịu trách nhiệm: Bản lĩnh đổi mới của Đảng” (Pháp Luật TP.HCM ngày 6-2), tôi xin góp thêm một vài suy nghĩ.

Đảng ta là đảng cầm quyền, điều này không cần bàn cãi. Thế nhưng phương thức, nội dung, tổ chức, giải pháp… cầm quyền thế nào để có hiệu quả, để đạt mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh là điều cần bàn. Ai cũng biết muốn cầm quyền thành công trong thời đại ngày nay không thể có con đường nào khác là phải phát huy dân chủ thực sự, toàn diện. Dân chủ lúc này vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển xã hội.

Về phương thức lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền, chức năng hàng đầu của Đảng là xác định chiến lược và chính sách phát triển. Vai trò lãnh đạo của Đảng là phải chuẩn bị đội ngũ đảng viên đủ tầm, đủ tâm, có trí tuệ để giới thiệu ra dân bầu vào các chức vụ chính quyền. Khi dân bầu người của Đảng vào chính quyền thì người đó phải chịu trách nhiệm trước dân. Mặt khác, cần khắc phục tình trạng nhiều việc cấp ủy Đảng can thiệp quá sâu vào hoạt động của chính quyền và các tổ chức trong hệ thống. Điều đó làm mất vai trò chủ động, sáng tạo, tinh thần tự chịu trách nhiệm của bản thân các tổ chức.

Bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt tại Quốc hội năm 2013. Ảnh: CTV

Về nội dung lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền, cần phải luật hóa những việc cụ thể để Đảng lãnh đạo chính quyền thực hiện, tránh tình trạng lãnh đạo chung chung thậm chí bao biện làm thay. Cụ thể là: Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy định cụ thể về nguyên tắc, nội dung và cơ chế Đảng lãnh đạo đối với hoạt động của chính quyền.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay nhận định: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”.

Đi tìm nguyên nhân, có thể đưa ra hai nguyên nhân chủ yếu: Tư duy của Đảng trên một số lĩnh vực chậm đổi mới và chỉ đạo thực hiện chưa tốt. Ngoài ra theo nhiều ý kiến, công tác cán bộ chưa tốt,  việc tuyển chọn, đề cử, bổ nhiệm đề bạt chưa thực sự công khai, dân chủ, chưa lắng nghe hết ý kiến của quần chúng, việc thực hiện các quy trình đề bạt hình thức, lấy lệ… Trong nhiều năm qua, quả thật chúng ta chưa an tâm với chất lượng sinh hoạt đấu tranh phê bình và tự phê bình trong nội bộ tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể… Nhiều nghị quyết, chủ trương chưa thật sự làm xoay chuyển tình hình. Hiện tượng nể nang, thiếu cương quyết, thậm chí bao che đang làm xói mòn lòng tin, nhụt chí những ai quyết tâm chống tiêu cực, tham nhũng.

Cái vĩ đại của Đảng ta không phải là không mắc sai lầm mà ở chỗ khi có sai lầm, khuyết điểm thì dũng cảm nhận, tích cực tìm nguyên nhân để tìm cách khắc phục. Khi dũng cảm nhận khuyết điểm, tin chắc sẽ khắc phục được khuyết nhược điểm.

Do đó nâng cao năng lực cầm quyền của đảng, cầm quyền khoa học, cầm quyền dân chủ là đòi hỏi của công cuộc đổi mới...

DIỆP VĂN SƠN

 

Tăng hàm lượng ý dân trong các chủ trương

Tạo điều kiện và cơ chế để nhân dân giám sát Đảng, đồng thời gia tăng hàm lượng ý dân trong các chủ trương, chính sách của Đảng hiện nay là điều rất cần thiết và thật sự có lợi cho sự lãnh đạo của Đảng.

Với những chủ trương, chính sách của Đảng và các dự án của chính quyền có liên quan đến quyền lợi của đông đảo nhân dân thì cần phải công khai lấy ý kiến của nhân thông qua MTTQ cấp tương ứng trước khi đưa ra Quốc hội, HĐND biểu quyết. Mặt khác, MTTQ mở rộng tổ chức cho các tổ chức kinh tế - xã hội tư nhân tham gia và kịp thời phản ánh những bức xúc của nhân dân lên các cấp Đảng, chính quyền.

Về những vấn đề quan trọng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng liên quan đến tình hình chung hoặc địa phương, MTTQ cần tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học để kiến nghị đến các cơ quan về ý kiến, quan điểm của nhân dân về vấn đề này. Đồng thời MTTQ cần tăng cường trao đổi với chính quyền các cấp về những khiếu kiện của người dân, tổ chức đối thoại giữa người dân và chính quyền một cách thường xuyên, hiệu quả. Phải làm sao để tiếp thu và thể hiện một cách nhiều nhất ý chí và nguyện vọng của người dân, để người dân thấy mình chính là trung tâm của những quyết sách ấy.

TS HỒ HỮU NHỰT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm