Mức phạt nặng nhưng khó thực hiện

Trong một bài viết về việc xây dựng Luật Xử lý vi phạm hành chính, báo Pháp Luật TP.HCMcho biết kết quả rà soát của ban soạn thảo cho thấy đang có hơn 100 nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính, trong đó có nhiều quy định trùng lắp, chồng lấn nhau về phạm vi điều chỉnh; mâu thuẫn, chồng chéo nhau giữa các hành vi, mức xử phạt…

Xu hướng của nhà nước hiện nay là xử phạt rất nặng các hành vi vi phạm hành chính. Đơn cử, Nghị định 23/2009 phạt đến 300 triệu đồng đối với công trình xây dựng vi phạm là nhà ở riêng lẻ tại đô thị. Nghị định 34/2010 phạt 20-30 triệu đồng đối với hành vi chiếm dụng đường phố để bày bán hàng hóa. Nghị định 111/2009 quy định mức phạt tối đa trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử là 100 triệu đồng v.v…

Mức phạt nặng nhưng khó thực hiện ảnh 1

Những người bán hàng rong trên xe đẩy không có khả năng nộp phạt 20-30 triệu đồng. Ảnh: THÀNH NHÂN

Thế nhưng các mức phạt nặng này lại không khả thi. Với các con số 20-30 triệu đồng trong Nghị định 34/2010, làm sao ấn chúng vào những người buôn bán nhỏ lấn chiếm lòng, lề đường? Phần lớn những người này không có tài sản, không có tài khoản nên chính quyền lấy gì để cưỡng chế? Còn tịch thu phương tiện, dụng cụ thì không có nơi cất giữ, thủ tục thanh lý phức tạp, mất nhiều thời gian, công sức. Tương tự, mức phạt 300.000-600.000 đồng hành vi kinh doanh thực phẩm ở môi trường không bảo đảm vệ sinh theo Nghị định 45/2005 quá cao đối với người bán hàng ở vỉa hè.

Một quy định khác cũng vừa gần mà cũng vừa xa với dân. Gần vì việc bán lẻ thuốc lá rất phổ biến; xa vì không thể áp dụng. Theo khoản 10 Điều 11b Nghị định 76/2010, hành vi buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng dưới 1.500 bao và người vi phạm đã bị xử phạt hành chính nhưng chưa hết thời hạn quy định mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm… thì có thể bị xử lý hình sự. Trường hợp không truy cứu trách nhiệm hình sự mà chuyển sang xử phạt hành chính thì mức phạt tiền lên đến 100 triệu đồng.

Vậy phải chăng đối với một người bán lẻ thuốc lá từng bị xử phạt (50.000-200.000 đồng) do buôn bán 10 bao thuốc lá và chưa được một năm sau lại tiếp tục buôn bán với số lượng xấp xỉ (dưới 1.500 bao) thì phải bị xử phạt 100 triệu đồng hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự? Nếu đúng vậy thì e rằng chẳng ai chọn cách xử lý này vì không khả thi và quá “hung tợn”.

Phạt nặng là cần thiết, nhất là ở các đô thị lớn nhưng mức phạt phải được tính toán kỹ lưỡng để phù hợp với hành vi vi phạm, phát huy hiệu quả răn đe, giáo dục.

NGUYỄN TOÀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm