Một mớ bòng bong

Đi tìm cả ngày, cả tháng cũng không thể kiếm đâu ra một văn phòng mà từ tướng đến sĩ đến tốt đều “chuẩn” tuốt tuồn tuột.Và không ít người than thở vì nhân viên kém quá. Sếp cũng phải kêu khổ – khổ vì làm sếp của kẻ đần.


Sếp to thì chịu khổ kiểu sếp to, sếp bé cũng có những nỗi đau nhân viên của riêng mình. Với cơ quan nhà nước, lại là chỗ “mát mẻ”, thì thực tế đó quá rõ bởi nhiều đối tượng muốn chen chân. Đành rằng trên nguyên tắc là thi tuyển đàng hoàng, nhưng thử hỏi có bao nhiêu phần trăm đi làm theo đường “chính ngạch” này? Nơi nào khá thì tỷ lệ có lẽ là 50-60%, số còn lại đến từ muôn ngả.

 Tại các công ty tư nhân thì sao? Xin nói luôn là loại nhân viên thân quen đầy cả mớ.Những công ty “hoành tráng” làm ăn thành đạt cũng chịu chung cảnh nhờ vả chẳng kém gì cơ quan nhà nước, công ty nho nhỏ thường chật những người nhà, ban đầu với ý nghĩ là giúp đỡ nhau, tiết kiệm chi phí, nhưng dần dà mới thấy là còn tốn hơn thuê nhân viên lương cao. Mang tiếng là công ty hữu hạn với cổ phần, đuổi việc chẳng dễ chút nào. Loại nhân viên là cháu của vợ ông anh nhà bác con bà chị ruột ông nội còn khó hất cẳng, nói gì đến loại cháu ruột với em rể.

 Với một tỷ lệ nhân viên mà việc nhận vào cơ quan, công ty không dựa trên trình độ như thế, thử hỏi sếp nào không đau đầu. Khổ nỗi, sếp to nhận vào thì ấn cho sếp nhỏ, sếp to mà bực lên thì có thể cho nghỉ hay không thèm nhìn mặt, chứ sếp vừa vừa với sếp nho nhỏ thì trước hết cứ phải cắn răng mà lo việc đã chứ.

 Ở đời dường như ít nghe sếp than về quân hơn là ngược lại. Tất nhiên, vì quân bao giờ cũng... đông hơn, cái sự ca cẩm về sếp cũng là chuyện đương nhiên hơn, giống như con dâu than vãn về mẹ chồng. Cứ thử đi ngang qua chỗ mấy cô nhân viên túm tụm buổi trưa hoặc bàn bia của mấy anh lúc tan tầm xem nào, thế nào cũng nghe thấy “Úi giời, lão sếp chỗ tao...” hoặc “Thằng cha ấy biết quái gì, không đáng mặt chỉ đạo anh em mình” và những câu đại loại như thế. Trong số đó, oái oăm lại có cả những anh những chị mà chính sếp luôn trăn trở trong đầu xem “tống đi đâu cho khuất mắt”.

 Ác thay, loại đã không làm được việc thì dường như lại càng khiến sếp thấy quẩn chân hơn. Không nhìn thấy thì thôi, đã hiện diện ở cơ quan thì dù không động chân động tay cũng khiến sếp thấy chướng chướng, thêm phần bực dọc thế nào ấy. Và thế là dẫn đến hai kiểu đối xử: một đằng là nơi trút nỗi bực dọc của sếp, lơ mơ là bị quát nạt thậm tệ, mắng mỏ không ra gì, đằng kia thì trở thành “có cũng như không”, rõ ràng là tồn tại chình ình.... một đống mà chẳng được giao việc gì hết, theo quan điểm “Tốt nhất là không thèm dây!”


Nhưng làm sếp thì phải có quân, không thèm dây thì chẳng lẽ quan kiêm luôn việc của lính? Quát lác, nạt nộ hay “gặp nhau làm ngơ” đều không phải là cách quản lý đúng đắn. Tỷ lệ nhân viên “ếch” trong phòng, trong vụ, trong ban mà thấp thì xem ra công việc còn tạm ổn, chứ tỷ dụ chiếm đến phân nửa thì chẳng chóng thì chầy sẽ dẫn đến nhiều chuyện lục đục, ít ra lại cái chuyện người khá làm việc thay người kém không thể kéo dài. “Nó chẳng làm việc gì cả mà lương cũng chẳng kém em là bao” – vài lời phàn nàn như thế là sinh chuyện nội bộ.

 Làm thay việc cho nhân viên là cách quản lý tồi tệ nhất. Có anh trưởng phòng ở một cơ quan thiết kế, nhân viên vẽ kém quá, không đạt chất lượng, thế là anh trằn ra vẽ trắng đêm. Có bà kế toán trưởng điên tiết vì cô nhân viên mới vào tính toán sai bét, mắng cho một trận như hát hay rồi bắt một kế toán viên khác cùng mình làm lại bảng biểu cả hai ngày cuối tuần. Rồi mấy nhân viên ở một tòa báo dịch bài kém quá nên suốt ngày chỉ được giao vài cái tin bé bằng... bao diêm. “Để khỏi phải sửa chữa,” người hiệu đính ở báo đó hân hoan với cái sáng kiến giúp ông ta giảm nhẹ khó khăn. 

 Các sếp chịu khó đào tạo, uốn nắn nhân viên, khổ lúc ban đầu thì mai sau sẽ nhàn. Khi ấy đã không cực thân, lại còn có thể ngồi vuốt râu mà rằng “Đen như mực vào tay tôi thì cũng sáng trưng ra hết.”

Theo Motibee

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm